Thứ Sáu, 21/08/2009 16:10

Bị kiện bán phá giá... vì giảm giá

Kinh tế toàn cầu suy thoái, nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải hạ giá bán. Nếu không hạ giá bán, họ tìm nhà cung cấp khác. Doanh nghiệp hạ giá, lại bị các nhà sản xuất của quốc gia nhập khẩu kiện bán phá giá.

Bị kiện... vì giảm giá

Ngày 23-8-2009, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ đưa ra quyết định sơ bộ về vụ điều tra chống trợ cấp và bán phá giá mặt hàng túi nhựa của doanh nghiệp Việt Nam sau khi vụ kiện đã được chính thức khởi động vào tháng 3-2009.

Doanh nghiệp thì khẳng định không bán phá giá túi nhựa vào thị trường Mỹ nhưng bị kiện vì một số lý do “khách quan”. Những lý do mà doanh nghiệp đưa ra vẫn là nhân công rẻ cộng với chi phí sản xuất kinh doanh rẻ hơn nhiều so với những nhà sản xuất ở những nước nhập khẩu.

Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM, dẫn chứng giá thành trung bình sản xuất bao bì nhựa của Việt Nam, từ nguyên liệu đến chi phí máy móc, vận chuyển, thuế... là 1.350 đô la/tấn.

Trong khi đó, giá xuất khẩu sang Mỹ của các doanh nghiệp ở mức 1.500 đô la/tấn (giá FOB), 1.700 đô la/tấn (giá CIF)). “Trung bình mỗi tấn bao bì nhựa, doanh nghiệp đạt mức lời từ 150-300 đô la/tấn. Nói ngành nhựa Việt Nam bán phá giá là không đúng”, ông Trang nói.

Tuy nhiên, ông Trang không phủ nhận việc, do kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp phải hạ giá bán để giữ chân khách hàng và duy trì việc làm cho công nhân.

Giám đốc một công ty nhựa ở quận 5, thừa nhận, hiện tập đoàn bán lẻ của Mỹ là Wal-Mart đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam làm khoảng 800 container túi nhựa/tháng (mỗi container tương đương với 20 tấn túi bao bì). Đại diện của Wal-Mart luôn ép giá mua xuống thấp nhất, nếu doanh nghiệp không bán hàng, họ sẽ đi tìm đối tác khác. Hiện giá trung bình mà các doanh nghiệp nhựa Việt Nam bán cho Wal-Mart rẻ hơn 10% so với giá bán của những nhà sản xuất ở thị trường Mỹ.

Một thực tế khác, các doanh nghiệp “đua” nhau hạ giá bán ở thị trường xuất khẩu do cạnh tranh gay gắt tìm đầu ra cho những mặt hàng xuất khẩu. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Sadaco, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng xuất khẩu trong quí 3, quí 4. Mùa tiêu thụ gỗ ngoài trời của các nước EU và Mỹ hàng năm vào tháng 7 - tháng 8, nhưng hầu như các doanh nghiệp vẫn đang “ngóng” các đơn hàng trong vô vọng.

Các doanh nghiệp gỗ càng âu lo hơn, khi mà những đối tác nhập khẩu từ Mỹ cho biết sức mua của thị trường này đã giảm 70% vào thời điểm này so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ hiện nhập khẩu 1 tỉ đô la đồ gỗ của Việt Nam mỗi năm, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Giải pháp mà hội đưa ra là chấp nhận giảm giá cho những nhà nhập khẩu từ Mỹ, dù nhiều chuyên gia đã cảnh báo, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng nóng sang thị trường Mỹ trong nhiều năm qua. Khả năng ngành gỗ bị kiện bán phá giá có thể xảy ra.

Cũng trong tháng 8 (26-8-2009), Cục Biên mậu Canada sẽ ra kết luận cuối cùng vụ điều tra chống bán phá giá mặt hàng giày và đế giày cao su hoặc nhựa không thấm nước (Waterproof rubber and/or plastic footwear) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá (TRC) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời kỳ kinh tế bắt đầu suy thoái (năm 2008), giá giày xuất khẩu của Việt Nam sang Canada giảm 37% so với năm 2007 dù chi phí nguyên liệu cho các sản phẩm này lại tăng trong giai đoạn này.

Giải pháp nào?

Kinh tế khó khăn, xu hướng những nhà sản xuất ở nước nhập khẩu kiện các mặt hàng giá rẻ bán vào thị trường của họ là điều tất yếu. Đáng lo ngại hơn, động thái này như một rào cản thương mại để ngăn hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu nên thận trọng hơn trong việc đàm phán giá cả với đối tác nhập khẩu.

Thiệt hại rõ nhất cho doanh nghiệp là khi biết tin một mặt hàng nhập khẩu bị điều tra chống bán phá giá từ Việt Nam, các nhà nhập khẩu sẽ “dè chừng” và bắt đầu tìm kiếm nguồn cung mới từ nước khác. Nếu vụ kiện chống bán phá giá xảy ra, khi áp thuế chống bán phá giá sẽ đẩy giá hàng hóa từ Việt Nam tăng lên, lợi nhuận của nhà nhập khẩu sẽ giảm.

Giải pháp trước mắt của các doanh nghiệp là hạn chế bán hàng giá rẻ ở thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, về lâu về dài, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày TPHCM (SLA), “cần phải có những giải pháp căn cơ hơn” để tránh “đáo tụng đình” với những nhà sản xuất nước ngoài. Doanh nghiệp phải hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thấp cấp, không thương hiệu, nhãn mác.

Doanh nghiệp trong nước vẫn có thói quen sản xuất hàng loạt các sản phẩm chất lượng thấp, bán với giá rẻ để được số lượng nhiều. Đây là một sai lầm mà doanh nghiệp hay mắc phải và cũng là lý do chính để những quốc gia nhập khẩu khởi kiện hàng Việt Nam bán phá giá. Nhiều mặt hàng Trung Quốc bị kiện trong thời gian qua trên thị trường thế giới là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu trong cùng một nhóm mặt hàng cũng là cách để doanh nghiệp tránh bị kiện bán phá giá. Thay vì doanh nghiệp tập trung vào sản xuất mặt hàng giày mũ da (bị kiện bán phá giá ở EU); hay mặt hàng giày đế cao su (bị kiện ở Canada), có thể chuyển bớt cơ cấu qua sản xuất giày vải hoặc một số chủng loại khác.

Để tránh bị kiện chống bán phá giá những sản phẩm gỗ, Hawa cũng khuyến cáo, doanh nghiệp thành viên nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo một quan chức của Hawa, việc theo dõi thường xuyên những đơn hàng gỗ xuất khẩu và mức tăng trưởng mỗi năm của ngành sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị kiện bán phá giá.

Cụ thể, theo quy định của mỗi quốc gia, tỷ lệ khống chế thị phần hàng nhập khẩu sẽ khác nhau. “Ví dụ, họ quy định tỷ lệ nhập khẩu của mặt hàng gỗ chỉ ở mức 3% tổng thị phần của quốc gia họ. Doanh nghiệp trong nước chỉ xuất đến 2,9% trong tổng thị phần của quốc gia nhập khẩu sẽ được... an toàn. Nhưng tự thân mỗi doanh nghiệp không thể thực hiện được, vì hạn chế về tài chính lẫn kinh nghiệm”, vị này phân tích.

Điều này sẽ hiệu quả hơn, nếu Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo chống bán phá giá. Hệ thống cảnh báo này sẽ vận hành dựa trên những số liệu thị trường của nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Hội nhập sâu hơn, doanh nghiệp cũng cần thay đổi thói quen khi tiếp cận thị trường nhập khẩu.

Doanh nghiệp nên giảm bớt chủng loại hàng xuất khẩu, khi ở thị trường nhập khẩu đã có những mặt hàng này của những nhà sản xuất ở quốc gia sở tại. Làm được điều này, doanh nghiệp xuất khẩu khó bị kiện bán phá giá, vì không xung đột lợi ích với những nhà sản xuất từ những quốc gia nhập khẩu.

Đến tháng 7-2009, doanh nghiệp Việt Nam đã đương đầu với 39 vụ kiện chống bán phá giá, đứng thứ 7 trong 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới. Điều đáng buồn, theo GS. TS. Võ Thanh Thu, thành viên Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết tỷ lệ các doanh nghiệp thua kiện lên đến 65%.

Theo VCCI, hiện hơn 74% doanh nghiệp của các hiệp hội ngành nghề không có bộ phận chuyên trách về pháp luật, 52% hiệp hội thiếu nhân lực có trình độ cả về pháp lý lẫn hỗ trợ tư vấn chống bán phá giá.

Trần Ban Mai

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Sớm bàn giao 2 bến cảng Nghi Sơn cho PVN (21/08/2009)

>   Mũ bảo hiểm sản xuất sau tháng 11-2008 vẫn dán tem CS (21/08/2009)

>   Giải pháp ảo hóa cho cơ sở hạ tầng thông minh (21/08/2009)

>   Hướng dẫn quyết toán bù lỗ mặt hàng dầu năm 2008 (21/08/2009)

>   Có nên có thêm gói kích cầu? (21/08/2009)

>   Trung Quốc định chặn dòng tiền nóng chảy vào CK (21/08/2009)

>   Từ 1/10, thu lệ phí cấp chứng chỉ trong lĩnh vực XD (21/08/2009)

>   Hội thảo về quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng (21/08/2009)

>   Đường tăng giá và tương lai từ năng lượng sạch (21/08/2009)

>   Đất dự án tiếp tục giảm giá! (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật