Phao chưa đến tay ngư dân
Tại Đà Nẵng, nguồn vốn kích cầu trị giá hàng ngàn tỉ đồng nhưng mới đến tay được tám ngư dân với hơn 1 tỉ đồng. Không có vốn để xoay, nhiều chủ tàu rơi vào tình cảnh khó khăn, phải để tàu nằm bờ, bỏ bạn, bỏ cả ngư trường.
Mùa này của năm trước, Võ Văn Hết, chủ tàu, đang cùng bạn lênh đênh trên biển với nghề lưới vây. Nhưng hơn hai tháng nay tàu của ông nằm chết gí ở bờ. Tàu không ra khơi, thu nhập không có mà khoản nợ ngân hàng từ hồi bão Chanchu vẫn chưa trả nên ông Hết đang tính bán tàu. “Mùa mực vừa rồi ra khơi nhưng càng ngày giá nhiên liệu, thực phẩm tăng chóng mặt. Mực đánh cả mấy chục tấn về bán bị ép giá. Có chuyến đi ròng rã mấy tháng trời nhưng chỉ huề vốn. Bây chừ muốn chuyển sang nghề đi lưới vây nhưng lấy đâu ra 500 – 600 triệu đồng, nhà cửa, tàu thuyền đều thế chấp cả rồi”, ông Hết tâm sự.
Cụt vốn
Ông Đào Ngọc Minh Tâm một chủ tàu khác đang ôm nợ ngân hàng 200 triệu đồng. Tàu nằm bờ hơn ba tháng không đành, ông Tâm đến ngân hàng thì họ lắc đầu vì đang còn nợ. Từ những “thảm cảnh” đó mà những lao động trên tàu từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở ra ngày càng ít mặn mà với biển. Ông Tâm thổ lộ: “Nếu trước đây ngư dân sẵn sàng vượt sóng xa khơi đánh bắt ở những ngư trường xa đến hơn 500 hải lý, thì hiện nay chỉ đi trong phạm vi 200 – 300 hải lý mà thôi. Ngư dân chúng tôi không đi xa thì mất ngư trường biển, mà đi thì chi phí quá cao, lỗ nặng mà tình hình biển thì rất phức tạp”.
Ông Hồ Văn Thanh cũng đang đánh tiếng bán con tàu của mình. Ông tâm sự: “Phải có ít nhất 300 triệu đồng để chuyển sang nghề đi lưới cản nhưng làm sao mà xoay xở được. Đi vay nặng lãi mà đầu tư cho nghề biển thì chẳng khác gì chơi bạc”. Ông Lê Minh Việt – phó chủ tịch hội nông dân phường Thanh Khê Đông lật cuốn sổ ra và đọc vanh vách gần 10 hộ đã bán tàu, hơn 11 tàu khác thì nằm bờ có trường hợp còn nằm bờ đến hai chiếc. Cùng với hàng loạt tàu nằm bờ hoặc rao bán là hàng trăm ngư dân hiện nay đang lâm cảnh thất nghiệp, trong khi biển khơi vẫn đang đợi.
Khó vay dù tiền đầy két
Thống kê từ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) chi nhánh Đà Nẵng thì nguồn vốn cho vay hỗ trợ lại suất ưu đãi theo gói kích cầu của Chính phủ cho ngư dân tại đây lên tới hàng ngàn tỉ đồng, nhưng hiện nay chỉ có tám ngư dân được vay với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Ông Đoàn Phúc, phó giám đốc NHNN&PTNT chi nhánh Đà Nẵng, nguyên nhân của việc chậm giải ngân gói kích cầu của Chính phủ đối với ngư dân hiện nay là do từ những năm trước nhiều ngư dân đang nợ ngân hàng quá thời hạn hoặc không có khả năng trả nợ. Riêng tại quận Sơn Trà có 960 hộ dân vay 12 tỉ đồng thì đến 900 hộ khó khăn trong việc trả nợ, quận Thanh Khê có 574 hộ vay vốn thì có 50% là nợ quá hạn. “Chính việc ngư dân đang nợ ngân hàng từ những năm trước nên dẫn đến việc khó giải ngân tiền từ gói kích cầu. Trong khi đó để chuyển đổi sang nghề đi lưới cản, lưới vây phải tốn từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng và ngân hàng muốn cho vay phải căn cứ vào hiệu quả đánh bắt, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo”, ông Phúc cho biết. Tương tự, ông Võ Minh, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Đà Nẵng cũng cho rằng do đa số ngư dân đều nợ quá hạn, vi phạm về luật tín dụng nên các ngân hàng thương mại rất ngại.
Theo ông Phúc chính quyền địa phương phải đứng ra bảo lãnh cho ngư dân hoặc thông qua hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách địa phương, tổ chức lại bộ máy thu mua, tiêu thụ hải sản một cách quy củ. Thực hiện mô hình ngư dân, Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng cùng bắt tay ra khơi.
Bà Rịa – Vũng Tàu: đưa 100 tàu cá sang đánh bắt tại Indonesia
Ngày 20.8, ông Đỗ Duy Thành, giám đốc công ty TNHH thuỷ sản Bình Minh (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chính thức xác nhận việc công ty này sẽ đưa 100 tàu cá Việt Nam cùng 1.500 thuỷ thủ sang đánh bắt tại ngư trường Indonesia vào năm 2010.
Trước đó, tại buổi làm việc với sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và công ty Bình Minh về vấn đề này ngày 19.8, ông Trần Ngọc Thới, phó chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ban, ngành liên quan gấp rút xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các thủ tục cần thiết, theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện chủ trương này.
Theo ông Đỗ Duy Thành, công ty đã có văn phòng đại diện tại Indonesia và công ty sẽ ký hợp đồng với các chủ tàu cá để đưa tàu sang ngư trường nước này đánh bắt. Chủ tàu sẽ phải nộp một khoản phí nhất định cho công ty (hiện chưa tính toán được cụ thể). Trước mắt, công ty ưu tiên chọn các tàu cá của tỉnh để ký hợp đồng và sẽ mở rộng ra cả tàu của các địa phương khác. Điều kiện để được đưa tàu sang Indonesia đánh bắt là tàu có công suất 360CV, trọng tải từ 100 tấn trở lên và hợp đồng sẽ được ký mỗi năm một lần. Công ty Bình Minh sẽ đứng ra làm thủ tục với bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ Ngoại giao và đại sứ quán của hai nước.
Việc đưa thí điểm 100 tàu cá trên địa bàn tỉnh sang Indonesia đánh bắt hải sản nhằm khai thác các lợi thế của mỗi bên, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong khu vực, đồng thời hạn chế những tranh chấp xảy ra tại các khu vực chồng lấn trên vùng biển hai nước.
Đoàn Cường
Sài Gòn Tiếp thị
|