Nhà ở giá rẻ: Còn khó nhiều bề
Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp đang được Chính phủ và các bộ, ngành đốc thúc các địa phương đẩy mạnh việc triển khai nhưng trên thực tế, đến nay vẫn không có nhiều dự án được khởi động.
Chưa đủ kích thích
Được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ, cộng với lãi 10% trên giá bán coi như bảo đảm doanh nghiệp (DN) phát triển nhà ở xã hội có lời. Nhưng vì sao các DN vẫn hờ hững? Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, đưa ra một loạt vấn đề: Khó khăn trong đền bù giải tỏa (2 – 4 năm), thủ tục đầu tư xây dựng (1 – 4 năm), biến động rủi ro trong thi công (trên 2 năm). Như thế chỉ lãi 10% là “không an toàn”. Mặt khác, nhiều DN đã “kiệt sức” trong thời gian qua cần sự “tiếp máu” kịp thời, nhưng giá bán lại chờ phê duyệt, khách hàng lại bị hạn chế nên vẫn phải chờ. Vì thế DN phải tự cứu mình bằng cách làm sao bán nhanh thu tiền nhanh cho bất cứ ai có tiền!
Ông Trần Minh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng (UDIC), cho rằng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ có thể được đầu tư bởi nguồn vốn ngân sách, bởi với một cơ chế quản lý khai thác nhà ở xã hội chưa rõ ràng thì khó tạo động lực lôi kéo các DN tham gia thị trường này. Ngoài ra, nhiều DN địa ốc cũng muốn có câu trả lời cho vấn đề: Hết thời gian hỗ trợ vốn, DN xoay xở thế nào, bởi vì thời gian thu hồi vốn trong các dự án nhà ở giá thấp phải từ 15 - 20 năm, thậm chí lâu hơn.
Bên cạnh đó, là các vấn đề như chủ trương quy hoạch, kiến trúc và một số thủ tục hành chính khác. Hưởng ứng tham gia chương trình từ đầu năm 2009 nhưng đến nay, Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình vẫn chưa thể khởi động công trình. Lý do “phải chờ rất nhiều thứ”- từ chủ trương, cơ chế, chính sách, hướng dẫn từ các bộ, sở cho đến việc làm rõ ranh quy hoạch, các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch... Trình tự bao giờ cũng là từ trên xuống dưới và ngược lại.
Bao nhiêu là thấp?
Nhà đầu tư vẫn ngần ngại vì “phải chờ nhiều thứ”, còn người có thu nhập thấp chưa biết bao giờ mới có nguồn nhà và mua như thế nào?
So sánh giữa mức thu nhập của người thu nhập thấp hiện nay khoảng 2-3 triệu đồng/tháng (mức không có tích lũy) với mức giá 400 triệu - 500 triệu đồng/căn hộ, đa số người thu nhập thấp mong muốn giá nhà ở xã hội cần phải rẻ hơn nữa hoặc nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tiền mua nhà với mức lãi suất thấp và ổn định thì họ mới có thể có nhà.
Theo các chuyên gia về tài chính ngân hàng, cần làm rõ cơ chế hỗ trợ tài chính cho người thu nhập thấp khi tiếp cận mô hình nhà giá thấp. Nếu không có cơ chế cụ thể, với mức thu nhập thấp, chắc chắn người nghèo không đủ điều kiện được vay vốn và cũng không đủ khả năng tích lũy mua nhà. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào việc ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà giá thấp bởi bản chất của ngân hàng thương mại là đi vay và cho vay. Nếu muốn mua một căn hộ 500 triệu đồng, khách hàng phải trả trước 1/3, ít nhất cũng khoảng 150 triệu đồng. Còn lại ngân hàng cho vay, giả sử trong 10 năm với lãi suất 1%/tháng. Như vậy, một tháng, người vay phải trả tiền gốc khoảng 3 triệu đồng, cộng thêm lãi suất ngân hàng 3,5 triệu đồng, tổng cộng là 6,5 triệu đồng. Theo nguyên tắc nợ chiếm bằng hoặc ít hơn một nửa thu nhập là hợp lý thì thu nhập của người này một tháng phải trên 13 triệu đồng! Không thể nào nói mức thu nhập này là thấp.
Khó xây căn hộ dưới 300 triệu đồng
Đây là khẳng định của nhiều doanh nghiệp địa ốc TPHCM về mức giá cho một căn nhà giá thấp. Bà Vương Kim Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhà Hòa Bình, cho biết sau khi Vinaconex công bố căn hộ giá 200 triệu đồng, công ty đã cử người ra Hà Nội nghiên cứu để áp dụng tại TPHCM. “Tuy nhiên, ở TPHCM khó có thể xây một căn hộ với giá bán 200 triệu - 300 triệu đồng. Công ty chúng tôi đã đăng ký xây dựng hai dự án căn hộ giá thấp tại quận 12 và huyện Nhà Bè, khoảng 400 căn hộ với giá mong muốn ở ngưỡng 7 triệu - 8 triệu đồng/m2, tương đương mức giá 400 triệu - 600 triệu đồng/căn hộ. Đây là mức giá thấp nhất chúng tôi có thể đưa ra.
Nguyễn Phúc
Người lao động
|