Thứ Bảy, 22/08/2009 07:37

Người VN ưu tiên dùng hàng VN:

Nếu chú tâm, doanh nghiệp sẽ làm được

Để chinh phục thị trường nội địa, các doanh nghiệp VN phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo thêm giá trị gia tăng cho khách hàng và liên kết giữa nhà sản xuất với kênh phân phối.

* Thắng nhờ thế mạnh sản phẩm

* Quyền lực của người tiêu dùng

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty Vinamilk: Giữ chữ tín đối với khách hàng

Vinamilk đã 33 năm có mặt tại thị trường VN. Phương châm của công ty là sản xuất hàng tiêu dùng với chất lượng quốc tế, giá VN cho người tiêu dùng VN, tạo cho mọi người dân có cơ hội dùng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Chúng tôi chọn cách “lấy công làm lời”, chấp nhận lợi nhuận trên từng sản phẩm thấp nhưng bù lại sản lượng bán ra nhiều và thu về lợi nhuận lớn (trung bình, mỗi ngày Vinamilk bán ra thị trường trên 5 triệu sản phẩm).

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng VN - nhất là người dân nông thôn - rất thiếu thông tin về sản phẩm nên khó định hướng tiêu dùng. Theo tôi, đợt phát động “người VN ưu tiên dùng sữa Việt” của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN rất thiết thực, cung cấp những thông tin bổ ích làm cơ sở cho người dân chọn sản phẩm chất lượng, phù hợp với túi tiền. Hy vọng thông qua cuộc vận động, sản phẩm sữa VN có giá cạnh tranh, chất lượng tốt sẽ được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, qua đó kích thích ngành chăn nuôi bò sữa phát triển. Để “người VN ưu tiên dùng sữa Việt”, với Vinamilk, việc đầu tiên là thực hiện chữ tín đối với khách hàng. Tất cả sản phẩm làm ra tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng với mức giá thấp nhất có thể. Ngoài ra, công ty cũng mở rộng hệ thống phân phối đến các tỉnh, vùng sâu, vùng xa sao cho ở bất cứ nơi nào, người tiêu dùng cũng dễ dàng mua được sản phẩm của Vinamilk.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông: Bí quyết từ sự khác biệt

Ngay từ đầu, nhựa Rạng Đông đã xác định thị trường nội địa là thị trường chủ lực nên đầu tư triển khai nhiều chính sách kích cầu cho tiêu dùng nội địa. Quan điểm của chúng tôi là luôn tạo ra sự khác biệt và lấy đó làm thế mạnh cạnh tranh. Công ty không chỉ bán sản phẩm mà cung cấp dịch vụ, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Ngoài việc giữ đúng cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm, giá bán thống nhất... Rạng Đông còn có đội xe tải hơn 10 chiếc dùng để phân phối hàng 24/24 giờ cho các đại lý; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường sản phẩm nhựa cho khách, giúp khách hàng chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi gia tăng sự nhận diện thương hiệu thông qua các hoạt động marketing, quảng cáo, hội chợ triển lãm...

Thời gian gần đây, một số sản phẩm nhựa VN như áo mưa, màng phủ, bao bì... có nhiều tiến bộ về mẫu mã, chất lượng, giá cạnh tranh nên đã “ghi điểm” với người tiêu dùng trong nước, đánh dạt được hàng ngoại cùng loại. Tôi tin rằng với sự chuẩn bị bài bản, quyết tâm “giành lại sân nhà” của các doanh nghiệp (DN) nhựa và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua việc duy trì tỉ giá ổn định, kéo dài các gói kích cầu hỗ trợ DN..., không có lý do gì hàng nhựa VN không làm chủ sân nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op: Hợp sức tạo thế mạnh

Nhà cung cấp VN có những ưu điểm lớn là chủ động về nguồn hàng hóa, nguồn nguyên liệu nên giá cả ổn định; dễ hợp tác do thấu hiểu được thị hiếu, quan điểm của người tiêu dùng trong nước; chủng loại hàng hóa tương đối đa dạng với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp mắt phù hợp với nhu cầu mua sắm của đại đa số người tiêu dùng trong nước… Những năm gần đây, DN trong nước đã quan tâm và xây dựng thương hiệu cho riêng mình, chất lượng sản phẩm không thua kém hàng ngoại nhập và đã có rất nhiều thương hiệu VN cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, đại bộ phận DN VN là DN nhỏ và vừa, các nguồn lực về trang thiết bị, nhân lực, tài chính... còn khó khăn-đây là hạn chế lớn khi cạnh tranh với DN nước ngoài.

Hệ thống Co.opMart ý thức rất rõ vai trò quan trọng của sự hợp sức giữa nhà sản xuất và kênh phân phối trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại VN. Chúng tôi luôn sát cánh cùng các DN sản xuất hàng Việt quảng bá thương hiệu và sản phẩm đến người tiêu dùng. Tháng 9 này, Co.opMart sẽ tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt” với sự tham gia của hơn 200 DN. Chúng tôi tin rằng với sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thương hiệu và sản phẩm Việt sẽ ngày càng có lợi thế cạnh tranh, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Cần chính sách hỗ trợ ngành gỗ

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, mặt hàng gỗ nội thất nội địa chiếm khoảng 90% thị trường. Tuy nhiên, hầu hết DN gỗ nội thất sử dụng nguyên liệu gỗ cấp thấp, thiết bị lạc hậu, sản xuất và bán đơn lẻ, không theo lô hàng lớn nên giá bán khá cao, mẫu mã đơn điệu với hệ thống phân phối tự phát, bắt đầu chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại cùng chủng loại trên thị trường. Hiện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN đang nghiên cứu, tìm giải pháp cho mặt hàng đồ gỗ nội thất nội địa để đề xuất chính sách hỗ trợ.

T.Nhân -  Đ.Nghi

Người lao động

Các tin tức khác

>   Hàng tồn kho cạn, kinh tế đi lên (22/08/2009)

>   Doanh nghiệp rau quả khảo sát thị trường Trung Quốc (22/08/2009)

>   Tăng cường kiểm tra nhà máy chế biến thủy sản (22/08/2009)

>   Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (22/08/2009)

>   Nhà ở giá rẻ: Còn khó nhiều bề (22/08/2009)

>   Thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững (22/08/2009)

>   Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch chè (21/08/2009)

>   Trọng tài kinh tế: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ (21/08/2009)

>   Ủy ban Tài chính Quốc hội giám sát vốn kích cầu (21/08/2009)

>   Dự báo lần đầu tiên xuất khẩu tăng trưởng âm (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật