Thứ Bảy, 22/08/2009 09:04

Đã đến lúc điều chỉnh lại các chính sách ưu đãi

Chúng ta đang ở giai đoạn tăng trưởng trở lại và như vậy đòi hỏi có sự điều chỉnh về phạm vi, hàm lượng của các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, ưu đãi thuế.

PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã khẳng định như vậy khi nói về hiệu quả của gói kích thích kinh tế.

Theo ông Nhã, bối cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay đã khác so với 4 – 5 tháng trước. Kinh tế tăng trưởng tốt thì sẽ phải rà soát, điều chỉnh lại các chính sách thuế, đặc biệt là miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa phục hồi có điều kiện phát triển nhưng cũng không làm thất thu, giảm thu ngân sách do chúng ta chịu áp lực rất lớn về nguồn thu này.

Bên cạnh đó, cũng phải có sự xem xét, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Sự điều chỉnh này vẫn đảm bảo hàm lượng tín dụng cho sự phát triển của nền kinh tế, không để doanh nghiệp thiếu vốn phát triển nhưng cũng không tạo ra một lượng tiền lớn đưa vào lưu thông gây nguy cơ lạm phát. Đây là thời điểm phải xem xét một cách tỉnh táo và linh hoạt để nhìn nhận lại các nội dung và hàm lượng của các chính sách.

Lâu nay chúng ta vẫn lấy xuất khẩu là động lực để tăng trưởng nhưng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta sẽ phải trả giá cho sự lệch lạc về cơ cấu phát triển của nền kinh tế. Sau khi xác định lại mục tiêu tăng trưởng thì cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào, thưa ông?

Ông Đinh Văn Nhã: Có thể thấy rằng cách chính sách như hỗ trợ lãi suất đã có tác động rất lớn trong thay đổi chất lượng các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua.

Xuất khẩu của chúng ta có thể không đạt được kim ngạch, mục tiêu. Kinh tế của chúng ta phát triển được, có tăng trưởng tốt nhưng vẫn phụ thuộc thị trường nước ngoài. Đây là bài toán rất quan trọng. Theo tôi, trong suy thoái cần tiếp tục hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại để tìm ra các thị trường mới. Việc hỗ trợ thị trường tiêu thụ nội địa là rất cần thiết. Lâu nay, mục tiêu của nhiều doanh nghiệp không phải là tiêu thụ hàng trong nước mà là xuất khẩu. Nhưng khi thị trường xuất khẩu chưa được phục hồi thì Chính phủ phải có ưu đãi nhất định đối với những doanh nghiệp này.

Tôi cho rằng, nếu có sự điều chỉnh về chính sách, nhất là các chính sách quan trọng như tiền tệ, tài chính thì sẽ có tác động lớn đến cơ cấu của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế là bài toán lớn và chúng ta không thể xử lý được trong một năm. Trong 2-3 năm gần đây chúng ta đã có từng bước điều chỉnh. Một số chuyên gia cho rằng, các chính sách chống suy giảm kinh tế của chúng ta trong thời gian qua chưa có tác động nhiều trong việc cơ cấu lại nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế có sự tăng trưởng thì có lẽ mục tiêu của các chính sách quan trọng hiện nay vẫn phải đặt ra bài toán hỗ trợ trong chuyển dịch cơ cấu. Chúng ta không phải là thu hẹp lại tất cả các lĩnh vực. Có thể có một số lĩnh vực chúng ta giảm sự hỗ trợ nhưng đồng thời lại tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực khác trọng yếu hơn của nền kinh tế. Việc điều chỉnh chính sách phải có sự lựa chọn gắn với tác động chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ sao cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất được.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có hoạt động giám sát nào trong việc đảm bảo duy trì tăng trưởng bền vững?

Ông Đinh Văn Nhã: Chúng tôi đang triển khai chương trình giám sát rất lớn và có kế hoạch làm việc với một số bộ ngành T.Ư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.

Chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với hai ngân hàng lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Đây là hai ngân hàng chiếm tỉ lệ dư nợ lớn nhất về cho vay hỗ trợ lãi suất trong số các tổ chức tín dụng được Chính phủ cho phép thực hiện.

Chúng tôi cũng có kế hoạch làm việc với hệ thống các ngân hàng ở 3 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh ở Đông và Tây Nam Bộ. Đây là hai vùng chiếm tỉ lệ dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất cao nhất. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội trong kế hoạch công tác có bổ sung thêm việc bố trí thời gian theo dõi, giám sát ở địa phương.

Qua các cuộc làm việc, vấn đề gì lớn nổi lên trong việc thực hiện hỗ trợ lãi suất, thưa ông?

Ông Đinh Văn Nhã: Qua làm việc với hai ngân hàng nói trên, chúng tôi thấy nổi lên vấn đề về việc phòng ngừa nguy cơ lạm phát. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo một số ngân hàng phải thu hẹp quy mô tín dụng, khống chế quy mô tăng trong phạm vi khoảng 25-27%. Nhu cầu vay vốn của DN rất lớn, nhất là vốn vay về hỗ trợ lãi suất trung hạn. Loại hình hỗ trợ này được triển khai từ đầu tháng 5 nhưng đến thời điểm này nhiều dự án mới bắt đầu triển khai. Nếu co hẹp lại nguồn vốn thì có thể nhiều dự án sẽ gặp khó khăn vì thiếu vốn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nhiều bà con mới tiếp cận được vốn vay hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng thương mại lại bắt đầu thắt chặt tín dụng.

Do vậy theo tôi, các ngân hàng như Ngân hàng Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn có khách hàng phần lớn là nông dân nên tiếp tục thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đến đối tượng này. Nguồn tín dụng của Ngân hàng này cần thiết được nới lỏng để có thêm hàng triệu hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Điều này đòi hỏi phải có sự sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là ưu tiên khu vực nông nghiệp nông thôn. Quy mô các dự án vay ở khu vực này là không lớn, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng nên không lo ngại là khu vực này sẽ có tác động lớn đến nguy cơ tái lạm phát.

Hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cho rằng chúng ta cần triển khai gói kích cầu thứ hai. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đinh Văn Nhã: Với tác động của hàng loạt các giải pháp, các DN trong các thành phần kinh tế đã duy trì được sản xuất và đang có dấu hiệu tăng trưởng. Biểu hiện là trong nền kinh tế có lượng hàng tồn kho lớn là thành quả của quá trình ổn định kinh tế, phát triển sản xuất thời gian vừa rồi.

Một số chuyên gia cho rằng cần phải có gói kích cầu thứ hai về tiêu thụ, nhất là tiêu thụ nội địa, tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt. Hệ thống các ngân hàng cũng đã triển khai cho vay tiêu dùng. Vấn đề hiện nay là xử lý tiêu thụ nội địa như thế nào. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kích thích tiêu thụ nội địa cũng là điều nên làm trong khi thị trường xuất khẩu của chúng ta chưa có dấu hiệu mở rộng trở lại.

Chúng ta có tiếp tục nới lỏng nữa hay không hay là nới lỏng trong thắt chặt để vẫn có khối lượng tiền lưu thông mà không ảnh hưởng đến áp lực về lãi suất cũng như điều chỉnh về tỷ giá trong chủ trương chung là duy trì tỷ giá ổn định, hỗ trợ xuất khẩu. Việc điều chỉnh như thế nào thì cần phải dựa vào kết quả kinh tế của Quý III này.

Vậy nếu thực hiện gói kích cầu thứ 2 thì sẽ lấy từ nguồn nào, thưa ông?

Ông Đinh Văn Nhã: Hiện nay, 17.000 tỷ cho kích cầu vẫn chưa sử dụng hết. Bởi quy mô dư nợ tín dụng của hệ thống các ngân hàng mới chỉ giải ngân gần 400.000 tỷ đồng.

Theo tôi được biết, hiện phần vốn chính thức từ 17.000 tỷ đồng mới chuyển cho các ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, số dư còn rất lớn, có thể từ nay đến hết năm không sử dụng hết số tiền này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết : Qua thanh tra bước đầu, chưa phát hiện trường hợp nào có sự dịch chuyển thể hiện bằng chứng từ các nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất sang chứng khoán, bất động sản. Tới đây, NHNN sẽ tăng cường thanh, kiểm tra nếu phát hiện trường hợp nào làm trái qui định sẽ xử lý theo qui định của pháp luật.

 

Vũ Hạnh

VOV

Các tin tức khác

>   Việt Nam cần tạo thế chủ động cao ngay trong nước (22/08/2009)

>   Nếu chú tâm, doanh nghiệp sẽ làm được (22/08/2009)

>   Hàng tồn kho cạn, kinh tế đi lên (22/08/2009)

>   Doanh nghiệp rau quả khảo sát thị trường Trung Quốc (22/08/2009)

>   Tăng cường kiểm tra nhà máy chế biến thủy sản (22/08/2009)

>   Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (22/08/2009)

>   Nhà ở giá rẻ: Còn khó nhiều bề (22/08/2009)

>   Thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững (22/08/2009)

>   Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch chè (21/08/2009)

>   Trọng tài kinh tế: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật