Thứ Bảy, 22/08/2009 08:44

Việt Nam cần tạo thế chủ động cao ngay trong nước

Ngay trong giai đoạn phát triển này cùng với nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì vai trò của nhà nước càng trở nên quan trọng hơn. Nhà nước phải ý thức đúng vai trò của mình để làm tốt nhất có thể, mà trước mắt là mang đến những sản phẩm công cần thiết cho người dân.- GS.TS. James Riedel.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 8, GS.TS. James Riedel của trường Quốc tế học cấp cao (SAIS) trực thuộc Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) đã có một cuộc trò chuyện xoay quanh thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trong cơn biến động của khủng hoảng toàn cầu.

Vị giáo sư kinh tế học người Mỹ này là chuyên gia kinh tế hàng đầu về châu Á trong hơn 30 năm qua và ông đã tìm hiểu, nghiên cứu cũng như tư vấn cho Chính phủ cùng doanh nghiệp ở Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, hay những nền kinh tế đã phát triển như Hồng Kông, Đài Loan, Singpore, Hàn Quốc… Đặc biệt, giáo sư cùng với vài cộng sự đã thực hiện cuộc nghiên cứu tiên phong về những chính sách hỗ trợ, phát triển thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam, dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới vào những năm 1990.

Ông cũng đã tham gia giảng dạy tại Chương trình Fulbright của Đại học Harvard tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1998 và xuất bản nhiều cuốn sách kinh điển về kinh tế phát triển. Gần đây nhất, Nhà xuất bản Đại học Princeton xuất bản tác phẩm mới của ông là “Trung Quốc phát triển như thế nào: Đầu tư, tài chính và đổi mới” (How China Grows: Investment, Finance and Reform). Hiện nay, GS.TS. James Riedel là Cố vấn cao cấp cho chương trình Star của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai những hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ.

Cuộc trò chuyện giữa ông và chúng tôi bắt đầu từ những khó khăn của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, giáo sư chia sẻ:

Trước hết, để nhận diện được những vấn đề tồn đọng mà Việt Nam đang phải đối mặt, chúng ta nên lướt qua bối cảnh chung của tình hình kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trong ít nhất hai năm qua.

Ở đất nước của các bạn, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể chia ra làm hai giai đoạn. Thứ nhất là khủng hoảng trong nước, bắt đầu xuất hiện từ cách đây hai năm. Vào năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO đã tạo nên tâm lý hứng khởi cho cả nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ, khiến những nguồn tài chính trực tiếp và gián tiếp như FDI và FII đổ vào Việt Nam nhiều đến vô tiền khoáng hậu.

Lúc đó, đồng tiền Việt Nam tăng giá, nền kinh tế bị đẩy lên quá “nóng” và hậu quả nhập siêu, lạm phát là điều không thể tránh khỏi. Đến giữa năm 2008, khi nhận thấy những dấu hiệu này, các nhà đầu tư nước ngoài đã ngừng bỏ vốn, Nhà nước cũng có những biện pháp quyết liệt để giảm bớt lạm phát như tăng lãi suất, giảm chi tiêu công… Trong vòng hai, ba tháng, những chính sách ổn định này rõ ràng đã có hiệu quả tốt nên tình trạng nhập siêu và lạm phát giảm hẳn.

Nhưng rồi tại thời điểm này, Việt Nam lại gặp phải cuộc khủng hoảng thứ hai có xuất phát điểm từ Mỹ và trở thành nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp của suy thoái toàn cầu. Và từ cuối năm ngoái cho đến nay, tình hình càng trở nên xấu hơn.

Cụ thể là Việt Nam chịu chung số phận với các nước trong khu vực, bị giảm đáng kể về lượng đầu tư (so với năm ngoái, mức độ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã giảm đi khoảng một nửa). Thâm hụt ngân sách của Nhà nước cũng tăng, phần lớn không hẳn là từ các chi tiêu kích cầu, mà vì mức thu thuế giảm sút do giá cả các mặt hàng xuất khẩu trượt giá, cụ thể là dầu khí giảm đi gần 2/3 so với cách đây hai năm.

- Trở lại với vấn đề định hướng phát triển chiến lược và các biện pháp đối phó khủng hoảng thì theo giáo sư, Việt Nam cần phải làm gì trong tình hình hiện nay?

Đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng chứ không trực tiếp gây ra, nên vấn đề không phải là làm sao giải quyết nó, mà phải tìm cách sống chung với nó. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đặt ra vấn đề về chiến lược kinh tế dài hạn để không chỉ vượt qua khỏi giai đoạn khó khăn này, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài.

Một trong những vấn đề lớn trong chiến lược phát triển là Việt Nam - một nước đang phát triển - là có nên chấp nhận những gì mà thuyết toàn cầu hóa đề ra hay không. Thuyết toàn cầu hóa dẫn đến hệ quả là có những quốc gia ngày càng lệ thuộc vào nhau nhiều hơn.

Có người cho rằng toàn cầu hóa gây ra những rủi ro quá lớn, vì những nước đang phát triển vốn dĩ đã yếu kém về nội lực, lại phải lệ thuộc vào nước ngoài thì khi kinh tế thế giới có vấn đề, những quốc gia đó dễ rơi vào thế bị động và chịu ảnh hưởng nặng nề. Họ nói vậy cũng đúng một phần, nhưng câu hỏi đặt ra là phải tổ chức như thế nào để có thể chấp nhận lệ thuộc mà không rơi vào thế hoàn toàn bị động.

- Nhưng những quốc gia và lãnh thổ phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore… đã hóa rồng vì có những chiến lược thúc đẩy xuất khẩu. Bởi lẽ nhờ vào thị trường quốc tế mới có thêm thu nhập, có thu nhập mới có đầu tư và có đầu tư thì mới mong phát triển. Vậy nếu Việt Nam không theo thuyết toàn cầu hóa, chỉ tập trung vào thị trường nội địa thì có nên chăng?

Vấn đề đặt ra không phải là chọn lựa hoặc cái này hay cái kia, mà nên biết cách cân bằng tùy theo hoàn cảnh của mỗi giai đoạn kinh tế. Đối với Việt Nam thì chưa thể và cũng không nên tách rời kinh tế thế giới. Khác với Trung Quốc, họ đã đủ nội lực để xây dựng một chiến lược ít dựa dẫm, lệ thuộc vào kinh tế thế giới.

Trong mấy chục năm qua, Trung Quốc đã phát triển đến mức có được một thị trường dân số trung lưu khá lớn để kích cầu nội địa đạt hiệu quả cao. Do đó, nếu xét theo tỷ lệ GDP, xuất khẩu của Trung Quốc chỉ bằng khoảng phân nửa so với Việt Nam và hiện nay, họ đã bắt đầu tập trung phát triển thị trường nội địa.

Một thực tế nữa là những nước đi trước Việt Nam có may mắn trải qua giai đoạn kinh tế toàn cầu phát triển vượt mức, cho nên họ có thể nương theo mà đi lên. Không may mắn là Việt Nam chưa kịp cất cánh đã bị cơn bão khủng hoảng kéo giật lùi và hệ quả của nó để lại sâu sắc đến nỗi kinh tế thế giới cần một thời gian dài mới có thể vực dậy. Giờ đây, bài toán mà Việt Nam cần giải đáp có hai ẩn số.

Thứ nhất là tập trung sử dụng nguồn nhân lực dư dả từ nông thôn. Chúng ta đều biết hằng năm có thêm từ một đến hai triệu lao động mới cần việc làm, cho dù thị trường trong nước có kích cầu đến đâu cũng không thể tạo nổi việc làm cho đủ hết số lao động đang tăng dần mỗi năm. Thứ hai là vấn đề năng suất và hiệu quả đầu tư của Việt Nam.

- Giáo sư đánh giá thế nào về những yếu tố cần thiết để phát triển nền kinh tế của Việt Nam trong tương quan với các nước khác trong khu vực?

Điều kiện ưu tiên để phát triển kinh tế không phải là nguồn tài nguyên, mà là chính sách. Những nước trong khu vực phát triển nhanh vì có những chính sách công tốt, chứ không phải vì họ có rừng vàng biển bạc, cũng không phải vì họ có đông dân. Nhìn lại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân vừa và nhỏ mặc dù đã và đang tạo nên công ăn việc làm nhiều nhất so với các thành phần kinh tế khác, nhưng họ mới chỉ chiếm 10% của GDP và 24% tổng sản lượng công nghiệp (quá ít so với gần 40% của khu vực đầu tư nước ngoài và khoảng 40% của khu vực công).

Khu vực công mặc dù được đầu tư, ưu đãi nhiều nhất nhưng lại tạo công ăn việc làm ít nhất. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân là những người năng nổ có thể giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Họ không nhận được những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đúng mức, ngay cả so sánh với khu vực đầu tư nước ngoài. Những chính sách về quyền sở hữu đất đai, quyền pháp lý và khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực tư nhân còn tương đối thấp.

Thế nên khu vực kinh tế tư nhân đáng lẽ phải là đầu tàu cho phát triển, lại càng ngày càng mất lòng tin vào sự đầu tư dài hạn, nên chỉ tập trung vào đầu cơ, đầu tư ngắn hạn để tránh rủi ro. Nên chăng cần có một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, những hỗ trợ đúng mức cho sự đầu tư dài hạn để những công ty vừa và nhỏ có thể đóng góp hết mình vào công cuộc xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, so sánh giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực về những yếu tố cơ bản làm nền móng cho sự phát triển kinh tế thì còn có hạ tầng cơ sở vật chất, sự đầu tư đúng mức về giáo dục, y tế và đặc biệt là hệ thống thông tin về thị trường tài chính, thương mại, ngân sách quốc gia, chính sách kinh tế vĩ mô, cơ hội đầu tư… Đây là những sản phẩm công mà chỉ có nhà nước mới có thể đóng vai trò chủ động cung cấp cho toàn xã hội, nhất là hệ thống thông tin.

- Vì sao hệ thống thông tin lại quan trọng đến như vậy, thưa giáo sư?

Thông tin là sản phẩm mà người dân cần biết và cần có để họ có một quyết định đúng đắn khi đầu tư và nhà nước có trách nhiệm cung cấp những thông tin này, chứ không một công ty tư nhân nào khác làm được. Ở Việt Nam có ít thông tin đáng tin cậy để cho các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước có đủ điều kiện và cơ sở để quyết định nên đầu tư vào việc gì, ở đâu, với ai, đầu tư bao nhiêu… Khi nhà đầu tư sai hướng thì cả xã hội sẽ phải trả giá chứ không chỉ riêng nhà đầu tư, và ngược lại.

Ngoài ra, thiếu thông tin còn tạo nên sự bất công trong xã hội (vì chỉ có những người có quyền, có tiền mới có thể thu thập, tiếp cận được và làm giàu từ thông tin). Do đó, thông tin phải là một sản phẩm công mà Chính phủ cung cấp cho toàn thể xã hội được biết. Có như vậy mới tạo ra một mặt bằng chung khuyến khích mọi người cùng tham gia vào những cơ hội đầu tư và dựa vào thông tin tương đối chính xác để đi đến quyết định đúng đắn.

Ngay cả vấn đề đầu cơ, nếu xã hội có thông tin tốt và đầy đủ thì đầu cơ cũng góp phần làm cho hệ thống kinh tế vận hành tốt hơn. Đầu cơ cũng góp phần ổn định mặt bằng kinh tế vì những người đầu cơ rất nhanh nhẹn, chấp nhận rủi ro cao, nếu họ có đủ thông tin thì sẽ nắm bắt cơ hội nhanh, tạo ra công ăn việc làm, mở ra thêm thị trường mới. Ngược lại, khi nhận được thông tin xấu, xã hội có khả năng điều chỉnh kịp thời mức đầu tư, tiêu dùng cho phù hợp. Thông tin là một yếu tố quyết định cho sự ổn định của tình hình kinh tế.

- Vậy thì theo giáo sư, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, Việt Nam phải xác định lại chiến lược phát triển như thế nào?

Nếu kinh tế toàn cầu có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng và vực dậy nhanh theo cách nói ví von “hình chữ V” - tức khi chạm đáy xong sẽ bật dậy nhanh - thì bài toán tương đối dễ dàng hơn. Những cuộc suy thoái định kỳ trước đây tại Mỹ thường kéo dài trung bình khoảng 18 tháng.

Nhưng cuộc khủng hoảng lần này không giống bất kỳ cuộc suy thoái nào trong vòng 50 năm qua, do đó, chúng ta không thể biết trước được cuộc khủng hoảng có theo dạng hình chữ V hay không. Có nhiều điểm tương đồng giữa cuộc khủng hoảng tại Mỹ lần này với sự suy thoái của Nhật Bản kéo dài suốt 20 năm qua (1989-2009).

Nếu như vậy, nó có thể sẽ theo hình chữ L hoặc chữ U với đáy dài. Thật sự, bây giờ chúng ta chỉ có thể nói kinh tế Mỹ đã đụng đáy theo nghĩa không thể tệ hơn, nhưng mà nó sẽ kéo dài bao lâu và khi nào có dấu hiệu tăng trưởng thì chưa ai dám nói trước. Đứng trước tình hình như vậy, theo tôi nghĩ, chúng ta nên hy vọng vào những gì tốt nhất và cứ hãy chuẩn bị tâm lý cho cả điều xấu nhất có thể xảy ra.

- Tình hình xấu nhất sẽ như thế nào, thưa giáo sư?

Khủng hoảng xấu nhất là khi Việt Nam không thể dựa vào xuất khẩu để giải quyết vấn đề của chính đất nước. Thị trường xuất khẩu ngày càng nhỏ lại, bởi dù cho kinh tế thế giới có phục hồi thì không chỉ riêng Việt Nam mà còn có những nước khác, đặc biệt là Trung Quốc cũng có khả năng cạnh tranh với đất nước của các bạn rất cao. Ngay cả khi chúng ta có thị trường xuất khẩu thì thu nhập và giá cả sẽ sụt giảm do cạnh tranh cao. Điều này sẽ khiến thu nhập của các doanh nghiệp có thể tăng về lượng nhưng không thể tăng về doanh thu.

Chiến lược phát triển trở lại cho Việt Nam chính là phải tạo được thế chủ động cao ngay trong nước, cụ thể như những vấn đề về hạ tầng, thông tin kinh tế, thông tin thương mại để nhà nước có khả năng đánh giá, có kế hoạch thực tiễn, cụ thể hơn và các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước có quyết định đầu tư đúng đắn hơn, ít có bản chất đầu cơ hơn.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải là không có cơ hội cho Việt Nam trong tình hình hiện nay. Tôi đã có những cuộc nghiên cứu tại Trung Quốc khá lâu và cũng nhìn thấy những tia sáng cơ hội lóe lên. Cuộc khủng hoảng này buộc Trung Quốc phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển của họ: mức độ sản xuất các mặt hàng có giá trị cao tăng lên và giảm độ tập trung ở những mặt hàng giá rẻ. Trung Quốc đã phải quyết liệt bước sang một chiến lược phát triển mới, từ bỏ hướng phát triển cổ điển từ trước đến nay.

Nếu mọi việc tiếp diễn theo hướng đó thì sẽ mở ngõ cho nhiều cơ hội, những lĩnh vực và thị phần mà Việt Nam có thể lợi dụng để sản xuất và cạnh tranh. Điều đó đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có những quyết định đúng đắn, kịp thời cũng như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trở lại hợp lý để giành ưu thế về phía mình.

- Dường như giáo sư luôn đặt nặng vai trò của nhà nước trên mọi phương diện của sự phát triển?

Đúng vậy, ngay cả như ở nước Mỹ - nơi mà hệ thống xã hội cũng như chính trị đã đâu vào đấy - chúng ta cũng thấy được vai trò quan trọng và không thể thiếu của nhà nước. Tại Việt Nam, ngay trong giai đoạn phát triển này cùng với nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì vai trò của nhà nước càng trở nên quan trọng hơn. Nhà nước phải ý thức đúng vai trò của mình để làm tốt nhất có thể, mà trước mắt là mang đến những sản phẩm công cần thiết cho người dân. Có như thế thì Việt Nam mới có cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển về lâu dài.

Những khách nước ngoài đến Việt Nam đều đang nhìn thấy những tiến bộ rõ rệt như là nhà lầu, xe hơi, những sản phẩm tiêu dùng hiện đại, nhà hàng, khách sạn… Nhưng, dưới bề mặt đó thì những sản phẩm công mà cả xã hội đang rất cần để có cơ hội đầu tư và phát triển tốt hơn, nhanh hơn, đều còn kém, như chúng ta đã nói ở trên. Cứ nhìn con đường từ sân bay về trung tâm thành phố chỉ có mấy cây số nhưng lại mất cả tiếng đồng hồ chạy xe. Đi từ TP. Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ không phải là một đoạn đường dài nhưng cũng mất hết cả nửa ngày.

Tôi có nhận xét thế này, bắt đầu từ thập niên 1990, từ một điểm xuất phát thấp, Việt Nam đã có cơ hội phát triển nhờ chủ yếu vào sự hồ hởi và phấn khởi của toàn dân vì họ chưa bao giờ có một cơ hội trước mắt như thế. Nhà nước có được cơ hội vận dụng sức mạnh của nhân dân cho những chính sách, những thay đổi phù hợp để phát triển vững mạnh và lâu dài.

Nhưng đến thập niên này, vì vấn đề môi trường đầu tư ở Việt Nam còn một số hạn chế nhất định nên trong suy nghĩ của người dân đã có sự thay đổi, chuyển biến sang tư duy làm giàu trước mắt. Từ đó, nó hình thành nên một vòng xoáy khiến lòng tin vào xã hội, vào ngày mai của người dân phần nào xuống thấp. Nếu cứ tiếp tục như thế, chính điều đó sẽ ảnh hưởng đến công bằng xã hội và dẫn đến hiệu suất kinh tế giảm sút.

- Nói đến công bằng xã hội và môi trường kinh doanh minh bạch, giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam?

Tôi là một người nước ngoài nên vấn đề tham nhũng ở Việt Nam như thế nào thì tôi không có cơ sở để bàn đến. Tuy nhiên, tham nhũng không phải là chuyện riêng ở Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu. Ngay cả những nước phát triển hàng đầu thế giới, tham nhũng vẫn đang gây nhức nhối cho toàn xã hội đấy thôi.

Có hai loại tham nhũng. Loại tham nhũng thứ nhất là hậu quả của những cơ chế, cơ sở pháp lý nhiêu khê, rườm rà khiến cho người dân ngao ngán, thế nên họ sẽ tìm cách đi vòng qua rào cản này. Tuy nhiên, nó cũng có một chút giá trị tích cực là có thể giải quyết những vấn đề khó khăn do chính con người tạo ra cho nhau.

Loại thứ hai thì tệ hại hơn, đó là người có quyền hành cao dùng uy thế để làm giàu cho chính mình mà không mang đến lợi ích gì cho xã hội cả. Loại tham nhũäng này dẫn đến hệ quả là người dân mất dần niềm tin vào hệ thống chính trị và xã hội phải trả giá cho hành động bất chính của những kẻ quan liêu, về lâu dài có thể làm cho chính sách nhà nước không được tôn trọng và không có hiệu quả.

- Dự báo của giáo sư về diễn biến kinh tế trong năm nay và năm sau như thế nào?

Thú thật, vì không có đủ thông tin nên tôi cũng không thể dự báo trước điều gì. Ngay cả báo cáo của IMF về Việt Nam, theo tôi nhận xét thì có rất nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh để hợp lý vì thật ra cơ sở thông tin không đầy đủ. Nhưng vấn đề không phải là dự báo tốt hay xấu. Nó không quan trọng bằng việc Chính phủ và doanh nghiệp phải tập trung xử lý những vấn đề còn tồn đọng, vì không giải quyết triệt để các trở ngại đó thì cho dù Việt Nam có nỗ lực cách nào cũng không đạt được kết quả tốt, đúng với kỳ vọng đầu tư.

Sự tăng trưởng lệ thuộc vào mức độ đầu tư, mà con số này ở Việt Nam đang cao, chiếm trung bình 40% GDP. Nhưng đó là vấn đề tăng trưởng, còn vấn đề phát triển lại tùy thuộc vào hiệu suất đầu tư, mà hiệu suất đầu tư lại tùy thuộc chủ yếu vào hạ tầng xã hội và kinh tế. Nhìn sang người láng giềng gần nhất là Thái Lan, Việt Nam cũng chưa có được hạ tầng kinh tế và xã hội như vậy.

Trong khu vực, Việt Nam cần chú ý và học tập Đài Loan. Xét về chiến lược kinh tế phát triển, Đài Loan xứng đáng nhận “huy chương vàng Olympic”. Những điều kiện quyết định giúp cho Đài Loan phát triển vượt bậc nằm ở sự công bằng xã hội. Họ đã xây dựng nên một hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội minh bạch và công bằng, tạo ra lòng tin cho xã hội vào hệ thống quản lý để từ đó tích cực đóng góp.

- Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này.

Theo Trần Sĩ Chương (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Nếu chú tâm, doanh nghiệp sẽ làm được (22/08/2009)

>   Hàng tồn kho cạn, kinh tế đi lên (22/08/2009)

>   Doanh nghiệp rau quả khảo sát thị trường Trung Quốc (22/08/2009)

>   Tăng cường kiểm tra nhà máy chế biến thủy sản (22/08/2009)

>   Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (22/08/2009)

>   Nhà ở giá rẻ: Còn khó nhiều bề (22/08/2009)

>   Thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững (22/08/2009)

>   Xúc tiến xây dựng sàn giao dịch chè (21/08/2009)

>   Trọng tài kinh tế: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ (21/08/2009)

>   Ủy ban Tài chính Quốc hội giám sát vốn kích cầu (21/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật