Phạt 20 triệu nếu ưu tiên thuê lao động nước ngoài
Nếu chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước có đủ khả năng và đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu thì có thể bị phạt từ 18-20 triệu đồng.
Đó là một trong những hành vi mà Bộ KH-ĐT đề xuất bổ sung cần xử phạt, thuộc đối tượng nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Bộ KH-ĐT vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Theo đó, nghị định mới sẽ qui định chặt chẽ hơn về các vi phạm, nhưng đảm bảo không làm phiền hà, tạo áp lực thủ tục rườm rà cho các nhà đầu tư, nhà thầu.
Bộ này cũng dự kiến, với khung phạt tiền từ 15-18 triệu đồng, cần đưa thêm hành vi bên mời thầu không bán hồ sơ mời thầu cho nhà thầu theo thời gian được xác định tại thông báo mời thầu, thư mời thầu thuộc diện bị xử phạt.
Các hành vi này sẽ thuộc điều 13 xử phạt các vi phạm quy định về tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, quản lý nhà thầu. Theo quy định hiện nay, nhóm này có 8 mức phạt tiền với mức thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 50 triệu đồng.
Ngoài ra, điểm nổi bật của nghị định mới là các cấp địa phương sẽ được tăng mạnh về thẩm quyền xử phạt. Cụ thể, chức danh chủ tịch xã, phường, thị trấn có quyền phạt tiền đến 2 triệu đồng, gấp 4 lần mức hiện hành.
Chủ tịch huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và chánh thanh tra cấp sở KH-ĐT có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng, cao hơn 10 triệu đồng so với mức hiện hành. Thanh tra viên ngành này có quyền phạt tới 500.000 đồng, thay cho mức cũ là 200.000 đồng.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần nâng mức xử phạt tối đa lên 100 triệu đồng thay cho mức hiện hành chỉ 70 triệu đồng, nâng thời hiệu xử phạt hành chính từ 1 năm hiện nay lên 2 năm. Tuy nhiên, các ý kiến này không được Bộ KH-ĐT đồng tình.
Bên cạnh đó, nghị định mới sẽ bãi bỏ việc xử phạt một số hành vi do đã thuộc đối tượng xử phạt của các nghị định, luật khác (liên quan lĩnh vực xây dựng công trình, kinh doanh bất động sản, đất đai).
Ví dụ như vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, vi phạm các quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán vốn đầu tư, việc cấm tham gia đấu thầu có thời hạn...
Dự kiến, nghị định này sẽ được ban hành vào năm 2010, đồng bộ với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã...
Phạm Huyền
VIETNAMNET
|