"Việt Nam không cần mô hình phát triển mới"
Tại buổi tọa đàm khoa học "Khủng hoảng tài chính toàn cầu và những gợi ý dài hạn cho nền kinh tế chớm thị trường Việt Nam," một giáo sư nổi tiếng cho rằng Việt Nam không thể miễn dịch khủng hoảng nhưng cũng không cần một mô hình phát triển mới.
*FDI quan trọng nhưng không phải là chìa khóa vàng
Ngày 17/8, Giáo sư James Riedel, Khoa Kinh tế quốc tế William L.Clayton, Trường Đại học Johns Hopkins – SAIS, Washington DC, Mỹ đã đưa ra những những gợi ý dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng tài chính.
Theo ông, Việt Nam phải phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào cầu nội địa, tạo công ăn việc làm cho người lao động vẫn phải theo định hướng xuất khẩu và tận dụng cơ hội Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển những ngành công nghiệp mà nước này không còn thế mạnh trong tương lai.
Giáo sư James Riedel có công trình nghiên cứu về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cả những hệ lụy cũng như những ứng phó của Việt Nam, một số nước châu Á khác với cuộc khủng hoảng này.
Nói về nguồn cơn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông James Riedel cho rằng xuất phát từ nước Mỹ và từ quá trình chứng khoán hoá các tài sản thế chấp kéo theo hệ thống ngân hàng bán buôn bị tê liệt, những người thiếu vốn không vay được tiền. Từ hệ thống ngân hàng bán buôn lan ra cả nền kinh tế.
Có 4 nguyên nhân của sự hỗn loạn trên thị trường cho vay thế chấp thứ cấp là thất bại của chính sách vĩ mô, chính trị, điều tiết và thị trường, ông cho biết.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Viện nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, các viện nghiên cứu về kinh tế và các vấn đề phát triển, một số trường đại học.
VIETNAM+
|