Trợ lý Tổng thư ký LHQ:
FDI quan trọng nhưng không phải là chìa khóa vàng
Dòng vốn FDI đem lại lợi ích giúp Việt Nam phát triển nhưng không phải là chìa khóa vàng. Điều quan trọng hơn là cách thức sử dụng FDI hiệu quả - Giáo sư Jomo Kwame Sundaram, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế trao đổi trong cuộc đối thoại với quan chức Chính phủ Việt Nam sáng nay (17/8) tại Hà Nội.
*Việt Nam không cần mô hình phát triển mới
Việt Nam đang phác thảo ý tưởng cơ bản về chiến lược phát triển quốc gia và những vấn đề trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới (2011 - 2020).
GS Jomo, học giả hàng đầu về tăng trưởng ở Đông và Đông Nam Á, đã đưa ra những gợi ý liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Việt Nam đã đón nhận một luồng vốn FDI dồi dào những năm qua.
Không thu hút FDI kiểu "ăn mày của hàng xóm"
Không phủ nhận những lợi ích từ thu hút FDI như chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và kỹ năng, khả năng tiếp cận thị trường, tạo các mối liên kết, GS Jomo cho rằng Việt Nam không có con đường nào khác, cần phải sử dụng FDI để đạt được các mục tiêu phát triển.
"FDI có thể đem lại lợi ích giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển nhưng FDI không phải là chìa khóa vàng. Cách thức sử dụng FDI như thế nào mới quan trọng", ông nhấn mạnh.
GS cho rằng cần tránh việc cạnh tranh thu hút FDI kiểu "ăn mày của hàng xóm", những cuộc đua gây "lợi bất cập hại" không chỉ giữa các quốc gia ở Đông Nam Á nói chung mà giữa các tỉnh, thành trong mỗi quốc gia nói riêng. Trong khi đó, khả năng huy động vốn nội địa ở các nước Đông Nam Á hiện vẫn còn yếu.
Để lựa chọn FDI, theo GS, cần lưu ý dòng vốn đảm bảo cán cân thanh toán trong giai đoạn trung và dài hạn. "Nếu dòng vốn FDI nào không tạo được kim ngạch xuất khẩu thì dòng vốn đó không đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước".
Ông lưu ý tình trạng một số nền kinh tế có chính sách ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước. FDI phải giúp tăng cường mối liên kết theo chiều ngang, tạo ảnh hưởng lan truyền trong nền kinh tế. Ông cho rằng có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, tận dụng nguồn giá nhân công rẻ để tạo ra sản phẩm nhưng ngoài việc đó, họ "không đóng góp vào việc nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của Việt Nam".
Điều này liên quan đến chính sách định hướng xuất khẩu mà Việt Nam cần lưu ý, đó là phải kết nối sự thành lập khu chế xuất với khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước để họ trở thành những công ty có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong thời gian ngắn.
GS kinh tế quốc tế James Riedel, Đại học Johns Hopkins - Mỹ cũng nhận định cần tạo cân bằng trong chính sách đãi ngộ đối với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, "tránh phụ thuộc quá nhiều vào FDI". Việc tạo ra ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước sẽ khiến nền kinh tế không đạt tăng trưởng tốt.
Bảo hộ hiệu quả có điều kiện
Xuất khẩu là một trong những chìa khóa dẫn đến thành tựu phát triển của các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, GS Jomo cho rằng môi trường quốc tế hiện nay "không thuận lợi" cho mục tiêu phát triển theo định hướng xuất khẩu nữa.
Theo ông, một số nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan áp dụng chính sách bảo hộ hiệu quả có điều kiện nhằm tăng cường xuất khẩu, nhưng không bảo hộ tất cả các nhà sản xuất trong nước.
"Một công ty của Nhật sẽ nhận được chính sách ưu đãi thuế trong 5 năm, nhưng bù lại, đến năm thứ 6, họ sẽ phải xuất khẩu ít nhất 5% tổng sản lượng và tăng dần trong những năm kế tiếp. Những công ty được nhận bảo hộ có điều kiện phải là những doanh nghiệp, công ty hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh được trên thị trường thế giới, có thành tích xuất khẩu tốt".
Đặt vấn đề cải cách các doanh nghiệp quốc doanh, GS Jomo cho rằng khu vực tư nhân có vị trí quan trọng nhưng khu vực nhà nước cũng vậy. Vấn đề hiếm khi chỉ là quyền sở hữu nên đặt ra vấn đề tư nhân hóa doanh nghiệp quốc doanh "không hẳn sẽ giải quyết được hầu hết các vấn đề đặt ra".
Nếu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, muốn tư nhân hóa phải phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. GS Jomo gợi ý cải cách quy trình quản trị điều hành doanh nghiệp quốc doanh hiện nay.
GS James Riedel bổ sung: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp quốc doanh vẫn là khu vực kinh tế truyền thống quan trọng. Do đó, nên cải cách doanh nghiệp nhà nước song song với quá trình tư nhân hóa, cổ phần hóa, tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động.
Xuân Linh
VIETNAMNET
|