Tháo “nút thắt” đầu ra cho lúa gạo
Tỉnh Hậu Giang vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Festival lúa gạo VN vào tháng 11-2009. Đây là festival đầu tiên về lúa gạo với sự tham dự của nhiều quốc gia trong khu vực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Nguyễn Phong Quang - bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết:
- Việc tổ chức Festival lúa gạo VN xuất phát từ mục đích tôn vinh nền văn minh lúa nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp VN; đẩy mạnh sản xuất, mở rộng giao thương buôn bán lúa gạo góp phần thực hiện và cụ thể hóa nghị quyết trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt chúng tôi muốn thông qua festival lần này xây dựng thương hiệu lúa gạo VN, đưa hạt gạo VN vươn xa hơn ra thế giới.
Nhiều năm qua VN luôn nằm trong tốp các nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo, nhưng quốc tế chưa biết nhiều về hạt gạo VN, nông dân vẫn gặp khó vì chúng ta chưa có thương hiệu gạo?
- Chưa kể khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực đồng bằng miền Trung, chỉ riêng khu vực ĐBSCL mỗi năm sản xuất bình quân trên 20 triệu tấn lúa, nhưng lâu nay hạt gạo của chúng ta xuất khẩu ra thế giới vẫn chưa có thương hiệu, đời sống bà con nông dân vẫn khó khăn, điệp khúc được mùa, mất giá cứ tái diễn...
Vì vậy, festival lúa gạo lần này ngoài chuyện tôn vinh, quảng bá hạt gạo, điểm nhấn quan trọng mà chúng tôi nhắm đến là mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để giải quyết cho được việc xây dựng thương hiệu gạo VN, giúp hạt gạo VN vươn ra xa hơn nữa với thị trường quốc tế. Giải quyết được thương hiệu là giải quyết được “nút thắt” đầu ra cho lúa gạo VN, giúp nông dân sản xuất có lãi.
Thưa ông, ngoài việc xây dựng thương hiệu, vấn đề nâng cao chất lượng lúa gạo VN có được tính đến qua festival lần này?
- Một trong những nguyên nhân khiến gạo xuất khẩu của VN chưa được giá là do chất lượng gạo chưa đồng đều. Ngay như ĐBSCL vựa lúa của cả nước nhưng từ bao đời bà con nông dân quen với tập quán trữ lúa bằng bao chất đống trong nhà, không có hệ thống kho chứa nên sau thu hoạch vài tháng lúa chưa thể bán được là bị ẩm mốc, chất lượng gạo giảm.
Tại festival lần này, thông qua các cuộc hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi muốn gửi đến các doanh nghiệp thông điệp hãy giúp các tỉnh và cùng phối hợp với các tỉnh xây dựng hệ thống kho chứa lúa để đảm bảo chất lượng lúa cho nông dân. Riêng tại Hậu Giang chúng tôi, nhận rõ điểm yếu này từ nhiều tháng nay đã xúc tiến cùng với Tổng công ty Lương thực miền Nam xây dựng ba kho chứa sức chứa khoảng 200.000 tấn. Hệ thống kho chứa này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2010, giải quyết được 30-40% lượng lúa hàng hóa của tỉnh.
Có ý kiến cho rằng Hậu Giang không phải là tỉnh trọng điểm lúa của vùng ĐBSCL, lại là tỉnh mới tách, cơ sở hạ tầng chưa tốt nên sẽ gặp khó khi đứng ra tổ chức một festival lúa gạo tầm quốc tế?
- Đúng là Hậu Giang là tỉnh mới tách ra từ Cần Thơ, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng cho tổ chức festival lần này xuất phát từ lợi ích quốc gia, từ thực tế bức xúc lâu nay của hàng triệu nông dân VN làm ra lúa gạo nhưng luôn thua thiệt. Hiện tại mọi công việc chuẩn bị khá chu đáo, sẵn sàng cho ngày khai mạc festival.
Còn nói Hậu Giang không phải là vùng trọng điểm lúa là chưa đúng. Hậu Giang có sản lượng lúa thấp hơn một vài tỉnh nhưng nằm ở tiểu vùng sông Hậu, có kênh xáng Xà No là nơi vận chuyển giao thương buôn bán lúa gạo từ cả trăm năm nay.
Sẽ tái hiện về sản xuất lúa gạo
Festival lúa gạo VN lần thứ nhất dự kiến khai mạc từ ngày 26 đến 30-11-2009. Dự kiến có khoảng 300 gian hàng của các doanh nghiệp, địa phương trong nước và quốc tế tham gia hội chợ triển lãm giới thiệu các hoạt động liên quan đến lúa gạo, nông sản như: triển lãm ảnh nghệ thuật về lúa gạo, triển lãm nông ngư cụ thời khẩn hoang đến hiện tại, tái hiện về sản xuất lúa gạo và nông thôn; các gian hàng lúa gạo và ngành lương thực VN, quốc tế; cây giống, các loại máy nông ngư cơ, máy móc chế biến lúa gạo.
Bốn cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, nhà quản lý, lãnh đạo các tỉnh, thành, doanh nghiệp kinh doanh lương thực gồm: hội thảo lúa gạo VN xuất khẩu và hội nhập, kênh xáng Xà No - con đường lúa gạo miền Hậu Giang, hội thảo về văn minh lúa nước và hội thảo xúc tiến đầu tư.
Hoàng Trí Dũng thực hiện
Tuổi trẻ
|