Thứ Ba, 18/08/2009 08:43

Cần tập trung xuất khẩu tiêu chất lượng cao

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, trong vụ thu hoạch tiêu năm 2009, tổng sản lượng tiêu của cả nước ước khoảng 95.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với dự báo trước đó, sản lượng tăng chủ yếu do diện tích trồng tiêu cho thu hoạch tăng.

Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam chủ yếu tập trung ở 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm gồm: Bình Phước 29.317 tấn, Gia Lai 16.778 tấn, Đăk Lăk 12.198 tấn, Đăk Nông 12.196 tấn, Bà Rịa -Vũng Tàu 11.697 tấn và Đồng Nai 10.694 tấn, còn các tỉnh khác có sản ượng khoảng gần 12.000 tấn.

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chi phí sản xuất của vụ tiêu năm 2009 tăng cao do giá vật tư nông nghiệp, lãi suất vay, công lao động... đều tăng dẫn đến giá thành tiêu ở mức rất cao. Do giá thành cao nhưng giá tiêu xuất khẩu trong năm nay giảm đến gần 40% so mức giá trung bình cùng kỳ năm trước nên đã gây thất thu lớn đối với bà con nông dân, lợi nhuận của người trồng tiêu đã giảm đến gần 40% so với năm 2008.

Theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong vụ tiêu năm 2009, nhiều vườn tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu tư bài bản, có đủ năng lực đầu tư, có trình độ hiểu biết về nông học và luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm, tìm ra bí quyết thành công thường cho năng suất từ 5 - 7 tấn /ha/vụ, cá biệt có hộ đạt trên 10 tấn/ha/vụ.

Trong 2 năm qua, do giá tiêu tăng cao, năm 2008 nhiều hộ đạt lợi nhuận tới 60 - 70% và năm 2009 tuy giá có giảm nhưng mức lãi vẫn còn 50% nên rất nhiều hộ trồng tiêu đã trở thành tỷ phú. Riêng ở thị trấn Nhân Hòa huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đã có trên 100 hộ trồng tiêu thu trên 30 tấn tiêu khô/vụ, xã Nâm Njang, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông có tới 200 hộ thu từ 10 tấn tiêu khô /vụ trở lên...Ngược lại, cũng có khá nhiều vườn tiêu xấu, năng suất chỉ đạt từ 1 - 2 tấn/ha/vụ, những diện tích tiêu này phần lớn thuộc vào các hộ sản xuất tự phát tại những nơi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ hiểu biết và áp dụng kiến thức nông học về cây tiêu kém, quá lạm dụng phân bón, thuốc hóa học, dẫn đến ô nhiễm môi trường, gây ngộ độc cây tiêu, dễ nhiễm bệnh làm cho vườn tiêu kém phát triển, không hiệu quả kinh tế đã và đang suy tàn, khó khôi phục và ít khả năng trồng lại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam xuất khẩu đạt 66.927 tấn, trong đó tiêu đen đạt 56.877 tấn, tiêu trắng đạt 10.050 tấn. Tổng kim ngạch đạt 154,58 triệu USD, trong đó tiêu đen 121,56 triệu USD và tiêu trắng 33,02 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2008, tăng 42,6 % về lượng (tăng khoảng 19.987 tấn) nhưng giá trị giảm 7% ( giảm khoảng 11,42 triệu USD). Giá xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm trên 2.137 USD/tấn (tiêu đen), 3.285 USD/tấn (tiêu trắng).

Còn theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thì các doanh nghiệp trong Hiệp hội có số lượng xuất khẩu chiếm tới 89 % thị phần, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, có 19 doanh nghiệp xuất khẩu từ 2.000-9.000 tấn trở lên, đáng chú ý là có 3 doanh nghiệp có số lượng tiêu xuất khẩu cao nhất là Phúc Sinh 9.300 tấn, Olam trên 6.100 tấn và Intimex HCM trên 5.000 tấn. Các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh xuất khẩu đạt số lượng lớn gồm: Olam trên 6.100 tấn, Nedspice 2.400 tấn, Harrisfree Man 2.000 tấn, Việt - Việt Ấn 1.600 tấn, VKL Việt Nam 1.500 tấn, K.S.S 891 tấn....

Về thị trường xuất khẩu, trong những tháng đầu năm 2009, do giá tiêu Việt Nam có tính cạnh tranh cao, nên đã thu hút nhiều nhà nhập khẩu mua với số lượng lớn. Số lượng xuất khẩu tiêu của Việt Nam vào tất cả các thị trường đều tăng so cùng kỳ 2008, cụ thể: thị trường châu Mỹ, trong đó chủ yếu Mỹ tăng 27,3% so cùng kỳ 2008; thị trường châu Âu tăng 27,3%, trong đó Pháp tăng 82 %, Đức tăng 75%, Tây Ban Nha tăng 64%, Hà Lan tăng 46%; thị trường châu Á tăng 64,7 %, trong đó khối các nước Ả Rập tăng 22,8%, Pakistan tăng 75%, Ấn Độ tăng 178%, Indonesia tăng 634%, Malaysia tăng 132%, Syria tăng 211%, Nhật tăng 44%, Yemen tăng 103%, Hàn Quốc tăng 48%, Philippine tăng 50% …và thị trường châu Phi tăng 74%.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, có hiện tượng một số nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia nhập lại một lượng đáng kể tiêu của Việt Nam rồi tái xuất, nguyên nhân là do giá tiêu của Việt Nam thấp trong khi giá tiêu xuất khẩu của họ cao hơn của Việt Nam vài trăm USD/tấn.

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do trong thời gian tới, tình hình mưa báo, lũ lụt xảy ra ở khắp các địa phương, đặc biệt ở các tỉnh miền đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước và một số vùng ở Tây Nguyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ra hoa kết trái của cây tiêu. Có một số vườn tiêu ở Chư Sê (Gia Lai) đã bị lốc xoáy làm gãy đổ hoàn toàn hàng ngàn trụ. Dự báo sản lượng chung cả nước trong vụ tiêu 2010 có thể không tăng so với vụ 2009.

Do vậy, tình hình thị trường, giá cả những tháng cuối năm có thể có nhiều biến động theo chiều hướng tăng giá. Trong những ngày đầu tháng 8, giá tiêu tại thị trường trong nước có lúc đạt tới 46.000 đồng/kg, tuy nhiên, hiện tại đã giảm xuống còn từ 41.000 - 42.000 đồng/kg do lượng tiêu còn lại không nhiều, ước còn khoảng 35.000 tấn. Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng vụ tiêu 2009 khoảng 95.000 tấn, cộng với lượng tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 20.000 tấn, tổng nguồn cung trong năm 2009 này khoảng 115.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước ước khoảng 5.000 tấn, xuất khẩu cả năm 2009 khoảng 95.000 tấn. Tồn cuối năm 2009 chuyển sang năm 2010 ước khoảng 15.000 tấn.

Hiệp hội khuyến cáo, bà con nông dân còn trữ tiêu nên vừa bán vừa theo dõi diễn biến thị trường, chọn thời điểm bán có giá tốt nhất. Một số doanh nghiệp cũng cần xem xét lại vì vừa qua đã xuất khẩu nhiều số lượng tiêu có dung trọng thấp và giá tương đối hạ. Các doanh nghiệp nên đàm phán đấu tranh với các nhà nhập khẩu, để có thể ký kết được những hợp đồng mới với mức giá tốt hơn. Nếu trong các tháng 8 và 9/2009, tiến độ xuất khẩu cứ đạt mức cao như vừa qua (trên 10.000 tấn/tháng) thì khi giá tiêu lên, lượng hàng trong những tháng cuối năm cạn kiệt sẽ gây thiệt cho nông dân, Nhà nước và cả doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng cần hạn chế việc bán tiêu thô có dung trọng dưới 500gr/l mà nên tăng mặt hàng chế biến chất lượng cao – tiêu sạch, tiêu nghiền bột, tiệt trùng (ASTA), tiêu nghiền bột, bao bì mẫu mã chuẩn mực, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những mặt hàng này của một số doanh nghiệp vừa qua thường bán được giá rất cao, hiệu quả kinh tế tốt. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ từ giải pháp kích cầu về tài chính, tín dụng, trợ lãi suất...để hoạt động kinh doanh xuất khẩu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Công Luận

Công Thương

Các tin tức khác

>   Để ngành bông thoát phận long đong: Mấu chốt là năng suất (18/08/2009)

>   Chỉ có 3 doanh nghiệp đăng ký kiểm nghiệm (18/08/2009)

>   Tháo “nút thắt” đầu ra cho lúa gạo (18/08/2009)

>   Accor lạc quan về lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại VN (18/08/2009)

>   Trúng đấu giá mà bỏ, phải đền bù? (18/08/2009)

>   21 triệu USD xây xưởng sửa chữa máy bay (17/08/2009)

>   "Việt Nam không cần mô hình phát triển mới" (17/08/2009)

>   Cần Thơ mở rộng xuất gạo sang 4 thị trường (17/08/2009)

>   Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy đạm Cà Mau (17/08/2009)

>   Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (17/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật