Để ngành bông thoát phận long đong: Mấu chốt là năng suất
Năm 2003, diện tích cây bông vải của nước ta từng đạt trên 32.000ha, nhưng đến năm 2008 chỉ còn trên 7.000ha. Có thể nói đây là thời kỳ long đong nhất của ngành bông.
Đắc Lắc từng là tỉnh dẫn đầu cả nước về cây bông. Từ năm 2001 - 2003, cả tỉnh đã trồng 14.000 - 16.000ha/năm. Có thể nói, đây là thời kỳ huy hoàng của cây bông Đắc Lắc. Những nhà máy cán bông, kéo sợi, mỗi cái được đầu tư 3 - 4 chục tỉ đồng mọc lên ở nhiều nơi trên đất Đắc Lắc. Cứ ngỡ, từ đây ngành bông Đắc Lắc sẽ... lên đỉnh "thiên đàng".
Nào ngờ, chỉ mấy năm sau, ngành bông Đắc Lắc đã phải "méo mặt" vì diện tích rớt thê thảm. Từ 16.000ha năm 2003, tới năm 2005 chỉ còn 3.700ha, đến 2008 chỉ còn khoảng 400ha. Có thể nói đây là thời kỳ bĩ cực nhất của ngành bông Đắc Lắc và ngành bông Việt Nam. Vì sao vậy?
Xin thưa: Ở Đắc Lắc những năm diện tích bông tăng nhanh là những năm càphê và một số nông sản khác đang mất giá (càphê từng rớt xuống 3.800 - 4.000 đồng/kg), vì thế mà cây bông được đắc lợi.
Bấy giờ, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng bông, vì trồng bông có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng càphê và một số cây khác. Thời điểm 2001, giá càphê chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg, người trồng càphê bị lỗ trên 5 triệu đồng/ha; nhưng trồng bông, với giá 5.000 đồng/kg, năng suất khoảng 1,3 tấn/ha, có lãi trên 5 triệu đồng/ha. Vì thế, nhiều nơi người ta chặt càphê để trồng bông và diện tích cây bông cứ thế vọt lên.
Còn bây giờ, giá càphê trên 25 triệu đồng/tấn, trừ mọi chi phí, người trồng 1ha càphê vẫn có lãi khoảng 40 triệu đồng/ha. So với cây ngô, hiệu quả trồng bông cũng thua xa. Với năng suất 6 tấn/ha, với giá 3,6 - 4 triệu đồng/tấn, trồng ngô sẽ có thu nhập 24 triệu đồng/ha/vụ. Làm 2 vụ/năm, cây ngô sẽ cho thu nhập 48 triệu đồng/ha/năm, trừ mọi chi phí vẫn có lãi trên 35 triệu đồng/ha/năm. Bởi thế cây bông đành chịu lép vế.
Mấy tháng gần đây, ngành bông lại lóe lên chút hy vọng, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 467/2009/QĐ-TTg ngày 13.4.2009 về hỗ trợ toàn bộ giống cho người trồng bông. Ngành bông cũng đưa ra giá thu mua mới 9.000 đồng/kg bông hạt và hỗ trợ một phần vật tư, phân bón cho người trồng bông (tính bình quân trồng mỗi hécta bông nông dân được hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng).
Thế nhưng, so với hiệu quả trồng ngô và càphê thì con số lãi từ trồng bông vẫn chưa vượt thoát được con số 10 triệu đồng/ha/năm và còn "khuya" mới có thể "bám đuôi" cây ngô và cây càphê về lợi nhuận.
Các chuyên gia nông nghiệp ở Đắc Lắc cho rằng: Ngành bông muốn thoát được cơn bĩ cực, phải giải quyết được vấn đề mấu chốt là năng suất. Bởi năng suất bông hạt của thế giới hiện nay đã trên 2.500kg/ha, trong khi ở ta vẫn lẹt đẹt 1,1 - 1,3 tấn/ha.
Muốn tăng lợi nhuận cho người trồng bông để có thể cạnh tranh được với cây trồng khác, việc nâng giá thu mua là điều khó thực hiện. Giải pháp tốt nhất là phải làm sao tăng năng suất bông ở nước ta lên bằng với năng suất bông thế giới.
Và vì thế vấn đề mấu chốt của ngành bông không phải chỉ trông chờ vào việc hỗ trợ của Nhà nước mà quan trọng nhất là việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống, đồng thời với việc xây dựng được một quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học, để từ đó đưa năng suất bông lên bằng với năng suất của thế giới... Chưa làm được điều này thì ngành bông chưa thể thoát phận long đong!
Đặng Bá Tiến
Lao Động
|