Gian lận xăng dầu: cần “dứt khoát” trong biện pháp chế tài
Tình trạng gian lận xăng dầu vẫn tiếp tục tái diễn trong năm nay. Hành vi “dối trá” của các nhà kinh doanh xăng dầu ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người tiêu dùng, bởi họ đã sống trong nỗi lo sợ suốt từ nhiều năm qua.
Những mánh khóe dẫn đến tình trạng chất lượng xăng dỏm xuẩt hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hay đong thiếu xăng ở một số cây xăng Hà Nội đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và vào cuộc xử lí. Mới đây, thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh lại vừa tạm giữ 30.900 lít xăng dỏm từ nhiều cây xăng trên địa bàn. Xăng được treo bảng và bán với giá của xăng A92, nhưng khi kiểm tra lại có chỉ số octan rất thấp, thậm chí có mẫu chỉ là 78,3 (RON).
Đây không phải là lần đầu tiên, mà những hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu này đã diễn ra từ nhiều năm nay và theo chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2003, lần đầu tiên Bộ KHCN ra quân thanh tra trên diện rộng, phát hiện được 6 số cơ sở lắp các bo mạch điện tử /1.267 cơ sở vi phạm, thì năm 2008 phát hiện được 57 cơ sở có thủ đoạn lắp đặt mạch đo lường phụ hoặc thay IC chương trình/797 cơ sở.
Trong đợt thanh tra năm 2008, Đoàn thanh tra tỉnh Nghệ An đã phát hiện 7 cơ sở với 10 phương tiện đo đã gắn mạch đo lường phụ vào cột bơm để điều chỉnh làm giảm lượng xăng, dầu bơm ra bán cho khách hàng thu lợi 4-8%. Chuyển mạch này được chủ cơ sở kinh doanh lắp tại thân máy, chôn dưới đất lắp trong nhà để điều chỉnh sai số.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các biện pháp đưa ra xử phạt còn quá nhẹ. Mức xử phạt tài chính hiện nay với các trường hợp gian lận xăng dầu chỉ từ 13 đến 20 triệu đồng. Ví dụ, tổng số tiền phạt 6 trường hợp đong thiếu xăng dầu và bán xăng kém chất lượng so với công bố là 88,5 triệu đồng. Tính trung bình, mỗi trường hợp bị phạt chỉ 14,75 triệu đồng.
Hình thức xử phạt về pháp luật cũng chưa được thực hiện gay gắt và sát sao. Ông Đặng Quang Huấn, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học- Công nghệ cho biết: “Nếu vi phạm nặng, có hệ thống, sẽ đề nghị ngành công thương rút giấy phép kinh doanh xăng dầu. Việc này đã làm, ví dụ như năm 2008 Bộ Khoa học - công nghệ đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo rút giấy phép kinh doanh xăng dầu của trên 50 tổ chức, cá nhân gian lận đo lường trong sử dụng cột đo nhiên liệu”.
Việc rút giấy phép kinh doanh xăng dầu mới chỉ trên chủ trương là “đề nghị”. Nếu việc rút giấy phép được thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm, buộc những nhà kinh doanh gian lận xăng dầu phải trả giá đắt cho hành vi gian dối của họ thì có lẽ vấn nạn này đã không diễn ra từ nhiều năm nay. Người dân đã không phải cam chịu như thế.
Trước thực trạng đó, ông Đặng Văn Sửu, Chánh thanh tra, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học - Công nghệ đề xuất giải pháp ngăn chặn tình hình: “Trước hết phải bắt đầu từ khâu quản lý thông qua việc kịp thời ban hành các văn bản quản lý, tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi gian lận. Tuy nhiên, nếu chỉ thông qua cơ quan quản lý cũng không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì thị trường thì rộng lớn, lực lượng quản lý lại có hạn. Để giải quyết vấn nạn này có hiệu quả, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Cụ thể, người tiêu dùng cũng phải nâng cao hiểu biết để có thể tự bảo vệ mình, các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một lực lượng vô cùng quan trọng là các cơ quan thông tin đại chúng cũng phải tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình này”.
Biện pháp đưa ra dường như chưa đủ sức mạnh để củng cố lòng tin cho người tiêu dùng. Không thể dùng chữ “phải” với người tiêu dùng trong việc nâng cao hiểu biết, hoặc cơ quan thông tin đại chúng “phải” tham gia tích cực, mà trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan chức năng và vai trò quản lí của nhà nước. Và cho dù người tiêu dùng có nâng cao hiểu biết, cơ quan thông tin đại chúng có tham gia đi chăng nữa, mà không có vai trò xử phạt dứt điểm của nhà nước thì xem ra cũng vô tác dụng.
Bên cạnh đó, ý kiến của một chuyên gia trong ngành cũng đưa ra biện pháp để xử hiện trạng này là: “Muốn xử lý mạnh tay hơn đối với những vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, nhất là đong thiếu, bán xăng dầu kém hơn chất lượng công bố…, thì phải sửa luật cho phù hợp”.
Quãng thời gian từ ban hành, sửa đổi luật đến khi đi vào đời sống là rất dài và rất xa. Trong quá trình chờ luật sửa đổi thì có lẽ người dẫn vẫn phải cam chịu bị móc túi oan uổng. Thêm nữa, công cuộc thanh tra cấp tỉnh diễn ra không thường xuyên và đều đặn. Lúc nào thanh tra vào cuộc thì việc ngăn chặn tỏ ra hiệu quả nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Khi chiến dịch thanh tra xong lại đâu vào đó, và nguy hiểm hơn là các mánh khóe gian lận xăng dầu ngày một tinh vi và gia tăng từ năm nay qua năm khác.
Dường như những biện pháp đưa ra cho thấy việc quản lí của các cơ quan chức năng và nhà nước vẫn còn lỏng lẻo, khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu tận dụng kẽ hở để thực hiện những hành vi “dối trá”. Do đó, cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ ở nhiều cấp độ để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Mức độ cảnh cáo lần đầu là xử phạt nặng về hành chính với những hành vi gian lận như đong thiếu xăng, chất lượng xăng kém. Cao hơn nữa là rút giấy phép kinh doanh, đề nghị đóng cửa với tổ chức, doanh nghiệp nào vi phạm lần thứ hai.
Đồng thời, Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng phải làm tốt vai trò, chức năng của mình là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hơn nữa. Nếu nhà nước, các cơ quan chức năng thực hiện tốt, dứt khoát, đồng bộ trách nhiệm của mình thì sẽ dần khôi phục được niềm tin của người tiêu dùng, và khiến cho các nhà doanh nghiệp có hành vi gian dối sẽ phải trả giá đắt với tội lỗi mình gây ra.
Lan Anh
TUẦN VIỆT NAM
|