Ảm đạm xuất khẩu
Bộ Công Thương cho biết, tháng Bảy, Việt Nam nhập siêu khoảng 1,25 tỷ USD. Tính chung bảy tháng, nhập siêu ước 3,39 tỷ USD, bằng 10,5 phần trăm kim ngạch xuất khẩu. Bức tranh xuất khẩu nhìn chung khá ảm đạm.
Theo đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số khu vực và thị trường chính giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, châu Á giảm khoảng 19 phần trăm, Châu Đại Dương giảm 46 phần trăm, Hoa Kỳ giảm 6 phần trăm, Nhật giảm khoảng 36,7 phần trăm, Trung Quốc giảm 10,6 phần trăm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng Bảy ước đạt 4,75 tỷ USD trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,98 tỷ USD, giảm 12,2 phần trăm. Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 2,75 tỷ USD.
Nhóm hàng nông lâm thủy sản so với tháng Sáu có xu hướng tăng, trừ các mặt hàng rau quả, cà phê, gạo. “Nguyên nhân trực tiếp làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bảy tháng đầu năm vẫn là sự giảm giá của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới và sự thu hẹp của các thị trường xuất khẩu truyền thống do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới”- Bộ Công Thương cho biết.
Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 6 tỷ USD nâng tổng giá trị nhập khẩu bảy tháng lên 35,7 tỷ USD. So với tháng Sáu, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng tiêu dùng tăng nhẹ, sữa và sản phẩm sữa tăng 1,7 phần trăm; ô tô nguyên chiếc tăng 8,1 phần trăm.
Các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất có xu hướng tăng, trừ mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 12,4 phần trăm, đây là tín hiệu khả quan cho một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu.
Lượng hàng nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong nước chiếm 23 tỷ USD. Đáng chú ý kim ngạch nhập khẩu từ các nước đối tác lớn ở châu Á, châu Âu giảm 20 – 50 phần trăm.
Theo các chuyên gia của Bộ Công Thương, do chính sách kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã tích cực cùng với Chính phủ tham gia thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm giá hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và dịch vụ sau bán hàng...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, tình hình xuất nhập khẩu còn nhiều khó khăn. Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đã huy động gần như tối đa về lượng vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới sẽ tập trung ở nhóm công nghiệp chế biến.
Việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất có dấu hiệu gia tăng, đây là triển vọng tốt cho các ngành sản xuất trong nước. Dự báo trong những tháng tới, tình hình xuất nhập khẩu sẽ dần được cải thiện do kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi.
Phạm Tuyên
Tiền Phong
|