Thứ Hai, 03/08/2009 06:14

KINH DOANH THỜI HỘI NHẬP

Chuyên nghiệp hóa tiểu thương

Không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ mà cả doanh nghiệp, địa phương cũng được hưởng lợi từ các chương trình huấn luyện kỹ năng bán hàng

Sau đợt tham gia chương trình huấn luyện tiểu thương nông thôn của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương chợ Dinh (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tự tay làm một lọ mứt gừng đặt ở sạp hàng. Mỗi khi khách đến, chị đều mời dùng mứt. “Đó là một trong rất nhiều cách chăm sóc khách hàng mà tôi học được từ chương trình huấn luyện tiểu thương nông thôn” - chị Hoa chia sẻ.

Không chỉ bán hàng

Nhiều tiểu thương tham gia chương trình cho biết, lâu nay ngoài cách thỏa thuận giá, gói hàng, phần lớn họ vẫn hạn chế về kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng... Đáp ứng nhu cầu này, chương trình huấn luyện bán hàng nông thôn, một trong những hoạt động nhằm đưa hàng Việt về nông thôn, tập trung huấn luyện tiểu thương cách thức tạo ấn tượng tốt cho khách hàng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, những điều nên làm và không nên làm tại nơi bán hàng...

Ông Trần Nguyên, chuyên gia huấn luyện BSA, nhận xét: Chăm sóc khách hàng là điểm yếu nhất của các tiểu thương nói chung, nhất là tiểu thương nông thôn. Vì vậy, dù có nhiều khách hàng quen nhưng lại không có khách hàng thân thiết. Ngoài ra, cách trưng bày hàng hóa cũng không hợp lý. Chẳng hạn tất cả sản phẩm đóng chai như nước mắm, nước tương, nước tẩy rửa, dầu gội đầu đều bày bán cạnh nhau; xà bông cục, gói bánh, bịch trà, bịch cà phê đặt ở một góc... Ban huấn luyện phải chỉ các tiểu thương nguyên tắc trưng bày là hàng bán nhiều: trưng gần và trưng ít, hàng có lời nhiều: trưng đẹp; sắp xếp theo từng nhóm hàng, từng kích cỡ, theo tiêu chí: dễ thấy, dễ lấy, dễ nhớ...

Tuy nhiên, không phải huấn luyện thô cứng bằng cách áp đặt tiểu thương nhất nhất làm theo các chuyên gia mà đặc trưng mua bán của từng địa phương cũng được lưu ý. Chẳng hạn, tại các chợ vùng xa phải bán hàng theo tiêu chí “mắt thấy – tai nghe” như bán nón bảo hiểm phải có hàng mẫu để khách đập thử trước khi mua hàng...

Đại sứ của hàng Việt

Không chỉ có tiểu thương nông thôn mà tiểu thương tại các TP lớn cũng cần được chuyên môn hóa. Lần đầu tiên, 166 tiểu thương tại các chợ truyền thống ở TPHCM như chợ Bến Thành, An Đông, Vườn Chuối, Bình Tây và Xóm Chiếu được tham gia giai đoạn 1 lớp huấn luyện kỹ năng bán hàng vào các buổi tối do Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức với sự tài trợ của Sacombank. Trong 6 tháng, tiểu thương sẽ được hướng dẫn kiến thức về kỹ thuật niêm yết giá, kỹ năng giao tiếp, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, quy trình bán lẻ, văn hóa kinh doanh, Anh văn giao tiếp thương mại...

Ông Trương Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết: Sau giai đoạn 1, chương trình huấn luyện kỹ năng bán hàng sẽ tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 ở các chợ nội thành khác và giai đoạn 3 tổ chức cho các quận vùng ven, huyện ngoại thành. Theo chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, Sở Công Thương và Hội LHPN TP sẽ phân tích hiệu quả chương trình để nhân rộng. Ngoài ra, nếu chương trình huấn luyện thành công, Trường Đại học Kinh tế có thể mời cả các tiểu thương nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với tiểu thương VN.

Tham gia một số đợt huấn luyện bán hàng cho tiểu thương nông thôn, Trưởng Phòng Thương mại – Dịch vụ, Vụ Thị trường nội địa – Bộ Công Thương Phan Hữu Việt Đức nhận xét: Tiểu thương và các hộ kinh doanh nhỏ là đối tượng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Nếu trình độ tiểu thương được nâng cao thì không chỉ tiểu thương hưởng lợi mà còn tác động tích cực đến thị trường bán lẻ VN. Lúc này, người bán lẻ sẽ trở thành đại sứ của hàng Việt. Ông Lương Mạnh Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cũng xác định luôn gắn bó với chương trình huấn luyện tiểu thương nông thôn bởi trong chiến lược mở kênh phân phối ở thị trường này, DN muốn thành công rất cần sự trợ giúp của tiểu thương. Tiểu thương được chuyên môn hóa, DN sẽ có lợi.

DN cũng tự đào tạo

Mới đây, với ý định mua lại chuỗi bán lẻ của một hãng thời trang VN, một hãng thời trang Nhật cũng đã đề xuất kế hoạch huấn luyện lại toàn bộ nhân viên bán hàng tại 100 cửa hàng sẵn có bởi họ xem đây chính là lực lượng đóng vai trò then chốt giúp tăng khả năng cạnh tranh. Tương tự, một hệ thống siêu thị bán sỉ cũng vừa kết hợp với một DN hàng gia dụng và hóa mỹ phẩm lớn nhất thế giới bí mật thực hiện chương trình “1 vốn – 4 lời” khuyến khích chủ tiệm tạp hóa gắn bó với nơi bán sỉ để được hưởng nhiều ưu đãi. Theo đại diện ban huấn luyện chương trình: “Đây chính là hình thức kinh doanh chuyên nghiệp mà các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nên tiếp cận”. - Tr.Bảo

Mai Vân

Người lao động

Các tin tức khác

>   Giá thép tăng 150.000 đồng/tấn (03/08/2009)

>   Dồn vốn kích cầu cho nông dân (03/08/2009)

>   “Cuộc chiến” quanh gói mì ăn liền (03/08/2009)

>   Kinh nghiệm “đem chuông đi đánh xứ người” (03/08/2009)

>   Giá cà phê tăng lại (03/08/2009)

>   Tránh bên trọng, bên khinh (02/08/2009)

>   Định vị lại ngành công nghiệp phần mềm (02/08/2009)

>   Mở rộng Quốc lộ 51 nối đến Bà Rịa-Vũng Tàu (02/08/2009)

>   Miền Trung đang hội đủ thế mạnh để phát triển (02/08/2009)

>   Sẵn sàng đón nhà đầu tư (02/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật