Chủ Nhật, 02/08/2009 21:07

Sẵn sàng đón nhà đầu tư

Ban quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp KCX-KCN TP.HCM (Hepza) đang phối hợp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác tái định cư tại các KCN mới

Quá trình hình thành và phát triển các khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN) ở Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh CNH – HĐH và thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Tại TP.HCM, quá trình này diễn ra không chỉ thu hút được nguồn vốn trong nước và đầu tư nước ngoài, làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO.

Nguồn vốn đầu tư tăng

Tính đến cuối năm 2008, 3 KCX và 12 KCN TP.HCM có 1.143 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,36 tỉ USD, trong đó đầu tư nước ngoài 463 dự án, vốn đầu tư là 2,63 tỷ USD; đầu tư trong nước 680 dự án, vốn đầu tư 26.080,31 tỷ đồng, tương đương 1,73 tỷ USD. Tổng diện tích đất đã cho thuê là 1.221,69ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 96%.

Trong tổng số 1.143 dự án còn hiệu lực, có 968 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,2 tỷ USD, 40 dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng. Kim ngạch xuất khẩu tính đến nay trên 17 tỉ USD với các thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Đài Loan; sản phẩm xuất đi trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời thu hút 244.579 lao động.

Điều đáng nói là trong vòng 2 năm trở lại đây, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư vào các KCX-KCN tại TP.HCM càng tăng lên. Trong năm đầu tiên sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh tại các KCX-KCN TP.HCM đạt 537,96 triệu USD, gấp 2,4 lần so với năm 2006 (223,43 triệu USD, không bao gồm dự án Cảng Container trung tâm Sài Gòn – SPCT), trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 285,81 triệu USD và vốn đầu tư trong nước là 252,15 triệu USD.

Trong năm 2008, tổng vốn đầu tư thu hút cả cấp mới và tăng vốn là 681 triệu USD, tăng 27% so với năm 2007. Điều đáng chú ý là các dự án mới đầu tư vào KCN-KCX TP.HCM thuộc về các nhà đầu tư trong nước. Vốn đầu tư trong nước có 56 dự án mới được cấp phép với số vốn 394,11 triệu USD, tăng 56,3% so với năm trước, chiếm 81,91% tổng vốn đăng ký mới. Trong đó có 2 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng KCN là KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) rộng 597ha và KCN Tân Bình (mở rộng) 24ha. Ngoài ra còn có 21 dự án vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới với vốn đăng ký là 87 triệu USD, tăng 72,6% so với năm 2007.

Đa số các dự án thu hút là dự án sạch và thân thiện với môi trường, thuộc lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP như: dự án nghiên cứu, phát triển và thiết kế phần cứng và phần mềm chức năng cho IC bán dẫn; dự án sản xuất các loại linh kiện khuôn mẫu và cơ khí chính xác ngành công nghiệp; sản xuất và lắp ráp hàng điện – điện tử và tin học; các dự án thực hiện quyền nhập khẩu - xuất khẩu…

Đạt được kết quả nêu trên là do khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hóa của các doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, việc tự do hóa thương mại của WTO tạo điều kiện cho hàng hóa của các nước thành viên dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận mức độ cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp phải năng động hơn trong việc tạo sản phẩm mới, cải tiến các dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm… Do đó, doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến kiểu dáng, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của “sân chơi chung”.

Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1736/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tại TP.HCM đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, sẽ thành lập thêm 7 KCN bao gồm: KCN Đông Nam 283ha, KCN Bàu Đưng 175ha, KCN Phước Hiệp 200ha, KCN Xuân Thới Thượng 300 ha, KCN Vĩnh Lộc III 200 ha, KCN Lê Minh Xuân II 338 ha, KCN Lê Minh Xuân III 242ha. Ngoài ra sẽ mở rộng các KCN Hiệp Phước 500ha, KCN Lê Minh Xuân 120ha. Như vậy, đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 22 KCX-KCN.

Hiện nay, định hướng phát triển KCX-KCN của TP.HCM là chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến. Đặc biệt là các ngành cơ khí, điện - điện tử và hóa chất.

Sẵn sàng về hạ tầng để thu hút đầu tư

Theo ông Vũ Văn Hòa – Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), trong năm 2009, Hepza tập trung tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các dự án chậm triển khai để có biện pháp tháo gỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng; phối hợp tổ chức triển lãm – hội thảo để quảng bá sản phẩm…

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vàp các KCN đó là mức độ sẵn sàng về hạ tầng cơ sở. Vì vậy trong năm nay, Hepza đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương, công ty phát triển hạ tầng... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác tái định cư tại các KCN mới và mở rộng như: Phong Phú, Tân Phú Trung, Vĩnh Lộc (mở rộng), Hiệp Phước (giai đoạn 2), Phú Hữu, Vĩnh Lộc III, Đông Nam, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng, Bàu Đưng, Lê Minh Xuân 2 & 3.

Ông Vũ Văn Hoà cũng cho biết: Đối với các KCN hiện hữu sẽ yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đối với các KCN mới, cơ sở hạ tầng phải phù hợp với xu thế hội nhập, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ cao.

Theo đó, các KCN mới phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi có doanh nghiệp vào hoạt động và phải có đề án xây dựng khu tái định cư, nhà lưu trú công nhân với các phúc lợi xã hội đi kèm. Ngoài ra, Hepza cũng hỗ trợ và khuyến khích các chủ đầu tư phát triển các dịch vụ như xây dựng nhà xưởng cao tầng và tòa nhà văn phòng để cho thuê để tối đa hóa diện tích sử dụng./.

Nguyễn Hòa Bình

VOV

Các tin tức khác

>   Thị trường xuất khẩu đang rộng mở (02/08/2009)

>   DN vận tải miền Trung: Tiếp tục lao đao (02/08/2009)

>   Phế liệu nhập khẩu: Cấm “ăn” môi trường! (02/08/2009)

>   Thổ Nhĩ Kỳ điều tra giá máy lạnh Việt Nam (02/08/2009)

>   TPHCM: Nhiều siêu thị giảm giá đầu tháng 8 (02/08/2009)

>   Lai Vu: Phần lớn vẫn hoang vu (02/08/2009)

>   Phát triển bền vững từ nông nghiệp (02/08/2009)

>   Cơ chế phù hợp thị trường mới phát triển mạnh (02/08/2009)

>   Bất động sản mới chỉ đóng góp 10% GDP (02/08/2009)

>   Mua nhà ở Mỹ, rẻ nhưng khó làm thủ tục sở hữu (02/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật