Chủ Nhật, 02/08/2009 17:09

Lai Vu: Phần lớn vẫn hoang vu

Khi cấp 212 héc ta đất cho tập đoàn Vinashin đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Lai Vu (nay là Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu), lãnh đạo tỉnh Hải Dương muốn nơi này sẽ tạo ra mũi nhọn nhằm phát triển công nghiệp toàn tỉnh. Nhưng sáu năm qua, ngoài bốn dự án đang hoạt động, hầu hết đất đai ở khu công nghiệp (KCN) này được khoanh lại và để đó.

Hỗ trợ hết mình nhưng kết quả không như mong đợi

KCN tàu thủy Lai Vu có quy mô 212,90 héc ta nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương, chạy dọc theo quốc lộ 5, cách Hà Nội 50 ki lô mét và cảng Hải Phòng 38 ki lô mét. KCN này do tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin làm chủ đầu tư, giao cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Vinashin Shinco) quản lý và khai thác.

Với quy mô đầu tư dự kiến gần 700 tỉ đồng, KCN tàu thủy Lai Vu được xác định như một địa điểm đầu tư chiến lược của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

“Tại đây sẽ hình thành một trung tâm công nghiệp tàu thủy đa năng ở miền Bắc, nơi có vị trí chiến lược nằm kề với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu và cung cấp sản phẩm cho các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Vinashin Shinco, giới thiệu như vậy trên trang web chính thức về KCN Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại địa chỉ: http://www.khucongnghiep.com.vn).

Vẫn theo ông Ngọc, kế hoạch là trong năm nay, KCN tàu thủy Lai Vu sẽ được xây dựng hoàn chỉnh để có thể đưa tất cả các nhà máy đi vào hoạt đông, tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Nơi đây sẽ được xây dựng theo hình thức “cuốn chiếu”, vừa đầu tư hạ tầng, vừa xây dựng các nhà máy, xí nghiệp sau khi đã lấp đầy gần 100% diện tích (19 dự án) của tập đoàn Vinashin.

Tất cả các dự án đầu tư thứ cấp chỉ được vào KCN nếu là các công ty con, công ty cháu hoặc công ty liên doanh với Vinashin. Các nhà đầu tư  không thuộc dạng này thì phải qua các KCN khác.

Sáu  năm qua, kể từ ngày 27-10-2003, khi tỉnh Hải Dương đón nhận dự án này của Vinashin dưới dạng dự án cụm công nghiệp tàu thủy, rồi nâng cấp, điều chỉnh thành KCN tàu thủy đều nhắm đến mục tiêu như trên. Cũng nhờ đó mà KCN tàu thủy Lai Vu được cấp diện tích đất khá lớn, hơn 200 héc ta, thay vì chỉ được chấp thuận diện tích đầu tư theo từng giai đoạn như các trường hợp đầu tư khác.

Nếu giai đoạn 1 làm hiệu quả thì nhà đầu tư sẽ được xem xét mở rộng các giai đoạn tiếp theo. Hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn này cũng được di dời ngay sau đó để chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, tuy nhiên, đến thời điểm này, sau sáu năm, vẫn còn 300 hộ dân/1.000 hộ dân ở đây, chưa chịu nhận đền bù.

Có điều, sự hỗ trợ của tỉnh cho chủ đầu tư lại không mang đến kết quả như chính quyền tỉnh mong muốn. “Việc xây dựng hạ tầng KCN ở đây quá chậm so với kế hoạch đã cam kết cũng như so với các KCN khác trên địa bàn tỉnh.

Một số dự án thứ cấp tại KCN đang chờ triển khai đầu tư xây dựng. Số khác đã triển khai dở dang thì đều tạm dừng”, ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Hải Dương, nói với TBKTSG tuần trước. Nguyên nhân là do thủ tục đầu tư để triển khai dự án chậm và kéo dài, việc lập quy hoạch chi tiết KCN cũng chưa hoàn tất.

Hiện chỉ có bốn nhà máy hoạt động thường xuyên trong KCN rộng lớn này gồm: Tổ hợp cơ khí chế tạo Vinashina, Nhà máy container liên doanh với Đài Loan, Nhà máy chế biến gỗ Shinec và Nhà máy chế tạo thiết bị điện tàu thủy. Còn phần lớn dự án vẫn nằm trên giấy với lời giải thích một phần do suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế mới xảy ra trong vòng hơn một năm qua, nên có nhiều câu hỏi được đặt ra là trước thời điểm đó, điều gì đã khiến các dự án tại Lai Vu vẫn “giậm chân tại chỗ”: thiếu vốn hay chủ đầu tư thiếu năng lực?

Đó là chưa kể đến việc chia lô 12 dự án còn lại trong KCN là do Vinashin “mẹ” đã đi tắt, chấp thuận cho vào trước khi Ban quản lý dự án KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện tại, dù Ban quản lý đã nhiều lần đốc thúc mà các chủ đầu tư, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn không nộp đủ hồ sơ để lấy giấy chứng nhận.

Dở dang và tạm dừng

Theo kế hoạch, thời điểm hoàn thành việc xây dựng đồng bộ hạ tầng KCN là năm 2008 nhưng thực tế, sau sáu năm, chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống tường rào, hệ thống thoát nước mặt, một số trục đường chính và bố trí, chia lô các dự án theo quy hoạch.

Hệ thống đường giao thông trong KCN chưa được trải nhựa, chưa có nhà máy xử lý nước thải và nguồn cấp nước hiện tại là giếng khoan. Nguồn nước sinh hoạt cho một số ít nhà máy đang hoạt động tại đây được các chủ dự án mua hàng ngày, do ô tô chở đến.

Ngay ở cổng vào KCN, hai nhà bảo vệ xây thô xong rồi bỏ hoang nên ít ai đi qua có thể hình dung được đây là tổ hợp các dự án đầu tư trọng điểm trong ngành công nghiệp tàu thủy. Nhiều phần đất thuộc các dự án thành phần khác trong khuôn viên KCN hiện bỏ không cho dân địa phương vào thả trâu bò, hoặc xây dở dang rồi bỏ đó, lối vào chắn sơ mấy cây cọc tre. Không một tấm biển đề, không có ai để hỏi thăm các dự án dở dang đó của ai.

Ông Chọn cho biết vì đây là KCN có tính đặc thù của ngành đóng tàu nên tỉnh chỉ can thiệp vào việc đốc thúc hoàn thành đầu tư hạ tầng, thay vì can thiệp vào các dự án thành phần như các KCN khác. Tỉnh cũng muốn hạ tầng ở đây được hoàn thành để các dự án được triển khai, tạo ra bộ mặt khang tranh, ổn định đời sống nhân dân xã Lai Vu, vì chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng sau nhiều năm vẫn là đề tài “nóng” của dân địa phương.

Hiện tỉnh đang có ý định lấy lại một phần diện tích trong khu công nghiệp này để thay thế bằng các dự án công nghiệp lắp ráp ô tô, nhằm hạn chế đất bị bỏ hoang. Nhưng theo ông Chọn “cái khó của tỉnh là cứ đúng thành phần dự án có liên quan đến đóng tàu, được tập đoàn Vinashin chấp thuận thì chúng tôi phải chấp thuận, bất kể dự án “yếu”, “khỏe” ra sao”. Và cũng vì tính đặc thù ở KCN này mà tỉnh phải tiếp tục chờ đợi, thay vì tính đến phương án rút vài giấy chứng nhận đầu tư.

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Phát triển bền vững từ nông nghiệp (02/08/2009)

>   Cơ chế phù hợp thị trường mới phát triển mạnh (02/08/2009)

>   Bất động sản mới chỉ đóng góp 10% GDP (02/08/2009)

>   Mua nhà ở Mỹ, rẻ nhưng khó làm thủ tục sở hữu (02/08/2009)

>   Nhiệm vụ bất khả thi ? (01/08/2009)

>   Khi thị trường ảm đạm, 'cò' nhà đất cần có tài lẻ (01/08/2009)

>   Mùa nào thức ấy (01/08/2009)

>   Nhiều dự án đầu tư vào Quảng Ngãi (01/08/2009)

>   Sẽ đấu thầu lại khu "đất vàng" ở TPHCM (01/08/2009)

>   JBIC cam kết sẵn sàng đầu tư cho VN (01/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật