Phế liệu nhập khẩu: Cấm “ăn” môi trường!
Trong một công văn mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VSC) khẳng định, lượng thép phế liệu nội địa chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nguyên liệu sản xuất, 60% còn lại phải nhập khẩu. Và không chỉ ngành thép, nhiều ngành sản xuất khác như nhựa, giấy… cũng phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu.
Thực tế này đặt ra một nghịch lý lâu nay chưa giải quyết được, dù ai cũng biết: cho nhập khẩu phế liệu - nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lách luật, “ăn” vào giá môi trường; nhưng cấm nhập khẩu phế liệu thì nhiều ngành sản xuất sẽ đói nguyên liệu. Bản dự thảo Quy chế quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu đang đặt trên bàn lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường chờ ký trình Chính phủ ban hành hướng tới mục tiêu dung hòa cả yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và phát triển sản xuất, nhất là trong thời buổi kinh tế suy giảm. Nhưng liệu có đạt được điều này?
Đảm bảo hàng sạch từ nguồn
Trao đổi về bản dự thảo Quy chế, ông Hoàng Minh Đạo - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường) nhấn mạnh, một nội dung quan trọng là tới đây các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải xem xét hàng hóa từ nguồn xuất hàng. Nói cách khác, để đảm bảo việc thông quan hàng hóa được thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phải “chọn bạn mà chơi” để có được chứng thư của nước xuất hàng nhằm hạn chế tối đa việc “dịch chuyển ô nhiễm”. Ông Đạo khẳng định, Việt Nam cũng như nhiều nước khác đã tham gia WTO và Công ước BASEL mà theo các thỏa ước quốc tế này, trước khi xuất khẩu, phế liệu phải được làm sạch.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, các vụ ách tắc phế liệu nhập khẩu được cho là lớn nhất đều có điểm chung là ý kiến các cơ quan kiểm định, cơ quan quản lý và người sử dụng không thống nhất về việc phế liệu nhập khẩu có đủ “sạch” hay không, dẫn đến tranh cãi kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất. Thừa nhận rằng Việt Nam chưa có những quy định mang tính định lượng về phế liệu “sạch”, ông Đạo cho biết, dự thảo Quy chế đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Bộ Quy chuẩn quốc gia về phế liệu nhập khẩu. “Tình trạng có kết luận “đá” nhau giữa các cơ quan giám định hoặc cơ quan quản lý về các lô hàng phế liệu nhập khẩu chính là do thiếu quy định có tính định lượng” - vị Cục trưởng nói.
Một nội dung đáng lưu ý khác là quy định mới đã củng cố những cơ chế tài chính, pháp lý để rốt ráo buộc doanh nghiệp có trách nhiệm với hàng hóa mà mình nhập khẩu về. Đơn cử, chủ thể nhập khẩu phế liệu phải có các cam kết về tài chính dưới hình thức ký quỹ (bằng tiền, vàng hoặc ngoại tệ được quy đổi ra tiền Việt Nam) hoặc hình thức bảo lãnh nhập khẩu của ngân hàng. Số tiền ký quỹ được tính tương đương với dự toán kinh phí để thực hiện các giải pháp xử lý chất thải và bảo vệ môi trường đã cam kết trong hồ sơ đăng ký nhập khẩu phế liệu và được cơ quan quản lý môi trường địa phương quy định theo từng trường hợp cụ thể.
Chưa hết băn khoăn
Tuy Quy chế chưa được chính thức ban hành, nhưng có doanh nhân nghe nói về quy định ký quỹ đã bày tỏ lo ngại, quy định này liệu có khả thi trong thời buổi doanh nghiệp đang rất thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Doanh nhân này nói thẳng: “Làm sao sở tài nguyên địa phương có khả năng đánh giá được một cách có cơ sở về kinh phí để thực hiện các giải pháp xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, mà doanh nghiệp bị “ngâm vốn” thời buổi này thì quả là kẹt”! (Về vấn đề này, ông Đạo cho biết thêm, các chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tính toán một mức ký quỹ hợp lý để giảm khó khăn cho doanh nghiệp).
Đó là chưa kể điều kiện “tiêu thụ phế liệu trong vòng 3 tháng kể từ ngày phế liệu nhập khẩu” và một số quy định mang tính kỹ thuật khác cũng rất cần cân nhắc. Đơn cử, khi thép phế lẫn tạp chất, việc lấy mẫu đại diện như thế nào để có hàm lượng các chất độc hại chuẩn xác, khi mà lô thép phế thường lớn, có thể lên tới hàng ngàn tấn.
Bên cạnh đó, cơ quan nào có thẩm quyền phán quyết cuối cùng khi các kết luận giám định có sự khác biệt lớn, dẫn đến thay đổi “số phận” của lô hàng nhập khẩu? Hiện việc giám định được giao cho các Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương có cửa khẩu, nhưng theo ông Hoàng Danh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Môi trường), các sở tài nguyên môi trường địa phương thường chỉ được trang bị theo hướng phục vụ nhiệm vụ quan trắc môi trường chung, hơn nữa lại thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về phế liệu phục vụ sản xuất công nghiệp. “Không thể không xây dựng phòng thí nghiệm chuyên phục vụ mục đích này - hiện nay Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm nào như vậy” - ông Sơn nhận xét và cho rằng, Vinacontrol có thể là cơ quan thích hợp để đưa ra kết luận giám định “tối cao” khi cần thiết.
Diễn đàn doanh nghiệp
|