Nhiều chỉ tiêu kinh tế 2010 dự kiến cao hơn 2009
Việt Nam đang bắt đầu xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 với một niềm tin ngày càng lớn về sự phục hồi kinh tế thế giới có tác động tích cực tới Việt Nam.
Ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, Bộ này đã dự thảo lần đầu kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,5 - 7% so với năm 2009. “Đó là con số mang tính định hướng, nhưng tôi nghĩ đang có nhiều tín hiệu lạc quan rằng Việt Nam có khả năng đạt được mức này”, ông Sinh nói.
Theo kịch bản này, GDP của Việt Nam theo giá thực tế khoảng 1.960 - 1.970 nghìn tỷ đồng (chỉ số giá GDP khoảng 10%), tương đương khoảng 108 tỷ USD, với mức bình quân đầu người khoảng 1.220 USD. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3-3,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7-7,5%; khu vực dịch vụ tăng 7,8 - 8,3%.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng 6% so với năm 2009, còn tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40,7% GDP. Điểm đáng chú ý là dự thảo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất này vẫn giữ nguyên chỉ số tăng giá tiêu dùng ở mức dưới 10%, tương đương năm 2009.
Phần lớn các chỉ tiêu vĩ mô của kịch bản 2010 đều thể hiện sự lạc quan hơn so với năm 2009, bởi theo ông Sinh, những đánh giá và nhận định gần đây của các tổ chức quốc tế đều cho thấy khả năng kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ dần thoát khỏi suy thoái, bắt đầu bước vào chu kỳ ổn định hơn. “Các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đều có nhận định thống nhất là kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, nhưng có nhiều khả năng sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 và năm 2010 sẽ có cải thiện, chuyển biến tích cực hơn”, ông Sinh nói.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế thế giới từ âm 2,9% trong năm 2009 sẽ tăng lên 2% năm 2010, còn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2010 tăng trưởng 2,4% nhờ những cải thiện của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, ấn Độ,... “Cùng với tăng trưởng kinh tế, các hoạt động thương mại và đầu tư cũng từng bước phục hồi và phát triển, tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu của Việt Nam”, Thứ trưởng Sinh cho biết thêm.
Một báo cáo mới nhất ra ngày 31/7 của Nomura International cũng đánh giá rằng “không còn suy thoái tại Việt Nam” và có nhiều khả năng GDP của Việt Nam năm 2010 sẽ ở mức 6,4%. “Việt Nam có thể đạt được mức tăng đó nhờ vào sự tăng trưởng của đầu tư công vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sự phục hồi đầu tư từ khối tư nhân trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng”, bà Sonal Varma, nhà phân tích kinh tế của Nomura International nói.
Ngoài ra, theo bà Sonal Varma, tiêu dùng nội địa tăng nhờ gói kích cầu của Chính phủ, lĩnh vực nông nghiệp ít chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài và trên hết là bối cảnh phục hồi của kinh tế thế giới nói chung cũng là những lý do cho sự tin tưởng trên.
Ông Ken Arakawa, chuyên gia tư vấn đầu tư nước ngoài của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cũng tin tưởng vào kịch bản này: “Tôi tin rằng với đà phát triển kinh tế như hiện nay, năm 2010 Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng như trên, thậm chí còn hơn thế nữa”.
Với các doanh nghiệp trong nước, kịch bản trên cũng có tính khả thi nhưng cần thận trọng với sự lạc quan quá mức. Ông Nguyễn Hải Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Hà Nội (HFM) cho biết: “Chắc chắn GDP của Việt Nam trong năm 2010 sẽ cao hơn 2009 nhưng xoay quanh mức 5,5 - 6% với điều kiện là gói kích cầu kinh tế được tiếp tục và không có sự “hãm phanh” bất ngờ nào”. Tuy nhiên, ông Hà không mấy tin tưởng vào sự phục hồi mạnh của 2 lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2010.
Theo dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp, thảo luận về dự thảo kịch bản này và hoàn thiện để trình Chính phủ khoảng cuối tháng 8/2009.
Dự kiến Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010
Tăng trưởng GDP: Khoảng 6,5 - 7%
GDP theo giá thực tế khoảng 1.960 - 1.970 nghìn tỷ đồng (khoảng 108 tỷ USD)
GDP bình quân đầu người khoảng 1.220 USD
Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3 - 3,4%
Công nghiệp và xây dựng tăng 7 - 7,5%
Dịch vụ tăng 7,8 - 8,3%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6%
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40,7% GDP
Chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 10%.
Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%
Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 9 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 11%
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 18%
Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 27,5 giường
Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người: 13,2 m2
( Nguồn: Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 lần thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7/2009 )
Nguyên Hà
TBKTVN
|