Ngành Công nghiệp: “Khát” nhân lực chất lượng cao
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, 68% doanh nghiệp (DN) công nghiệp không hài lòng với số lượng và chất lượng của cán bộ kỹ thuật.
Qua khảo sát cũng cho thấy, sự thiếu hụt trầm trọng về lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao không có biện pháp tháo gỡ trong nhiều năm qua. Đáng báo động hơn, thực trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn, thậm chí xấu đi trong vòng 5 năm tới.
Thiếu lao động có trình độ
Năm 2009, Công ty Intel Products Việt Nam (Intel) chính thức hoạt động tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Để đáp ứng yêu cầu công việc, công ty dự kiến tuyển 4.000 người. Từ năm 2007, Intel đã có kế hoạch tuyển dụng, liên kết đào tạo với các trường đại học, dạy nghề. Giữa năm 2008, Intel tiếp nhận khoảng 2.000 hồ sơ dự tuyển, kết quả chỉ có 40 ứng viên được chấp nhận. Hiện nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực như Intel. Tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung của Bắc Ninh đang sử dụng hơn 3 vạn lao động. Song các DN ở Bắc Ninh đang đứng trước tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động chất lượng, nhất là DN trong ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chính xác... Được biết, tại các KCN tập trung hiện nay chỉ có hơn 20% lao động có trình độ chuyên môn cao về kỹ thuật, quản lý. Nhiều DN trong nước và nước ngoài đã phải trả chi phí cao cho các vị trí quản lý nhân sự, điều hành, tài chính... Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao không chỉ là nỗi lo của ngành tin học, điện tử... mà còn là tình trạng chung của nhiều ngành công nghiệp khác, nhất là ở các chức danh giám đốc, quản đốc, quản lý chất lượng, thiết kế…
Hầu hết phải đào tạo lại
Để có được đội ngũ lao động lành nghề, kỹ thuật cao, hầu như các DN phải đào tạo lại. Cũng như nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam, Intel Products đang tài trợ cho chương trình du học cho sinh viên Việt Nam, nhằm tìm 40 sinh viên xuất sắc đang học năm thứ ba thuộc các khoa điện, điện tử viễn thông và cơ khí tại các trường đại học của Việt Nam đưa sang học tiếp 2 năm cuối tại Đại học Portland State (Hoa Kỳ). Kinh phí đầu tư cho chương trình du học này khoảng 2 triệu USD. Công ty TNHH Vietubes là một đơn vị chuyên ngành sản xuất chế tạo ren ống, gia công, sửa chữa và kiểm định các loại cần khoan ống, sản xuất đầu nối... phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong nước và xuất khẩu. Những công việc này đòi hỏi nguồn lao động phải "tinh", vì chỉ cần một sai sót nhỏ trong ống ren cũng có thể gây hại cho cả một giàn khoan. Do đó, hầu hết số lao động được tuyển vào công ty phải đào tạo lại, với kinh phí hơn 500 triệu đồng/năm. Ông Cao Duy Phong - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Hasaico Group cho biết, công ty thường mất 3-6 tháng để đào tạo gần như toàn bộ kỹ năng làm việc cho các nhân viên mới. Sắp tới Hasaico Group cần tuyển dụng khoảng 100 lao động ở nhiều vị trí (biên tập viên, marketing, kinh doanh…) cho cả văn phòng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để có đủ số lao động cần thiết, công ty vừa tuyển nhân viên chính thức, vừa tuyển thực tập viên làm việc theo hình thức bán thời gian (vị trí này chủ yếu dành cho các sinh viên chưa tốt nghiệp hoặc mới tốt nghiệp)...
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 51,8% DN thừa nhận họ thiếu hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí đào tạo và 45,8% DN thiếu cơ chế hỗ trợ để giữ lao động sau đào tạo. Như vậy, để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực có trình độ cao, các DN cần chủ động tiếp cận với các trường đào tạo, đầu tư trước kinh phí nhằm chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Đồng thời, cần có những chính sách ưu đãi tốt nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Tuy nhiên, hầu hết các DN đều mong muốn Nhà nước chia sẻ gánh nặng này qua việc miễn thuế cho DN tổ chức đào tạo lại cho người lao động hoặc tổ chức thêm các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý, mở thêm các trung tâm dạy nghề... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành.
Thanh Hiền
Hà Nội mới
|