Thứ Hai, 03/08/2009 08:05

Doanh nghiệp NK xăng dầu không nên sở hữu cây xăng

“Để có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự, cần phải tách 12.000 cây xăng bán lẻ hiện nay ra khỏi các công ty nhập khẩu xăng dầu! Và cấm các công ty nhập khẩu xăng dầu sở hữu cây xăng bán lẻ”- ý kiến của ông Nguyễn Thanh Toản.

Bên nào cũng có lý

Xăng, dầu là mặt hàng đặc biệt, được ví như máu của nền kinh tế. Thiếu máu thì sao? Câu hỏi đó ai cũng có thể trả lời được.

Nhưng suốt thời gian qua giá xăng dầu chưa nhận được sự đồng thuận cao giữa người tiêu dùng, Nhà quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu mặt hàng chiến lược này.

Người tiêu dùng, báo giới và các kinh tế gia…thì cho rằng việc điều hành giá xăng dầu như hiện nay chưa minh bạch, còn độc quyền, khi giá thế giới tăng thì tăng rất kịp thời, khi giá giảm lại giảm từ từ, giá Việt Nam cao hơn thế giới…

Doanh nghiệp nhập khẩu “cãi” ngay: giá như vậy nhưng chúng tôi vẫn lỗ, giá Việt Nam còn thấp hơn thế giới, chúng tôi không độc quyền…

Các nhà quản lý cũng cho rằng 2 năm qua các doanh nghiệp Việt Nam luôn lỗ…và họ cũng đã làm hết khả năng.

Tại buổi hội thảo thay thế nghị định 55/2007/NĐ – CP được tổ chức ngày 29/07/2009 tại Bộ Công Thương Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, việc điều hành giá xăng dầu rất vất vả: “Mới tiếp nhận nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu được 8 tháng nhưng tôi thấy quá là vất vả”…

Xem ra, ai cũng có lý, có dẫn chứng xác đáng…

Phải theo cơ chế thị trường thực sự

Gạt qua việc đúng sai, chính xác hay không chính xác. Nhưng cho đến nay, giá xăng dầu vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao đương nhiên là thiếu sót!

Vậy có giải pháp nào để khả dĩ nhận được sự đồng thuận cao hơn giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?

Câu trả lời sẽ là chỉ khi xăng dầu được điều hành thực sự theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, do tầm quan trọng của xăng dầu với nền kinh tế quốc dân, thị trường vẫn không thể thiếu sự quản lý của nhà nước.

Sân chơi chưa bình đẳng

Hiện có 11 doanh nghiệp Nhà nước được kinh doanh nhập khẩu xăng dầu bán ở thị trường nội địa với khoảng 12.000 trạm bán lẻ xăng dầu (cây xăng). Trong đó 6.000 cây xăng là của Petrolimex (khoảng hơn 1.800 cây xăng 100% vốn của tổng công ty, hơn 4000 cây liên kết treo biển tổng công ty và lấy xăng của tổng công ty).

Trong đó, riêng Petrolimex đã chiếm tới 60% thị phần trong nước (số liệu do ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex) cung cấp. Nếu tất cả các cây xăng này sẽ không lấy xăng ở một công ty nào khác ngoài Petrolimex thì việc dư luận bất bình cũng có thể dễ hiểu.

Luật cạnh tranh, điều 11 đã định nghĩa rất rõ ràng: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường lên quan…”; Điều 9 cũng “Cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, và 5 Điều 8 của Luật này khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.”

Với tỷ lệ thị phần lên tới 60% của Petrolimex hiện nay rõ ràng là một con số đảm bảo an toàn cho vị thế của Petrolimex trên thị trường xăng dầu trong nước.

Hơn nữa chính ông Bảo cũng tuyên bố: “nếu Petrolimex đã kiềm giá thì cũng chẳng có đơn vị nào tăng giá. Bởi lẽ, nếu giá thế giới mà tăng cao, doanh nghiệp khác bán bằng giá của Petrolimex cũng đã là khó khăn.” Và “kiểu gì chúng tôi cũng theo được.” (Vietnamnet, 30/07/2009)

Như vậy thì làm sao các doanh nghiệp khác có thể cạnh tranh được với Petrolimex?

Tách 12.000 cây xăng bán lẻ

Tất nhiên nếu giá xăng dầu tăng cao quá hoặc lâu không giảm thì nhà nước sẽ tuýt còi, nhưng thế nào là “tăng cao quá?”, thế nào là “lâu không giảm?” thì vẫn còn đang tranh cãi.

Và, để tới khi Nhà nước tuýt còi thì cũng phải mất một thời gian trễ nhất định. Hơn nữa để đến khi Nhà nước phải tuýt còi thì đã là chuyện không nên rồi, vậy nên nghĩ ra một giải pháp nào đó để nhà nước đỡ phải tuýt còi.

Nên chăng biện pháp đầu tiên và tiên quyết là phải tách 12.000 cây xăng bán lẻ hiện nay ra khỏi các công ty nhập khẩu xăng dầu! Và cấm các công ty nhập khẩu xăng dầu sở hữu cây xăng bán lẻ!

Xăng dầu là hàng hoá có khác với các hàng hoá khác ở chỗ: người bán muốn hàng tới người tiêu dùng phải có địa điểm, mà địa điểm bán là có hạn không thể xây dựng tràn lan được.

Theo Luật cạnh tranh, điều 18: “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường liên quan”.

Đồng ý là Petrolimex hiện chiếm 60% thị phần là do: “Lịch sử để lại” (theo lời Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú), nhưng do là doanh nghiệp của Nhà nước nên chúng ta đã sát nhập được thì nay hoàn toàn có thể chia tách ra được sao cho có lợi nhất cho nền kinh tế quốc dân.

Ở một khía cạnh khác, không nên xen lẫn giữa kinh doanh với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà nước. Nhà nước nên có chế độ trợ giá với vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hình thành quỹ bình ổn giá khi giá thế giới lên cao, có thể dự trữ dầu như Nhà nước đã làm khá hiệu quả với Vàng. Nhà nước phải tính toán sòng phẳng với các doanh nghiệp để họ yên tâm kinh doanh và minh bạch lãi lỗ. Tình trạng lỗ lại đổ cho các nhiệm vụ chính trị như hiện nay không nên tiếp tục xẩy ra.

Nguyễn Thanh Toản (Sở Công thương Vĩnh Phúc)

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Phú Quốc sửa quy hoạch (03/08/2009)

>   Xuất khẩu cá tra, ba sa: Về đích 1,2 tỷ USD? (03/08/2009)

>   Chuyên nghiệp hóa tiểu thương (03/08/2009)

>   Giá thép tăng 150.000 đồng/tấn (03/08/2009)

>   Dồn vốn kích cầu cho nông dân (03/08/2009)

>   “Cuộc chiến” quanh gói mì ăn liền (03/08/2009)

>   Kinh nghiệm “đem chuông đi đánh xứ người” (03/08/2009)

>   Giá cà phê tăng lại (03/08/2009)

>   Tránh bên trọng, bên khinh (02/08/2009)

>   Định vị lại ngành công nghiệp phần mềm (02/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật