Doanh nghiệp chấp nhận cuộc chơi nghiệt ngã?
Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận về giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo đó, ngay trong năm nay, giá than sẽ thực hiện theo nguyên tắc thị trường đối với 3 hộ tiêu thụ than lớn là ximăng, giấy và phân bón.
Đối với than cho sản xuất điện, đến năm 2010 cũng sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường, đồng bộ với việc Nhà nước thực hiện cơ chế thị trường đối với giá điện.
Chống bao cấp tràn lan
Một trong những bất cập của cơ chế định giá than cho các hộ tiêu thụ lớn trong nước dẫn đến giá than xuất khẩu (XK) và than tiêu thụ nội địa chênh lệch rõ rệt, vào thời kỳ đỉnh điểm của giá than XK (quý III/2008), khi giá XK bình quân lên tới 90USD/tấn, thì giá than tiêu thụ nội địa chỉ vào khoảng trên dưới 50USD/tấn đã khiến "dòng chảy" than xuất lậu hoạt động không ngơi nghỉ.
Vào thời điểm hiện tại, khi giá XK than giảm 50% so với trước, thì giá bán than cho các hộ tiêu thụ như giấy, phân bón, ximăng sau khi đã điều chỉnh tăng 25% từ tháng 11.2008, mới bằng 57% cho các hộ tiêu thụ khác cùng chủng loại. Riêng giá than bán cho sản xuất điện, từ 1.3.2009, áp dụng theo thông tư 05 quy định giá bán điện của Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá than cám 4b mới bằng 62% giá thành; cám 5 mới bằng 71% giá thành năm 2009. Điều đáng nói là do áp dụng cơ chế ưu đãi cho các hộ tiêu thụ trong nước, một khối lượng không nhỏ ximăng của các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài cũng được hưởng lợi không nhỏ từ giá than. Bên cạnh đó, mức giá than bán cho sản xuất điện tại thông tư 05 vẫn thấp hơn giá do TKV đề nghị đã được đoàn công tác liên bộ Tài chính - Công Thương thẩm định báo cáo Chính phủ từ cuối năm 2008.
Theo tính toán, năm 2008, TKV bán cho EVN 5,6 triệu tấn than thì số lỗ là 1.428 tỉ đồng, còn sang năm nay, tổng số than cung ứng lên tới 7,5 triệu tấn, số lỗ sẽ là 1.582 tỉ, gây mất cân đối tài chính cho TKV trong bối cảnh giá than XK cũng không dư dả để có nguồn bù chéo.
Doanh nghiệp phải chấp nhận "cuộc chơi"
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, với bất cứ DN nào, việc phải tăng chi phí đầu vào sẽ là hiệu ứng dây chuyền kéo giá lên. Song với ngành than, do phải trì hoãn việc tăng giá theo chỉ đạo của Chính phủ nên đang phải "gánh" lỗ. Số lỗ này thực chất là gánh hộ cho các ngành sản xuất khác khi các DN chưa thể đủ sức đề kháng để chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, hơn - thua trên sân nhà.
Về lâu dài, khi giá than tiêu thụ nội địa luôn dưới giá thành, sản xuất than sẽ không có nguồn để đầu tư tăng sản lượng và phải NK than với giá cao. Theo dự kiến, riêng ngành điện đến năm 2013 cần tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than, bình quân giai đoạn này, ngành than cần đầu tư lượng vốn lên tới 5 tỉ USD.
Kết luận của Thủ tướng đã nêu rõ: Ngay trong năm 2009, giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ than bán cho sản xuất điện) sẽ theo giá thị trường, thấp hơn giá than XK tối đa 10%. Đối với ngành điện, Thủ tướng yêu cầu, giá than cũng cần tính toán cụ thể để đảm bảo đến năm 2010 thực hiện theo cơ chế giá thị trường; ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường.
TKV cũng kiến nghị Chính phủ, để tránh tăng giá đột biến vào năm 2010, giá bán than vào sản xuất điện cần tăng một bước ngay từ đầu tháng 8.2009 bằng khoảng 90% giá thành. Song yêu cầu này sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương tính toán trước khi trình Thủ tướng.
Quỳnh Trang
Lao Động
|