Thứ Năm, 06/08/2009 11:21

Bất đối xứng thông tin - giải quyết ra sao?

Đa số các nhà kinh tế đều đồng ý rằng một trong những điều kiện tiên quyết để một nền kinh tế thị trường có thể đạt được hiệu quả tối ưu cho xã hội là không tồn tại bất đối xứng về mặt thông tin giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều rào cản ngăn cản sự phân bổ bình đẳng thông tin trong xã hội. Bởi vậy, Nhà nước, trong vai trò kiến tạo và duy trì một nền kinh tế thị trường, thường tìm cách giảm thiểu sự bất đối xứng thông tin qua hai hình thức: (i) đưa ra các quy định và luật pháp đảm bảo sự bạch hóa thông tin tối thiểu của các đối tác liên quan đến các hoạt động kinh tế, và (ii) đứng ra cung cấp thông tin như một dạng dịch vụ công để đảm bảo sự bình đẳng thông tin cho mọi công dân và chủ thể kinh tế.

Ví dụ, điển hình nhất cho các quy định và luật pháp về đảm bảo minh bạch hóa thông tin là các quy tắc kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính hàng năm của các công ty cổ phần. Các quy định này nhằm xóa bỏ/giảm thiểu sự bất đối xứng thông tin giữa các nhà đầu tư/đối tác và những người trực tiếp vận hành công ty.

Một ví dụ khác ở nhiều nước là quy định buộc các sản phẩm thực phẩm phải ghi rõ thành phần dinh dưỡng/hóa học và các nguyên liệu cấu thành. Nhìn chung, biện pháp yêu cầu minh bạch hóa thông tin này chủ yếu tập trung vào thông tin riêng (private information) khi một bên có động cơ không cung cấp đầy đủ thông tin cho các đối tác của mình.

Biện pháp giải quyết thứ hai tập trung vào các loại thông tin rất tốn kém khi đi thu thập và cũng là những thông tin bản thân nhà nước cũng cần cho việc hoạch định các chính sách của mình.

Ví dụ, các thông tin kinh tế vĩ mô mà một doanh nghiệp tư nhân khó có khả năng và nguồn lực tự đứng ra thu thập. Để đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công này, nhiều nước có các đạo luật quy định rõ quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng như nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước. Việc đảm bảo bình đẳng thông tin này không chỉ đơn thuần là đảm bảo một quyền công dân pháp định mà còn là cách giảm thiểu tình trạng bất đối xứng thông tin giữa các cá nhân kinh tế và giữa các cá nhân và cơ quan quyền lực nhà nước.

Ở Việt Nam, thông tin kinh tế vĩ mô chủ yếu được Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thu thập và công bố. Đáng tiếc là Việt Nam chưa có một đạo luật nào quy định về nghĩa vụ công bố thông tin nên các cơ quan nói trên chưa coi việc cung cấp thông tin cho người dân là nghĩa vụ của mình.

Trái lại, rất nhiều thông tin kinh tế bị quy vào dạng bí mật quốc gia và người dân không được phép tiếp cận chứ đừng nói gì đến xử lý và công bố các kết quả phân tích của mình. Một ví dụ cụ thể là các thông tin liên quan đến dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trên website của NHNN. Mặc dù NHNN đã và đang thực hiện một số biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại tệ (thông qua nghiệp vụ hoán đổi - swap), các thông tin cụ thể của việc can thiệp này vẫn được giữ bí mật.

Điều này vừa làm tăng tính không ổn định trên thị trường ngoại tệ vừa tạo ra sự bất bình đẳng về mặt thông tin: ai có được những thông tin này có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh của mình tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Các nhà kinh tế độc lập khi muốn nghiên cứu tình hình thị trường để tìm giải pháp cho tình trạng khan hiếm ngoại tệ cũng hoàn toàn “bó tay”.

Bản thân tôi trong vài tháng đầu năm 2008 khi muốn làm một số nghiên cứu về tình hình lạm phát đã gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm hiểu tỷ trọng của các mặt hàng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là một thông tin kinh tế rất căn bản và cũng không có gì bí mật, nhiều quan chức đã nhắc đến các tỷ lệ này trên báo chí. Tuy nhiên dù đã lục tìm rất cẩn thận website của Tổng cục Thống kê tôi cũng không tài nào tìm được thông tin mình cần. Cuối cùng tôi đã phải sử dụng một nguồn tài liệu không chính thức của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với những số liệu có thể đã không được cập nhật.

Tại sao những tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) lại có quyền tiếp cận thông tin kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt hơn một công dân Việt Nam?

Lê Hồng Giang

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Nỗi lo thiếu nguồn lao động (06/08/2009)

>   Thanh long "đắt hàng" đi Trung Quốc, Nhật Bản (06/08/2009)

>   Tháng 7: Thêm 7.000 DN đăng ký thành lập (06/08/2009)

>   Ứng phó với rào cản thương mại (06/08/2009)

>   Xăng Ethanol: Bài toán kinh tế cho người sử dụng (06/08/2009)

>   Đấu thầu chuyển giao 3 trạm thu phí đường bộ: Thu hồi vốn "một cục" (06/08/2009)

>   Bẫy lạm phát (06/08/2009)

>   Băn khoăn hiệu quả tập đoàn (06/08/2009)

>   Bài 2: Bất động sản 'hút' FDI nhưng nhiều dự án 'hứa' (06/08/2009)

>   DN xuất khẩu cà phê nên cẩn trọng khi giao dịch (06/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật