Băn khoăn hiệu quả tập đoàn
Cả nước hiện có 8 tập đoàn kinh tế Nhà nước, nhưng có đến hàng trăm doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng gắn mác “tập đoàn” dưới dạng công ty THNN tập đoàn hay công ty cổ phần tập đoàn...
Chưa bàn đến khuôn khổ pháp lý, chỉ nhìn nhận về mặt hoạt động hiện tại của các tập đoàn kinh tế Nhà nước chính danh đã thấy bộc lộ nhiều băn khoăn vướng mắc.
Cả nước hiện có 8 tập đoàn kinh tế Nhà nước cùng một số tổng công ty Nhà nước, tuy chưa được quyết định là tập đoàn nhưng đã hoạt động, có đặc điểm của tập đoàn kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đều được hình thành từ quyết định hành chính trên cơ sở tổ chức lại tổng công ty Nhà nước, mà chưa có tập đoàn kinh tế nào được hình thành trên cơ sở các doanh nghiệp tự phát triển, tích tụ và tập trung vốn, đầu tư chi phối các doanh nghiệp bằng các biện pháp sáp nhập, mua cổ phần, góp vốn để hình thành các liên kết bền chặt và phát triển thành tập đoàn kinh tế.
Đến nay cũng chưa có tập đoàn kinh tế nào được thành lập do các doanh nghiệp tự nguyện liên kết nhau để tạo thành tập đoàn kinh tế có tiềm lực kinh tế, tài chính đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Sau đó mô hình này tiếp tục sử dụng tiềm lực đó để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lĩnh vực hoạt động và đầu tư thâm nhập, thôn tính các doanh nghiệp để phát triển thành tập đoàn.
Chính vì vậy, hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế bộc lộ nhiều bất ổn.
Theo công bố mới đây của Kiểm toán Nhà nước, một số tập đoàn kinh tế đã bị “điểm mặt” trong nhóm doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ.
Ở các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước còn có tình trạng đưa nguồn vốn khổng lồ của mình đầu tư dàn trải, đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủỉ ro như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... không tập trung vào ngành kinh doanh thế mạnh của mình.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, trong số 70 tổng công ty và tập đoàn kinh tế Nhà nước đã có 28 tổng công ty tham gia góp vốn thành lập công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm và bất động sản với tổng số vốn lên tới 23.344 tỷ đồng, bằng 8,7% vốn chủ sở hữu.
Một điều đáng lo ngại nữa, là tình hình mất cân đối nợ/vốn chủ sở hữu của một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Thí dụ, Vinashin có vốn nợ gấp 25 lần vốn chủ sở hữu; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 có ốn nợ gấp 42 lần vốn chủ sở hữu...
Trong khi đó, theo Nghị định số 09/2009 của Chính phủ về Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước, tỷ lệ này chỉ được phép ở mức 3 lần.(!?)
Mới đây, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội đã làm việc với 5 bộ chủ quản của nhiều tập đoàn kinh tế, gồm: Tài Chính, Công thương, Giao thông- Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội- Tổng thư ký Đoàn Giám sát, kết quả sơ bộ cho thấy có không ít doanhnghiệp được giám sát có “tình hình tài chính rất yếu”.
Nói tình hình cụ thể về mô hình tập đoàn, ông Ngoạn cho biết: “Qua báo cáo của các tập đoàn, chúng tôi vẫn chưa thấy tính ưu việt của các tập đoàn so với các tổng công ty, xét về mặt bản chất”.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi chưa có hành lang pháp lý cụ thể, việc quản lý, giám sát của Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước đang tồn tại nhiều bất cập do việc chưa xác định đầu mối chủ sở hữu. Cùng một lúc nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện vai trò chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, dẫn đến sự trùng lắp và chồng chéo.
Cũng theo các chuyên gia, chưa có quy định về quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty lớn, vì thế không kiểm soát được mục tiêu hoạt động, cơ cấu đầu tư, ngành nghề chính và vai trò trở thành các doanh nghiệp chủ chốt của kinh tế Nhà nước, đảm bảo các lĩnh vực chiến lược, an ninh kinh tế quốc gia.
TS Trần Xuân Lịch, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét: Hiện nay, tập đoàn kinh tế Nhà nước đang chi phối thị trường điện, than- khoáng sản, dầu khí, viễn thông, cao su... nhưng việc quản lý Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế có nhiều hạn chế. Hiện khu vực tập đoàn kinh tế Nhà nước đang tiềm ẩn nguy cơ hạn chế cạnh tranh, độc quyền, thống lĩnh thị trường. Hiệu quả quản lý Nhà nước trong vấn đề này còn kém.
Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa kết thúc chiều 5/8, Nghị định về quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được Bộ Kế hoạch& Đầu tư soạn thảo trình Chính phủ, dự kiến sẽ hoàn thiện và có hiệu lực từ cuối tháng 8 này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc vấn đề quản lý, giám sát tập đoàn vẫn chưa có thay đổi.
Vân Thành
TỔ QUỐC
|