Tập đoàn kinh tế NN sẽ chủ động quyết định mức lương
Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, cuối tháng 8 sẽ ban hành nghị định quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có một số điểm mới về quy chế kinh doanh và điều kiện trả lương, theo thông tin từ cuộc họp báo chiều 5-8 tại Hà Nội.
Theo thông tin ông Muôn cung cấp tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, nghị định quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước sau một thời gian soạn thảo đã được trình lên Chính phủ. Có sáu điểm mới trong nghị định này, ví dụ như cho phép các tập đoàn được chào giá cạnh tranh sản phẩm trong nội bộ, nếu đầu ra của doanh nghiệp trong tập đoàn này là đầu vào của doanh nghiệp cũng trong tập đoàn, thay cho giá bán mang tính nội bộ và thấp hơn cơ chế thị trường được áp dụng khép kín ở nhiều tập đoàn trong thời gian dài.
Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế nhà nước được mở rộng các điều kiện trả lương, thay đổi mức lương thay cho mức lương nhà nước cố định trên cơ sở cân đối doanh thu, bảng lương, tăng năng suất lao động.
“Việc này để tránh các quy định quá cứng nhắc, lương thấp làm chảy máu chất xám ra khỏi khu vực doanh nghiệp nhà nước thiết yếu”, ông Muôn nói. Trên thực tế, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thí điểm hình thức trả lương cao hơn nhiều các quy định khung từ mấy tháng qua.
Riêng về vấn đề giám sát các tập đoàn, ông Muôn diễn đạt bằng hình ảnh: “Có ga thì có phanh”, nghĩa là các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện tốt quyền của chủ sở hữu ở các tập đoàn. Việc đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước vào các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng thì theo nghị định, việc này phải được Chính phủ đồng ý. Trong một năm qua, Văn phoàng Chính phủ cũng có các văn bản nhắc nhở các tập đoàn về việc này.
Công nghiệp tăng trưởng nhẹ, xuất khẩu giảm do giá giảm
Cũng trong phiên họp chiều 5-8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 2,3% so với tháng 6 và tăng 7,6% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2008, trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 8% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,7%. "Như vậy, trừ tháng 1 năm nay có tốc độ tăng trưởng âm, 6 tháng còn lại giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng nhanh qua từng tháng", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Như thường lệ, khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò tăng trưởng chủ đạo, trong khi đó khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức tăng trưởng rất thấp.
Riêng về lĩnh vực xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết chắc chắn năm nay lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng 17% đến 18% nhưng giá trị thu về sẽ thấp hơn so với những năm trước do giá giảm. Ông Hào dẫn chứng, lượng gạo xuất khẩu năm nay ước tính sẽ đạt 10 triệu tấn, gấp đôi kế hoạch đề ra nhưng giá trị thu về sẽ thấp vì việc giảm giá kéo dài.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng giảm giá như dầu thô giảm 53,1% về giá, cao su giảm 45,8%, giá hạt tiêu giảm 33,2%, giá than đá giảm 15,8%. Ước tính sơ bộ, với việc giảm giá xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu nêu trên, kim ngạch xuất khẩu mất tới 6 tỉ đô la Mỹ do giá giảm.
Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đặt 32,35 tỉ đô la Mỹ, giảm 13,4% so với cùng kỳ. “Cố gắng tối đa thì vẫn có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 3% như Quốc hội đã điều chỉnh, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay là 65 tỉ đô la Mỹ”, ông Hào nói.
Nhập siêu 7 tháng đầu năm nay khoảng 3,38 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với mức 40,8% của năm 2008.
Ngọc Lan
TBKTSG Online
|