Bài 2: Bất động sản 'hút' FDI nhưng nhiều dự án 'hứa'
Cùng với thép, vốn FDI đổ quá nhiều vào bất động sản nằm trong tầm soi của nhiều chuyên gia kinh tế nhất. Những dự án này không tạo ra nhiều giá trị gia tăng, không chuyển giao công nghệ cao trong khi lại chiếm dụng nhiều đất đai. Không ít trong số đó đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.
* Bài 1: FDI và câu chuyện bội thực của ngành thép
Những lời cam kết “tan” theo khủng hoảng
Ngay cạnh Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), bên đường Phạm Hùng là khoảng đất “vàng” rộng 4,3 ha vẫn đang là ruộng rau muống. Sở dĩ nói “vẫn đang” là bởi đáng lẽ, khoảng đất đắt giá này giờ đây phải đang nhộn nhịp công trường xây dựng 1 khách sạn 5 sao, sang trọng và lớn nhất Hà Nội mang tên khách sạn Lotus.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 500 triệu USD, nằm trong diện các công trình trọng điểm chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Dự án đã được cấp phép cho nhà đầu tư Riviera Corporation của Nhật Bản vào năm 2007 và nhà đầu tư này đã cam kết sẽ hoàn thành công trình vào cuối năm 2009.
Thế nhưng, tin mới nhất mà VietNamNet vừa nhận được từ Sở KH-ĐT Hà Nội cho thấy Riviera Corporation đã chính thức có văn bản xin rút tên khỏi dự án cách đây vài tuần. Lý do chính vẫn là không thu xếp được tài chính.
Điều này có nghĩa, dự án trọng điểm này có nguy cơ bị phá sản! Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư trong nước và đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Nhưng chắc chắn rằng, dự án sẽ không thể kịp tiến độ đến ngày đại lễ của Thủ đô được nữa.
Cách đây 2 năm, dự án đã trở nên “nổi tiếng”, ồn ào dư luận vì là tâm điểm của cuộc chạy đua cạnh tranh quyết liệt giữa Riviera Corporation và Keangnam của Hàn Quốc để được chọn làm chủ đầu tư. Rốt cục, đến nay, việc lựa chọn thận trọng ấy của chính quyền thành phố Hà Nội đã không có kết quả.
Cũng nằm trong mục tiêu hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và đứng trước nguy cơ đổ bể là dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao 65 tầng mang tên Hanoi City Complex của nhà đầu tư Coralis, Luxembourg.
Vào thời điểm được cấp phép cuối năm 2006 với tổng vốn đăng ký 114 triệu USD, tổ hợp này đã được quảng cáo hoa mỹ là toà nhà chọc trời của Hà Nội, là dự án có qui mô vốn FDI lớn nhất của Hà Nội. Nhà đầu tư đã cam kết sẽ triển khai trong 3 năm và phấn đấu hoàn thành trước năm 2010.
Cũng như khách sạn Lotus, toà nhà nằm ở vị trí đắc địa ngay sau khách sạn Deawoo, gần ngã rẽ Liễu Giai - Đào Tấn. Tuy nhiên, đến nay đã quá nửa năm 2009, dự án mới đang làm phần móng.
Tệ hơn, mới đây, nhà đầu tư đã xin tạm dừng dự án vì lý do thiếu vốn. Theo nhận định của giới đầu tư bất động sản thì động thái này đã báo trước khả năng phá sản dự án là ngay trước mắt.
Trên thực tế, ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, nơi “hút” nhiều dự án bất động sản có vốn FDI nhất cũng đang ở tình trạng đình đốn như vậy.
Ảo tưởng từ những con số
Chậm tiến độ là “căn bệnh” chung của lĩnh vực đầu tư nhưng với riêng bất động sản, để dự án nằm yên thì hệ luỵ quả là khôn lường. Bởi đây luôn là những dự án phải chi phí nhiều nhất cho giải phóng mặt bằng, đóng đô ở những vị trí đẹp nhất và khi đình trệ, nó sẽ chiếm dụng cơ hội của nhiều nhà đầu tư trong nước.
Chưa kể, những toà nhà cao ốc đẹp đẽ và sang trọng, góp công cho quá trình đô thị hoá ấy trên thực tế khi triển khai, sẽ không hoàn toàn là vốn thực chất của doanh nghiệp nước ngoài.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH-ĐT đã bóc tách các con số này: năm 2008, ước khoảng 70% vốn của các dự án FDI đều là vốn vay, trong đó, một phần không nhỏ là vay trong nước.
Riêng năm 2008, cả nước đã có 33 dự án xây căn hộ, khu đô thị, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD và số vốn chủ sở hữu đăng ký chỉ khoảng 2,2 tỷ USD, tức bằng 22%.
Cơ quan này phân tích, như vậy các doanh nghiệp FDI chỉ phải bỏ khoảng 20% vốn ban đầu như qui định và sau đó, huy động khoảng 80% vốn trong nước, có thể trực tiếp từ khách hàng, người tiêu dùng. Có thể ngầm hiểu rằng 8 tỷ USD còn lại là tiền ở trong nước, trong khi, danh nghĩa vẫn là dự án của FDI.
Khi tỷ trọng vốn điều lệ trên tổng vốn đăng ký quá thấp như vậy thì đó là chỉ số cho thấy sự cam kết còn lỏng lẻo của các nhà đầu tư.
Những cuộc “rút chân” trên của các nhà đầu tư đã minh chứng rằng, khả năng triển khai thành công dự án phụ thuộc quá nhiều vào câu chuyện huy động nguồn lực tài chính. Trong khi, thị trường tài chính, đặc bịêt ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế này luôn đầy rủi ro, biến động khôn lường.
Ngay cả dự án FDI có vốn 1,2 tỷ USD, xây dựng toà cao ốc hiện đại của thành phố Hà Nội đang có lời đồn rằng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mất vài trăm triệu USD, còn lại là vốn của các cá nhân trong nước đóng góp!
Bởi thế, việc Tập đoàn Barjaya Corporation Berhad của Malaysia được giao đồng thời ít nhất 4 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 5 tỷ USD tại 3 địa phương khác nhau (TP.HCM có 2 dự án chiếm 4,5 tỷ USD, Đồng Nai 1 dự án 750 triệu USD và Hà Nội 1 dự án vốn 100 triệu USD) cũng khiến các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu trên thấy bất an!
Theo Viện này,với hình thức huy động vốn như vậy, các doanh nghiệp FDI sẽ cạnh tranh và hút mất phần vốn mà đáng lẽ, nhà đầu tư trong nước được hưởng.
Mục tiêu thu hút vốn bằng ngoại tệ cho nền kinh tế cũng không đạt được. Điều này cũng sẽ làm gia tăng cầu về ngoại tệ, gây khó khăn cho việc bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai.
Khi khủng hoảng xảy ra, đúng như dự đoán của nhiều người, các nhà đầu tư không vay được vốn, đã phải “đầu hàng”. Còn phía các địa phương Việt Nam, mảnh đất thì bị treo và không biết chờ đến bao giờ, mới có nhà đầu tư đủ lực để thế chân triển khai tiếp. Trong khi đó, mọi điều kiện cho việc dự án động thổ, triển khai đã ở thế “việc đã rồi”.
Các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng phản đối FDI vào bất động sản chính vì các lý do trên. Mặc dù vậy, hơn một lần trả lời báo chí về chủ trương thu hút vốn FDI vào bất động sản, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng vẫn nói rằng, việc hút vốn như vậy chưa có “vấn đề” gì lắm.
Tính đến hết tháng 7/2009, cả nước còn 10.482 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là hơn 165,6 tỷ USD.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản hút lượng vốn lớn thứ 2 với 34,3 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, bao gồm các dự án về khách sạn chiếm trên 10,7 tỷ USD, chiếm 6%.
Phạm Huyền
VIETNAMNET
|