Bẫy lạm phát
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước chỉ là 3,22% so với giá tháng 12.2008. Nếu tính theo trung bình kỳ, giá cả bình quân của 7 tháng đầu năm 2009 đã tăng 9,25% so với bình quân cùng kỳ của năm 2008.
Cùng với nhận định này của Tổng cục Thống kê, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng CPI của năm 2009 sẽ ở mức 1 con số. Đây là điều đáng mừng cùng với dấu hiệu nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, không ít các chuyên gia kinh tế lại bắt đầu cảnh báo về "bẫy lạm phát". Một trong những lý do quan trọng được nêu ra là: Lạm phát luôn rơi vào những tháng cuối năm. Đây là thời điểm hàng triệu học sinh vào năm học mới, kèm theo là nguồn cầu khổng lồ.
Chưa hết, cuối năm cũng là thời điểm mưa bão, dịch bệnh hoành hành, nhu cầu tiêu dùng nhiều lúc sẽ trở nên khan hiếm và tăng giá do những thiệt hại kinh tế. Đặc biệt, cuối năm với dịp lễ tết, cưới xin, luôn khiến cho giá cả tăng mạnh...
Thực tế, những cảnh báo này không phải là không có cơ sở khi mà đời sống đã bộc lộ dấu hiệu. Đầu tiên là việc CPI nhóm thực phẩm tăng khá mạnh với 2,15% so với cuối năm 2008; nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng tới 3,05%...
Cũng cần đưa thêm "bằng chứng" là những tháng đầu năm, giá xăng dầu giảm thì gần đây lại tăng mạnh và rất có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới. Tương tự, những tháng đầu năm, VN đã có lúc xuất siêu thì gần đây nhập siêu lại tăng mạnh trở lại. Nếu như 7 tháng đầu năm nhập siêu 3,4 tỉ USD thì riêng tháng 7.2009, con số nhập siêu đã là hơn 1,3 tỉ USD...
Với những lý do trên cộng với những tác động của kích cầu, áp thuế thu nhập cá nhân, áp lực nhập khẩu, nới lỏng chính sách tiền tệ... rất dễ khiến VN rơi vào "bẫy lạm phát" ngay sau giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, điều lo lắng không kém là nếu điều này xảy ra, đời sống của người dân sẽ chịu những tác động tiêu cực và hệ lụy khó lường.
Phạm Anh
Lao Động
|