Vay đầu tư chứng khoán, bất động sản sẽ khó hơn
Chính sách tín dụng có sự điều chỉnh theo hướng co dần lại để cảnh giác với những dấu hiệu lạm phát đang xuất hiện sau khi Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ mức 30% xuống 25 – 27% trong năm nay. Điều này khiến các khoản cho vay tiêu dùng sẽ bị siết lại dù mới được mở ra chưa lâu.
Không "sốc" nhưng vẫn khó
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng liên tục được điều chỉnh theo các tín hiệu của nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự định để tăng khoảng 21 - 23% nhưng Chính phủ có ý muốn nới lên đến 25% để kích cầu kinh tế.
Định hướng này được thực hiện trong gần hết nửa đầu năm 2009. Tuy nhiên, đến gần giữa năm, NHNN đề xuất cho tăng lên đến không quá 30% và được Chính phủ chấp nhận. Tuy nhiên, mục tiêu mới này thực hiện chưa lâu thì kinh tế đã có nhiều dấu hiệu hồi phục và đi kèm với những cảnh báo về sự quay trở lại của lạm phát đã khiến Chính phủ lại điều chỉnh một lần nữa mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Các ngân hàng đều cho rằng họ hoàn toàn không bị "sốc" với điều chỉnh mới này và không bị động nhiều do ngay từ đầu năm, đa số các ngân hàng đều xác định 2009 là một năm nhiều biến động. Vì vậy, điều mức tăng trưởng là điều mà họ đã lường trước.
Bên cạnh đó, con số tăng trưởng 30% mới được mở ra gần đây nên hoạt động của các ngân hàng theo mục tiêu này cũng mới được một thời gian ngắn nên việc điều chỉnh xuống cũng không gây ảnh hưởng lớn.
Một chuyên gia của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) cho biết, giảm tăng trưởng tín dụng như một biện pháp tăng cường kiểm soát rủi ro của NHNN, hoàn toàn không có chuyện cấm cái này hay không cho vay cái kia. Vì thế, toàn hệ thống vẫn còn 5 tháng để điều chỉnh nên không có gì đáng ngại và sẽ không có chuyện đột ngột dừng hay cắt một mảng tín dụng nào đó như kiểu cho vay đầu tư chứng khoán trước đây.
Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói rằng, không nên quá lo ngại trước tín hiệu điều chỉnh này. Thực tế, nửa đầu năm tín dụng tăng trưởng mạnh là nhờ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất và hiện đã gần đạt ngưỡng nên không thể tăng mạnh như trước. Hơn nữa, thông thường 6 tháng cuối năm là thời điểm các ngân hàng thực hiện các biện pháp thu hồi vốn, cân đối lại các chỉ tiêu nên tín dụng sẽ không còn tăng nóng.
Tuy nhiên, việc địa dư chỉ còn 8 - 10% tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm cũng gây cho các ngân hàng không ít khó khăn. Bởi vì, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã đạt 17% và đang có cơ sở để nghĩ đến chuyện có thể tăng tiếp do các gói kích cầu vẫn tiếp tục, kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu đầu tư vào các thị trường nóng như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... tăng lên.
Vì thế, chắc chắn các ngân hàng sẽ gặp khó và buộc phải quay lại ghìm giữ đà tăng trưởng tín dụng. Tính toán làm sao để vừa đảm bảo yêu cầu của NHNN nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu khách hàng, phát triển kinh doanh là cái khó và sẽ có những mảng tín dụng bị co lại và sẽ nhiều nhu cầu của khách hàng bị từ chối do quyết định này.
Tín dụng tiêu dùng trong tầm ngắm
Trước khi có quyết định giảm chỉ tiêu của Chính phủ, NHNN đã phát đi những tín hiệu về việc thắt chặt tín dụng tiêu dùng. Đầu tiên, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tự rà soát và kiểm tra về hoạt động cho vay tiêu dùng. Sau đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu giảm tín dụng phi sản xuất, tiếp tục đảm bảo các nguồn vốn phục vụ mục tiêu kích cầu, tăng trưởng kinh tế.
Rõ ràng, trước các điều chỉnh này, tín dụng tiêu dùng và các mảng cho vay nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản sẽ được đưa vào tầm ngắm điều chỉnh đầu tiên của các ngân hàng. Trước hết là để tránh rủi ro, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, đồng thời vẫn duy trì được mảng chính hoạt động tín dụng cho đầu tư sản xuất và nhất là tiếp tục được hưởng các chương trình kích cầu của Chính phủ.
Thực tế, trong 1 tháng gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã được các ngân hàng bắt đầu co lại. Giám đốc dịch vụ một ngân hàng cổ phần cho biết, các sản phẩm tài trợ mua nhà, mua ô tô mới được khởi động lại nay chắc sẽ khó phát triển. Khách hàng sẽ khó vay hơn và nếu được vay thì hạn mức vay sẽ không lớn như trước. Cầm cố và cho vay chứng khoán sẽ khó khăn hơn trong gian đoạn 1 - 2 tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, vốn bơm cho bất động sản, chứng khoán và thậm chí là vốn cho gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất cũng sẽ được xem xét kỹ hơn. Điều này là dễ hiểu vì sự thận trọng trong hoàn cảnh hiện nay là cần thiết.
Đáng chú ý nhất khi có quyết định giảm tăng trưởng tín dụng là dòng tiền từ các ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng sẽ giảm mạnh do nguồn cung bị thắt chặt. Thực tế, hai tháng gần đây, vốn cho vay đầu tư chứng khoán tăng rất mạnh. Đến 30/6/2009 đã tăng 28,31% so với cuối năm 2008; trong khi đến cuối tháng 4/2009 mới chỉ tăng khoảng 4%.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh bất động sản đến 30/6/2009 ước tăng 10,48% so với cuối năm 2008; trong khi cuối tháng 4/2009 giảm gần 12% so với cuối năm 2008.
Phước Hà
VIETNAMNET
|