Thứ Tư, 22/07/2009 18:57

Thiếu đô la, doanh nghiệp "lách" bằng ngoại tệ khác

Do không thể đáp ứng đủ nguồn đô la Mỹ để bán cho khách hàng có nhu cầu, các ngân hàng hiện đang đề xuất khách hàng doanh nghiệp của mình chuyển sang thanh toán bằng các ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ.

Ngân hàng Nhà nước từ đầu tháng 7 đã cấm các ngân hàng nâng giá bán đô la Mỹ cho các doanh nghiệp cao hơn so với giá trần cho phép dưới mọi hình thức và kiểm tra gắt gao việc chấp hành quy định tại các ngân hàng. Thế nhưng, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do vẫn duy trì ở mức cao hơn ít nhất là 3% so với giá trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Do ngân hàng không thể mua đô la theo giá niêm yết để bán lại bằng giá niêm yết nên khách hàng là doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu mua đô la tại ngân hàng đã không được đáp ứng. Trước tình hình bán giá cao thì phạm luật, mà bán đúng giá thì không có nguồn, các ngân hàng hiện nay đang tư vấn cho khách hàng của mình mua bán với nước ngoài bằng các loại ngoại tệ khác.

Giám đốc về ngoại hối của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho biết, giải pháp mà doanh nghiệp nhập khẩu có thể làm trong thời buổi hiện nay khi mà tất cả những hình thức bù trừ đều bị cấm, là chuyển hóa đơn của mình sang ngoại tệ khách để thanh toán.

Ví dụ, một doanh nghiệp nhập một lô hàng trị giá một triệu đô la Mỹ, doanh nghiệp này sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu ở nước ngoài ghi trong hợp đồng là có thể thanh toán bằng một ngoại tệ khác đô la Mỹ như euro hay đô la Singapore… tại thời điểm thanh toán.

Vào ngày thanh toán, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bàn bạc với nhà xuất khẩu rằng hôm nay sẽ trả một triệu đô la Mỹ, nhưng do không có đô la Mỹ nên sẽ trả bằng euro. Nhà xuất khẩu ở nước ngoài sẽ dùng tỷ giá euro và đô la Mỹ để tính ra số tiền và báo lại cho nhà nhập khẩu Việt Nam, ví dụ là 700.000 euro. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ mua 700.000 euro ở ngân hàng để thanh toán cho đối tác.

Vì các loại ngoại tệ khác không bị neo tỷ giá như đô la Mỹ nên doanh nghiệp có thể mua với giá thích hợp mà tính ra thì tương đương với khoản tiền dùng để mua đô la Mỹ với giá cao hơn giá niêm yết hiện nay. Đây cũng là cách mà đa số các ngân hàng tư vấn cho doanh nghiệp của mình và những ai bán hàng cho Việt Nam cũng phải chấp nhận thanh toán bằng ngoại tệ khác.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho rằng thanh toán bằng ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ là phương án tương đối khả thi hiện nay cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay không hiểu rõ lắm về các ngoại tệ khác so với hiểu về đô la Mỹ. Sự biến động của các loại ngoại tệ khác nhanh hơn đô la Mỹ vì không bị neo tỷ giá, nên doanh nghiệp e ngại sử dụng phương thức này.

“Chỉ đến lúc không còn cách nào thì họ mới chấp nhận sử dụng ngoại tệ khác đô la Mỹ để thanh toán. Ví dụ như đồng yên của Nhật, hầu hết các doanh nghiệp thanh toán bằng đồng yên đa số đều bị lỗ do tỷ giá”, bà Tâm nói.

Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có hai cách để giải quyết vấn đề căng thẳng đồng đô la Mỹ hiện nay. Thứ nhất là nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ hoặc tăng tỷ giá liên ngân hàng để tỷ giá gần với giá thật sự đang được giao dịch.

Cách thứ hai là tăng lãi suất cơ bản tiền đồng. Cách này sẽ giúp lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam hấp dẫn hơn hẳn lãi suất đô la Mỹ, sẽ khuyến khích những người đang găm giữ đô la bán ra lấy tiền đồng để gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, cả hai cách đều có thể tạo ra nguy cơ lạm phát quay lại nên Ngân hàng Nhà nước đang rất cân nhắc và hiện tại cơ quan quản lý này vẫn chưa có động thái nào về chính sách ngoài việc đi kiểm tra việc mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng và điểm thu đổi ngoại tệ.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện đồng bộ bốn biện pháp để có thể giải quyết vấn đề căng thẳng ngoại tệ hiện nay.

Thứ nhất, tỷ giá cần phải linh hoạt hơn, tất nhiên là không để biến động quá lớn; thứ hai, Nhà nước cũng cần can thiệp bằng cách bán ngoại tệ nhưng không phải là bán một cách ồ ạt; thứ ba, phải giữ nghiêm kỷ luật thị trường như quản lý việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do; và cuối cùng là cách thức cam kết, giải trình với thị trường, làm sao để doanh nghiệp có thể yên tâm vể tỷ giá và tính toán trước được các chi phí cho hoạt động kinh doanh của mình.

"Có như vậy mới giải quyết được tình trạng khan hiếm giả tạo hiện nay vì cán cân thương mại của Việt nam hiện thâm hụt không quá lớn", ông Thành nói.

Theo phản ánh của các ngân hàng, hiện nay tiền gửi đô la Mỹ tại các ngân hàng khá dồi dào; phần lớn là do các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về rồi gửi tiết kiệm chứ không bán lại cho ngân hàng. Còn ngân hàng thì không thể lấy đô la Mỹ mà khách hàng gửi để đem đi bán cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Cũng có ý kiến cho rằng do các doanh nghiệp của Việt Nam đa số vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu nên khi có ngoại tệ các doanh nghiệp không muốn bán lại cho ngân hàng mà để đó chờ đến khi nhập nguyên liệu thì có đô la để thanh toán.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, hiện có khoảng 9 tỉ đô la Mỹ tiền gửi tại các ngân hàng trên địa bàn và một nửa trong số đó là của các khách hàng là tổ chức.

Thủy Triều

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Kết quả đấu thầu trái phiếu Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (22/07/2009)

>   64.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ: Cơ hội của nhiều ngành (22/07/2009)

>   Vòng xoáy lạm phát, cung tiền (22/07/2009)

>   Vàng vững giá trên 21 triệu đồng (22/07/2009)

>   Doanh nghiệp - ngân hàng: Loay hoay "xoay" ngoại tệ (22/07/2009)

>   “Kích cầu niềm tin” bằng chính sách bảo hiểm tiền gửi (22/07/2009)

>   Ngân hàng đang “hỗ trợ” cho thép ngoại (22/07/2009)

>   Lãi suất trái phiếu chính phủ đẩy lãi suất thị trường (22/07/2009)

>   Thưởng Tết trước 30/6/2009 sẽ không bị đánh thuế (22/07/2009)

>   Cách khai thuế khi có nhà cho thuê (22/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật