Vòng xoáy lạm phát, cung tiền
Cung tiền đã vượt tốc độ tăng GDP theo giá thực tế là điều mà các chuyên gia của Tổng cục Thống kê đang lo ngại.
Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng theo giá thực tế là 12,4%. Nhưng, cung tiền đã tăng tới 17% so với cùng kỳ năm 2008 và có thể sẽ khiến lạm phát vì thế mà bùng nổ trở lại dù thực tế chỉ số CPI 6 tháng đầu năm chỉ là 10,27% (chỉ số giá bình quân so cùng kỳ năm 2008).
Tuy nhiên, tốc độ tăng của cung tiền đã không phải là chuyện quá mới mẻ đối với nền kinh tế phải sống chung với lạm phát như Việt Nam. Thực tế thì giá trị của cung tiền (M2) đã vượt giá trị GDP thực tế kể từ sau năm 2001 và thậm chí vượt cả giá trị GDP danh nghĩa kể từ sau năm 2006.
Sau giai đoạn thiểu phát năm 2000-2001, lạm phát trung bình năm của Việt Nam luôn ở mức gần 8% trong những năm 2004- 2007 và bùng phát lên trên 20% vào năm 2008.
Lạm phát nổi bật vì cung tiền
Sự gia tăng của lạm phát có liên quan đến tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong những năm gần đây. Tăng trưởng cung tiền M2 luôn lần lượt duy trì ở mức khoảng 30% kể từ năm 2004, đặc biệt tăng vọt lên khoảng 50% vào năm 2007.
Cung tiền chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho lạm phát ở Việt Nam trở nên “vượt trội” so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như vào thời điểm tháng 6/2007, lượng tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi ngân hàng ở Việt Nam đã tăng tới 21,1% so với đầu năm như các con số tương ứng của Trung Quốc và Thái Lan lần lượt chỉ là 10% và 1,4%.
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2005 cho đến cuối tháng 6/2007, GDP của Việt Nam tăng 22%, nhưng mức cung tiền mặt cho lưu thông và tiền gửi ngân hàng đã tăng lên đến 110%. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc tăng 29%, nhưng mức cung tiền chỉ tăng 50%.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong việc điều hành cung tiền ở Việt Nam nhiều năm qua, các cơ quan chức năng luôn thể hiện sự chậm trễ, thiếu nhất quán. Ví như tại những tháng đầu năm 2008, khi lạm phát tăng liên tiếp và tăng mạnh thì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lại loay hoay giữa việc hút tiền về thông qua bán trái phiếu và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, với việc bơm tiền ra trước đòi hỏi đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng thương mại và mua vào ngoại tệ nhằm duy trì tỷ giá.
Những hành động này một mặt khiến cho các doanh nghiệp và các cá nhân trong nền kinh tế gặp khó khăn trong công tác dự báo và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, mặt khác đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao.
Năm 2009, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước có vẻ đã khoa học hơn nhờ việc tiếp thu được các bài học từ những năm trước. Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu giới hạn tăng tổng phương tiện thanh toán trong khoảng 25%, tín dụng tăng từ 25% đến 27%.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Cùng với việc phát triển nền kinh tế, chúng ta đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát ngày càng tăng trong 6 tháng cuối năm. Vì thế, những chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm cả chính sách tiền tệ sẽ phải được xem xét để giúp điều hành nền kinh tế một cách có hiệu quả. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt cung tiền. Ngay cả khi quyết định chuyển từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang nới lỏng thì Ngân hàng Nhà nước vẫn tuân theo nguyên tắc nới lỏng một cách thận trọng”.
Quan hệ kích cầu và lạm phát
Nhưng, thực tế cho thấy, dù cố gắng đến đâu thì để giữ cho cung tiền chỉ được tăng khoảng 10% trong 6 tháng cuối năm theo mục tiêu đề ra vẫn là một nhiệm vụ vô cùng gian nan.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) nhận xét: “Hiện Chính phủ đang phải đối đầu với những nhiệm vụ khó nhất từ trước tới nay khi vừa phải đề phòng nguy cơ tái lạm phát cao, vừa phải đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế; vừa phải gia tăng kích cầu, vừa phải chống lại nguy cơ gia tăng nợ xấu; vừa chịu áp lực tổng cầu giảm, lại phải chịu áp lực mở cửa thị trường trong nước... Chính sách nào áp dụng trong thời kỳ này cũng đều mang tính hai mặt nên việc giữ kinh tế vĩ mô ổn định quả thật không dễ dàng”.
Chỉ số lạm phát ở Việt Nam không ổn định và có xu hướng tăng dần trong vòng 10 năm qua. Trước năm 2000, tốc độ lạm phát giảm và thậm chí âm các năm liên tiếp 2000 và 2001 với mức tương ứng -1,6% và -0,4%. Tuy nhiên, sau năm 2002 lạm phát cao đã xuất hiện bằng sự đảo chiều và tăng nhanh tới 4,4% (từ -0,4% lên 4%) so với năm trước, bùng nổ năm 2007, đạt đỉnh điểm vào năm 2008.
Xuyên suốt quá trình này có thể dễ dàng nhận thấy lý do dẫn đến hiện tượng này là vì Việt Nam đã thực thi chính sách tiền tệ khá “hào phóng”.
Giai đoạn 2001-2007, trong khi GDP tăng tương ứng 7,5%/năm thì cung tiền được mở rộng đạt mức bình quân rất cao với mức 26,7% năm. Chính điều này là yếu tố gây nên mức lạm phát cao chưa kể độ trễ và lũy tích của việc tăng cung tiền đối với nền kinh tế trong các năm kế tiếp.
Đặc biệt vào năm 2006 là năm trước khi bùng nổ lạm phát, tốc độ mở rộng cung tiền đạt tới đỉnh điểm 33,6% và cùng với các yếu tố khác đã góp phần làm tăng lạm phát trong năm kế tiếp.
Kết quả là lạm phát dường như ngoài tầm kiểm soát trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 và gây nên những ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Trong suốt một thập kỷ qua, làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy của lạm phát- cung tiền luôn là một câu hỏi khó và nó hiện vẫn đang tiếp tục làm khổ những người điều hành chính sách tiền tệ.
Lê Châu
TBKTVN
|