Lãi suất trái phiếu chính phủ đẩy lãi suất thị trường
Nguyên nhân chính khiến việc phát hành trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến nay phần lớn đều thất bại bị cho là trần lãi suất đấu thầu thấp hơn lãi suất thị trường, nhưng thực ra, lãi suất trái phiếu chính phủ đang đẩy lãi suất thị trường.
Lạm phát kỳ vọng của NĐT cao hơn
Nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) được giao cho hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) năm 2009 là 126.000 tỉ đồng. Ước 6 tháng đầu năm, KBNN mới huy động được 12.500 tỉ đồng, bằng 10% kế hoạch năm. Đây có lẽ là một trong những chỉ tiêu đạt thấp nhất trong các chỉ tiêu kinh tế những tháng đầu năm 2009.
TPCP khó huy động cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát hành trái phiếu DN. Đã có rất nhiều phân tích về nguyên nhân vì sao giao dịch trái phiếu trầm lắng. Nguyên nhân chính được cho là trần lãi suất (LS) trái phiếu luôn thấp hơn LS thị trường.
Nhận định này là chưa chính xác. Hiện nay, LS huy động bình quân phổ biến đối với tiền gửi VND kỳ hạn 24 tháng của các NHTM nhà nước là 8%/năm, của các NHTM cổ phần từ 8,8%-9%/năm, LS kỳ hạn 36 tháng của khối NHTMCP là 9%/năm, cao nhất là mức 10,2%/năm của NHTMCP Phát triển nhà TPHCM (mới áp dụng từ trung tuần tháng 6.2009). Trong khi đó, trần LS đấu thầu TPCP từ 7%/năm đã được Bộ Tài chính nâng dần lên 9,3%-9,4%/năm (có thông tin là 9,0%-9,1%/năm).
Những số liệu này cho thấy chính LS TPCP đang vượt lên trên LS thị trường. Việc phát hành TPCP từ đầu năm đến nay phần lớn thất bại là do LS trái phiếu chưa đáp ứng được kỳ vọng của người mua (tức lạm phát kỳ vọng của người mua cao hơn).
Lãi suất NHTM đuổi theo lãi suất TPCP
Uy tín của NHTM không bằng uy tín của ngân sách quốc gia (vì đây cũng chính là uy tín của Chính phủ). Độ an toàn tiền gửi cũng không bằng, nên NHTM huy động vốn trong xã hội sẽ phải trả giá cao hơn ngân sách quốc gia vay (thông qua việc bán TPCP) thì mới huy động vốn được.
Nhưng hiện nay đang diễn ra một nghịch lý là Chính phủ phải vay cao hơn với mức LS huy động bình quân của hệ thống NHTM thì mới có thể vay được từ các NĐT. Mà một khi Chính phủ đã vay với LS cao thì làm sao mà người dân/hay các tổ chức có tiền nhàn rỗi gửi vốn vào NHTM với mức LS hiện hành thấp hơn LS TPCP?
Nếu các NHTM không có nguồn vốn huy động trung dài hạn, lấy đâu vốn đáp ứng cho chính sách kích cầu theo Quyết định 443/QĐ-TTg và 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính xu hướng mong muốn vay được tiền phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu kích thích kinh tế mà Chính phủ muốn bán trái phiếu với lãi suất cao sẽ làm cho hệ thống NHTM phải đẩy LS lên cao hơn nữa, nếu không tiền gửi của NHTM sẽ bị hao hụt vì chảy vào TPCP, như thế làm sao mà hạ nhiệt được cuộc đua LS đang có phần căng thẳng?
LS huy động vốn còn tăng
Trước khả năng cân đối ngân sách năm 2009 rất khó khăn, thâm hụt lớn vì nhiều nguồn thu bị giảm sút, thì cầu về vốn của ngân sách cộng với của NHTM (để cho vay lại) là rất lớn lại xảy ra trong thời gian ngắn và để đạt được mục đích, thì việc tăng LS là không thể tránh khỏi.
Theo nhận định của một số chuyên gia thì khi áp lực về nguồn vốn tăng lên, rất có thể Bộ Tài chính sẽ phải nâng thêm LS trần đề đảm bảo các phiên đấu thầu TPCP thành công. Một tác động dây chuyền là để huy động được vốn (cạnh tranh với kênh TPCP) thì các NHTM cũng sẽ phải tăng LS huy động.
Thực tế sau vài tuần ổn định, những ngày này lại có thông tin các NHTM (STB, ACB, Phương Nam, Eximbank...) tiếp tục tăng thêm LS huy động VND và USD các kỳ hạn dưới 12 tháng. LS đầu vào tăng cao, NHTM phải tăng LS cho vay, nhất là LS cho vay tiêu dùng. Các NHTM sẽ phải tăng tín dụng (nếu không tăng để đọng vốn, giảm lợi nhuận). Vấn đề ở đây là nếu cho vay sản xuất - kinh doanh thông thường đang bị mức trần 10,5% khống chế. Do vậy, khả năng dưới áp lực của đầu vào, áp lực của lạm phát gia tăng do chi tiêu đầu tư của Chính phủ tăng mạnh cuối năm sẽ buộc NHNN phải nâng LSCB.
Một câu hỏi nữa liên quan đến TPCP cũng đang được đặt ra, đó là: Vì sao các NĐT ngoại trên TTCK đang bán ròng TPCP và mua ròng CP? Có phải họ dự đoán TTCK sẽ có một con sóng khá lớn nữa, khi đó họ bán ra CP và mua lại TPCP để đảm bảo sự an toàn trong thời điểm Chính phủ buộc phải bán trái phiếu với LS cao hơn hiện nay. Nếu đúng như vậy thì chính sách của Chính phủ và NHNN sẽ làm gì trong bối cảnh này?
Thanh Hoa - Trường Giang
Lao Động
|