Đầu tư công nghệ để nâng cao tính bảo mật
Ngân hàng nào nhanh chóng nắm bắt và làm chủ CNTT thì chắc chắn đơn vị đó chiếm lĩnh được thị trường, đứng vững trong cạnh tranh.
Đối với ngành ngân hàng, khi thông tin qua hệ thống chính là “luồng tiền” thì có thể nói, vấn đề bảo mật thông tin mang tính sống còn của một ngân hàng. Đặc biệt, việc phát triển Internet cũng như các dịch vụ ngân hàng điện tử thì nguy cơ về bảo mật trong ngành sẽ gia tăng.
Xác định bảo mật luôn có khả năng xung đột với mong muốn thực hiện các công cụ một cách đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng nên tại Vietinbank, ngay từ đầu Ngân hàng đã yêu cầu tính khả thi là bắt buộc của mọi giải pháp, chính sách. Theo đó, tính khả thi được Vietinbank xem xét dựa trên những tiêu chí như: phức tạp ở mức chấp nhận được; có cơ chế giám sát cũng như cảnh báo rõ ràng… Đồng thời, quy trình, giải pháp bảo mật phải thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với hoạt động kinh doanh và được xem như khoản đầu tư. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietinbank, cần triển khai, vận hành, giám sát tốt.
Còn theo bà Nguyễn Lê Diệu Thơ, Phó tổng giám đốc SCB, việc đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) luôn được Ngân hàng chú trọng trong những năm qua. Năm 2009, kinh phí đầu tư CNTT của SCB dự kiến chiếm khoảng 10% tổng lợi nhuận và trước mắt, SCB chi khoảng 50 tỷ đồng cho việc đầu tư CNTT. Mới đây, SCB đã công bố việc ứng dụng công nghệ hiện đại của IBM. Theo bà Thơ, việc áp dụng thành công hệ thống Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dữ liệu dự phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế năm 2008 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa CNTT của SCB. Đây cũng là một trong những trung tâm dữ liệu hiện đại nhất Việt Nam do chính IBM thiết kế và xây dựng.
Dự kiến vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2009, hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) T24 của SCB được vận hành, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, rút ngắn thời gian giao dịch để phục vụ khách hàng tốt hơn. Một thành công khác của SCB trong hiện đại hóa công nghệ ngân hàng là triển khai dịch vụ phát hành thẻ online, dịch vụ eBanking - những dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ của khách hàng một cách nhanh nhất, nhưng đảm bảo an toàn và nâng cao tính bảo mật.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động ngân hàng được xem là chìa khóa để phát triển nhanh và bền vững hơn. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình đổi mới công nghệ, hiện đại hóa ngân hàng cũng góp phần kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Do đó, vị lãnh đạo trên cho rằng, trong tiến trình thị trường tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực cũng như quá trình cạnh tranh sẽ ngày một gay gắt hơn thì ngân hàng nào nhanh chóng nắm bắt và làm chủ CNTT thì chắc chắn đơn vị đó chiếm lĩnh được thị trường, đứng vững trong cạnh tranh.
Trên thực tế, trong những năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã tích cực đầu tư phát triển CNTT, mở rộng và từng bước hiện đại hóa mạng thông tin quốc gia cũng như kết nối Internet toàn cầu. Với tính năng, đặc thù hoạt động ngành gắn bó chặt chẽ với CNTT, các ngân hàng đã xem việc ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu đối với sự phát triển.
Song theo ông Đào Minh Tú, Chánh văn phòng NHNN, hoạt động của ngành ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau như: rủi ro về quy trình nghiệp vụ, tín dụng, lãi suất, ngoại hối... Do đó, để tăng cường tính bảo mật đối với hệ thống mạng thông tin, cơ dữ liệu và thực hiện chiến lược phát triển ngành đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, NHNH triển khai dự án “hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán”. Đây là dự án được Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đánh giá cao.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|