Thứ Ba, 21/07/2009 09:44

Siết ngân hàng ngoại?

Các ngân hàng ngoại hiện như “đang ngồi trên đống lửa” nếu hoạt động tín dụng của họ bị siết lại trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu của mình tại cuộc tọa đàm tuần trước về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng, đại diện Nhóm Công tác Ngân hàng bao gồm các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam mang theo một tâm trạng bất an.

Sau nhiều nỗ lực thuyết phục cơ quan chức năng của các ngân hàng nước ngoài, điều 128, khoản 1 của bản dự thảo lần thứ tư Luật các tổ chức tín dụng vẫn nêu rõ “tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng”. Từ xưa tới nay, con số 15% trên vẫn tính theo vốn tự có của ngân hàng nước ngoài tại chính quốc, một con số lớn hơn rất, rất nhiều lần.

Vị đại diện này cho biết cả ba lần dự thảo trước, Nhóm Công tác đều có ý kiến mà vẫn chưa có tác dụng. “Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang rất lo ngại. Nếu điều này được đưa vào luật thì chẳng khác nào ‘siết cổ’ các ngân hàng ngoại”.

Chỉ là lỗi đánh máy?

Mới đây, trong một cuộc nói chuyện khá cởi mở, tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại nhà nước (xin không nêu tên) có đề cập tới vấn đề các ngân hàng ngoại đang mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Câu chuyện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vốn là khách hàng truyền thống của một ngân hàng trong nước đã bất ngờ quay lưng lại với ngân hàng này để trở thành khách hàng của một ngân hàng nước ngoài chào giá vay vốn rẻ hơn mà ông kể chỉ là một ví dụ trên thị trường mà thôi. Đương nhiên, cũng giống như nhiều ông chủ ngân hàng nội địa khác, ông có lý do để mà lo ngại rằng, các ngân hàng nước ngoài rồi sẽ lớn mạnh thêm và dần dà xâm lấn vào “miếng bánh thị trường” bấy lâu nay thuộc về các ngân hàng trong nước.

Quay trở lại cuộc hội thảo, khi nghe một loạt ý kiến của đại diện các ngân hàng nước ngoài chủ yếu xoay quanh điều 128, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo tỏ ra khá thông cảm và chia sẻ: “Lạy Trời, lạy Phật là họ (Ban soạn thảo - PV) đánh máy sai. Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị giúp các ngân hàng nước ngoài”.

Dẫn câu chuyện về cạnh tranh giữa các ngân hàng nội - ngoại trên đây để độc giả có thể hiểu được tại sao vị đại diện của Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc đã phản bác lại ý kiến của bà Hương. “Về điều 128, tôi không cho rằng họ đánh máy sai đâu”.

Nhắc lại một chút về ba lần dự thảo luật trước, đại diện của Nhóm Công tác Ngân hàng đều có ý kiến đóng góp về điều 128. Lần gần đây nhất là tại hội nghị giữa kỳ của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ tại Buôn Mê Thuột. Ba lần dự thảo, ba lần góp ý thì rất khó có thể coi đây là một lỗi đánh máy.

Hay sự kéo dài bảo hộ?

Hãy thử tưởng tượng nếu điều 128 được giữ nguyên trong văn bản luật cuối cùng thì sẽ như thế nào? Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với số vốn đăng ký là 15 triệu đô la Mỹ sẽ được cho vay một khách hàng không quá 2,25 triệu USD (khoảng 40 tỷ đồng) - một con số rất nhỏ bé.

Đại diện của Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc cho biết rằng, hiện ngân hàng này có hai chi nhánh ở Việt Nam, nghĩa là được phép cho vay một khách hàng tối đa 4,5 triệu đô la. Ông này trần tình: “Nhưng 60% khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam là những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đang vay nhiều hơn con số 4,5 triệu đô la” và “hiện nay một doanh nghiệp của Hàn Quốc đang thực hiện một phần dự án xây dựng và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có nhu cầu vay vốn lên tới 20 triệu đô la. Nếu điều 128 được đưa vào luật thì dù tất cả các chi nhánh ngân hàng của Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tài trợ cũng không đủ cho con số này”.

Là một chuyên gia ngân hàng lâu năm, đã từng giữ chức vụ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi nghe tới chi tiết này, bà Hương đã khá trầm tư. Nhưng không ai có thể biết được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng của bà có đủ sức nặng để có thể thay đổi được điều 128 hay không.

Như vậy, điều 128 (nếu được thông qua) sẽ khiến các chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt buộc phải giảm mức cho vay bằng cách thu hồi nợ trước hạn hoặc chuyển khoản cho vay hiện có sang các chi nhánh tại quốc gia khác hoặc tăng thêm mức vốn tự có.

Trong bản kiến nghị, Nhóm Công tác Ngân hàng không ngần ngại chỉ ra rằng, nếu điều 128 được duy trì thì “nó dường như là một phần của việc bảo hộ, bao cấp ưu đãi cho các tổ chức tín dụng trong nước, không thể tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh”.

Bước lùi

Ngay từ khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam và đặc biệt từ năm 2008 với việc cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về một sự “bành trướng” của các ngân hàng ngoại.

Như ví dụ trên đây có thể thấy, dù doanh nghiệp có là khách hàng truyền thống của ngân hàng nội địa thì cũng khó mà từ chối trong trường hợp các ngân hàng ngoại chào các mức giá dịch vụ tốt hơn. Đó là bài toán kinh tế mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tính.

Cách đây bốn năm, một chuyên gia ngân hàng đã từng dự báo rằng, tới 2015 các ngân hàng nước ngoài sẽ chiếm một nửa thị phần ngân hàng tại Việt Nam. Rất có thể điều này sẽ xảy ra nếu các ngân hàng nước ngoài được cạnh tranh một cách sòng phẳng với các ngân hàng trong nước. Các ngân hàng nội đã và đang lo lắng cho tương lai của mình. Đã có rất nhiều bài học về sự bất lợi của những nền kinh tế mà các ngân hàng ngoại quốc chi phối thị trường ngân hàng. Tuy nhiên, việc duy trì điều 128 để bảo vệ các ngân hàng trong nước xét cho cùng là chưa hợp lý.

Chừng nào đầu tư trực tiếp nước ngoài còn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam thì không nên hành xử với các ngân hàng nước ngoài như vậy. Bởi tất cả các tập đoàn kinh tế nước ngoài đều phải trông cậy vào ngân hàng tới từ quốc gia của họ hoặc các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam mà họ quen giao dịch từ bên ngoài.

Nhìn sang Trung Quốc, cơ quan quản lý ngành ngân hàng chỉ “gõ cửa” chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi nào tổng dư nợ lớn hơn 3 lần tổng tiền gửi. Những hàng rào kỹ thuật như thế này hợp lý hơn nhiều.

Trong năm 2008, không ai đoán được rằng NHNN sẽ cấp phép cho nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đến thế (5 ngân hàng). Một minh chứng cho việc tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, vì một lo ngại nào đó mà siết chặt các ngân hàng ngoại theo kiểu “điều 128” thì sẽ là một bước lùi so với tinh thần mà cơ quan quản lý đã thực hiện một năm trước đây.

Vũ Giang

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Vay ngân hàng mua căn hộ: Không hẳn như quảng cáo (21/07/2009)

>   Lại khan hiếm “đô” (21/07/2009)

>   Thắt chặt tín dụng để giảm lạm phát (20/07/2009)

>   Lập chỉ số đo sức mạnh của VND (20/07/2009)

>   Tín dụng ngân hàng “bơm” bong bóng bất động sản? (20/07/2009)

>   Tỉ giá 6 tháng cuối năm sẽ ra sao? (20/07/2009)

>   Trái phiếu: Bất định và kỳ vọng (20/07/2009)

>   Hạn chế tăng trưởng tín dụng: Khó "thắt" đột ngột (20/07/2009)

>   Đa dạng hóa đồng tiền thanh toán: “Ngoại tệ đâu chỉ là USD!” (20/07/2009)

>   Banknetvn kết nối với China UnionPay (20/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật