Lại khan hiếm “đô”
Trong khi nhiều doanh nghiệp kêu trời vì không mua được ngoại tệ, ngân hàng cũng không có ngoại tệ bán cho doanh nghiệp thì một bộ phận các doanh nghiệp khác lại có tâm lý găm giữ, không chịu bán USD cho ngân hàng.
Khan hiếm
Nhu cầu ngoại tệ đối với các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Thế nhưng họ không thể mua USD tại các ngân hàng. Thậm chí tại thị trường chợ đen, tình hình cũng rất khan hiếm. Do đó, để có ngoại tệ giao dịch, doanh nghiệp đành phải chấp nhận mua với giá cao ngất ngưởng.
Ông Thạch Lễ Trung, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Thạnh Vĩnh Hưng, chuyên kinh doanh máy móc thiết bị cho ngành dây cáp điện, than: “Chúng tôi không biết phải đào đâu ra ngoại tệ, nếu mua được cũng với giá trên trời. Bí quá có khi chúng tôi phải tìm đến thị trường chợ đen. Nhưng nhiều lúc ra thị trường chợ đen cũng không có mà mua”.
Theo bà Thân Thị Thu Thủy, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, tỷ giá liên ngân hàng trong những năm qua có biên độ dao động khá lớn. Tháng 12-2007, biên độ tỷ giá được nới rộng từ ± 0,5% lên ± 0,75%, tháng 3-2008 là ± 0,75% đến ± 1%, tháng 11-2008 là ± 1% đến ± 3% và tháng 3-2009 thì được điều chỉnh từ ± 3% đến ± 5%. “Tỷ giá này đã được điều chỉnh quá rộng, phần cộng trừ giữa giá mua và bán quá xa nhau. Như vậy, doanh nghiệp tội gì phải bán ngoại tệ cho các ngân hàng. Thay vào đó, họ sẽ đem ra thị trường chợ đen để kiếm lời tốt hơn. Do đó, hiện nay các ngân hàng bị chết cứng, không mua bán ngoại tệ gì được” - bà Thủy nhận định.
Trên thực tế, trong thời gian qua, tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng mạnh. Nhiều nhà xuất khẩu đã đem USD ra bán khiến nguồn ngoại tệ tại các ngân hàng cạn dần.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng hiện nay các nhà xuất khẩu đang cân nhắc rất kỹ vấn đề bán ngoại tệ. Do đó, nguồn ngoại tệ thu về được các doanh nghiệp này tiếp tục giữ để chờ tỷ giá tăng.
Nên chọn các loại tiền khác
Việc dùng đồng đôla Mỹ để mua hàng hóa, thanh toán quốc tế... khiến cho nhu cầu về ngoại tệ ngày càng tăng. Từ đó, đồng USD đã thống trị thị trường tiền tệ trong giao dịch. Thậm chí, quy trình giao dịch quốc tế khi cho doanh nghiệp Việt Nam mua hàng hóa của một số nước như Nhật, Trung Quốc, Singapore... đều phải sử dụng đồng đôla Mỹ.
Mỗi lần chuyển đổi như vậy phải thông qua nhiều ngân hàng trong và ngoài nước, tốn nhiều chi phí giao dịch. Nếu doanh nghiệp Việt Nam sử dụng trực tiếp ngoại tệ của đối tác mà không cần thông qua đồng USD thì sẽ tiện ích hơn rất nhiều. Điều quan trọng hơn là sẽ không bị lệ thuộc quá mức vào USD như hiện nay.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào đồng USD và không để USD chiếm lĩnh thị trường. Ngoài USD, doanh nghiệp vẫn có thể chuyển sang giao dịch bằng các đồng ngoại tệ khác như euro, đôla Úc, đôla Canada, nhân dân tệ, yen... Đây cũng là hướng mới tháo gỡ khó khăn về ngoại tệ cho doanh nghiệp.
Cần đa dạng hóa tiền tệ
Hiện nay, một số nước như Trung Quốc, khối Ả Rập cũng có xu hướng chuyển sang sử dụng các đồng ngoại tệ khác chứ không nhất thiết phải dùng USD. Vừa qua, Trung Quốc đã cho phép một số nhà xuất nhập khẩu dùng đồng nhân dân tệ trong thanh toán các hợp đồng ngoại thương đối với các công ty ở Hong Kong, Ma Cau và các nước ASEAN. Như vậy, Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm cơ hội bằng đồng ngoại tệ khác để khắc phục tình trạng khan hiếm USD như hiện nay.
Như Thủy
Pháp luật
|