Tìm lời giải cho bài toán nợ xấu
Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2009 vẫn có mức tăng trưởng cao, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng lo ngại trước những kết quả, lợi nhuận mà các ngân hàng đạt được trong những tháng qua sẽ đi kèm với sự gia tăng của nợ xấu.
Ý kiến trái chiều về nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước cho biết: đến hết ngày 30/6/2009, hoạt động huy động vốn trên toàn hệ thống tăng 16,2%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17%; dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các tổ chức tín dụng tăng 28,31% so với cuối năm 2008. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,52% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tăng 0,35% so với mức 2,17% vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Quản lý nợ xấu tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các chiến lược tối đa hoá lợi nhuận cho các ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tổ chức lại cho thấy: tỷ lệ nợ khó đòi hiện nay của Việt Nam khoảng 5% tổng dư nợ tín dụng. Mặc dù tín dụng tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm (17%) nhưng xuất khẩu lại giảm. Nhiều doanh nghiệp khó khăn về thị trường vì vậy cũng gặp khó khăn trong thanh toán nợ ngân hàng.
Theo các chuyên gia, khái niệm nợ xấu của Việt Nam tuy áp dụng các chuẩn mực quốc tế nhưng cách phân loại nợ lại hoàn toàn khác. Việc phân loại nợ chủ yếu dựa vào thời hạn trả nợ, thiếu các sự đánh giá kết hợp nên không phản ánh đúng thực chất khoản nợ. Đánh giá của một công ty kiểm toán quốc tế cho rằng: nếu các ngân hàng thực hiện phân loại khách hàng và nợ theo cách trên, thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng thêm 2 – 3 lần.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của ngân hàng, kể cả ngân hàng quy mô nhỏ đã được cải thiện đáng kể. Nhiều ngân hàng đã thành công trong việc cơ cấu lại các khoản nợ xấu, xuống dưới mục tiêu cho phép của cơ quan quản lý. Nhận định của bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký VNBA cho rằng: bên cạnh yếu tố khách quan do suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ lệ nợ xấu cao cũng do trình độ thẩm định hạn chế của nhân viên ngân hàng. Mặc dù vậy, theo bà Hương, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam không cao như thế mà chỉ ở mức 2,6% và vẫn nằm trong tỷ lệ an toàn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Quan trọng là cách xử lý
Kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc xuất hiện nợ xấu là không tránh khỏi, điều cần nhất là sự nhìn nhận, đánh giá và xử lý nợ xấu sao cho hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, nợ xấu tăng là tất yếu. Vấn đề là phải giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức có thể chấp nhận được, đồng thời chuẩn bị những biện pháp làm sạch nợ xấu khi nền kinh tế hồi phục trở lại.
Thực tế, việc hạn chế nợ xấu không chỉ từ khâu thẩm định dự án mà còn ở việc theo dõi đồng tiền cho vay từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần lưu ý để hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ nợ xấu là phải biết được những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các doanh nghiệp như: Dự án lớn, khách hàng quá tham vọng, tiến hành một dự án mà họ không thể quản lý được, thường là bất động sản và sản xuất. Nhiều công ty tham gia những ngành nghề mà họ không có kinh nghiệm; cấu trúc sở hữu phức tạp, người điều hành công việc kinh doanh không rõ ràng, nguồn vốn không được sử dụng đúng mục đích...
Ông Philip Peterson, Giám đốc bộ phận khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính - Ngân hàng ANZ chia sẻ: trong những rủi ro có cả những cơ hội gia tăng lợi nhuận. Để giảm thiểu tối đa những rủi ro và hiện thực hóa lợi nhuận thì hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng phải luôn sẵn sàng. Khi có những biểu hiện của nợ xấu, các ngân hàng không nên xử lý đơn lẻ mà nên tập trung lại để giải quyết sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, giải pháp cộng đồng các ngân hàng cùng giải quyết nợ xấu đã được các ngân hàng trong nước biết tới. Tuy nhiên, các ngân hàng chưa làm được điều này, hiện các ngân hàng có thể hợp tác cho vay nhưng hợp tác trong vấn đề giải quyết nợ xấu thì chưa có. Hiệp hội Ngân hàng có thể đứng ra làm trung gian để phối hợp giữa các ngân hàng trong thời gian tới.
Duy Minh
Công Thương
|