Ngân hàng đang “hỗ trợ” cho thép ngoại
Nếu việc hỗ trợ ngoại tệ lại ưu tiên cho nhập khẩu thép thành phẩm thì không khác nào ngân hàng đang hỗ trợ cho thép ngoại, là “khuyến khích” nhập siêu.
Tổng công ty Thép Việt Nam vừa gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương phản ứng về danh mục hàng hoá nhập khẩu ưu tiên hỗ trợ ngoại tệ.
Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, công văn số 993 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chỉ nêu hỗ trợ ngoại tệ cho nhập khẩu thép thành phẩm, không qui định rõ chủng loại cụ thể. Điều này chắc chắn sẽ gây hiểu lầm cho DN và ảnh hưởng đến sản xuất thép trong nước.
Thép thành phẩm gồm nhiều chủng loại. Trong đó, có những loại Việt Nam đã sản xuất được và đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nội địa như thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kẽm, sơn phủ mầu…
Những sản phẩm chưa sản xuất được và phải nhập khẩu 100% là thép tấm, thép lá cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo…
Vì vậy, phía ngân hàng cần tách rõ những chủng loại thép trong nhóm thành phẩm để xác định đúng đối tượng cần ưu tiên và cần hạn chế. Nguyên tắc cơ bản là chỉ nên ưu tiên hỗ trợ ngoại tệ cho những chủng loại thép chưa sản xuất được.
Ngoài ra, Tổng công ty Thép Việt Nam cũng kiến nghị, không chỉ thép phế là đầu vào cho công nghệ lò điện, ngành thép cần được ưu tiên ngoại tệ cho nhập khẩu than mỡ và than coke, là nguyên liệu chính sử dụng trong công nghệ lò cao.
Những năm gần đây, với chính sách mở rộng đầu tư sản xuất phôi thép, nhiều dự án thép theo công nghệ lò cao, luyện phôi từ quặng sắt đã ra đời và đi vào hoạt động. Do đó, nhu cầu sử dụng than mỡ, than coke nhập khẩu ngày càng tăng.
Trên thực tế, trước đây, ngành thép cũng “vấp” phải những qui định chính sách ban hành không gắn với thực tế của ngành.
Hồi tháng 7 - 8/2008, đề phòng thiếu phôi trong nước, Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương đề nghị lập hàng rào hạn chế tái xuất phôi bằng chế độ xuất khẩu tự động.
Tuy nhiên, văn bản do Vụ Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, soạn thảo lại quy định chế độ này áp dụng chung cho cả loại thép đang khuyến khích xuất khẩu khiến doanh nghiệp bị tổn thất lớn vì ách tắc hàng hoá.
Phải sau khi có kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam, chính sách này đã phải điều chỉnh cho đúng đối tượng.
Phạm Huyền
VIETNAMNET
|