64.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ: Cơ hội của nhiều ngành
Bộ KH-ĐT vừa hoàn thành phương án phân bổ 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) dự kiến phát hành bổ sung cho năm nay. Số vốn này được bố trí cho các dự án thuộc 4 lĩnh vực, trong đó, giao thông được phân bổ 8.300 tỷ, giáo dục 5.500 tỷ, thủy lợi 4.200 tỷ và y tế là 2.000 tỷ đồng. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, 4.000 tỷ dành cho các dự án ký túc xá sinh viên, 1.500 tỷ đồng cho kiên cố hoá trường lớp học phổ thông. Như vậy cùng với việc đẩy mạnh chi tiêu Chính phủ, nhiều ngành kinh tế sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc.
Theo kế hoạch ban đầu, vốn TPCP giao cho các bộ, ngành, địa phương trong năm nay là 36.000 tỷ đồng. Như vậy, cùng với 7.700 tỷ đồng vốn TPCP chuyển sang từ năm 2008, năm nay, tổng nguồn vốn dự kiến phát hành lên gần 64.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với 2008.
Phát hành TPCP được kỳ vọng là một nguồn huy động vốn để thực hiện chính sách kích cầu đầu tư. Để đảm bảo phát hành thành công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trong cuộc gặp với báo chí gần đây đã khẳng định sẽ phải tính toán lãi suất hình thành trên thị trường để xác định lãi suất TPCP. Cũng theo ông Ninh, xu hướng của Chính phủ hiện nay là mong muốn lãi suất vừa phải, nhất là trong bối cảnh cần phải kích cầu thì lãi suất phải hạ, cần thấp hơn. Tuy nhiên một số lần phát hành TPCP gần đây đã không thu được kết quả như mong đợi do lãi suất chưa hấp dẫn. Trong trường hợp đẩy lãi suất lên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cảnh báo có thể tái lạm phát do nới lỏng tiền tệ.
Tính từ đầu năm 2009, chỉ khoảng 7.500 tỷ đồng TPCP tìm được người mua, trong khi lượng đưa ra phát hành lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Trần lãi suất đấu thầu từ 7%/năm đã được nâng lên 9,0 - 9,1%/năm tùy kỳ hạn, nhưng vẫn luôn thấp hơn lãi suất bỏ thầu từ 0,5 - 1%/năm.
Đối với ngành xây dựng và giao thông, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều năm qua gần như không có một công trình xây dựng, giao thông lớn nào được hoàn thành đúng tiến độ. Để giảm bớt khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thúc đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo giải ngân đúng tiến độ các dự án sử dụng nguồn ngân sách từ TPCP, việc soạn thảo Nghị định về giải phóng mặt bằng đang được gấp rút triển khai. Nghị định về đền bù giải phóng mặt bằng chuẩn bị được ban hành này theo dự kiến sẽ cắt từ 11 bước hiện nay xuống còn 8 bước. Như vậy tốc độ triển khai giải phóng mặt bằng các dự án sẽ nhanh hơn trước khá nhiều.
Thực tế giải ngân TPCP trong năm 2007 và 2008 cho thấy, tổng số vốn huy động trên thị trường trái phiếu ước tính khoảng 90.000 tỷ đồng, tuy chỉ giải ngân khoảng 50%. Từ đầu năm tới hết tháng 5/2009, cả nước cũng chỉ giải ngân được 5.390 tỷ đồng trong 5 tháng qua. Kết quả này chỉ đạt 15% kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu năm 2009. Một phần lớn nguyên nhân được xác định đối với các dự án giao thông, xây dựng vẫn là khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Những vướng mắc này không những làm chậm tiến độ các dự án mà còn khiến hiệu quả đầu tư nhiều dự án bị ảnh hưởng do thời gian thực hiện kéo dài.
Các chương trình kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng mạnh mẽ và giúp nhiều ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng rất khả quan trong nửa đầu năm 2009. Nhiều DN đã đạt và vượt gấp nhiều lần kế hoạch năm 2009. Với việc đẩy mạnh đầu tư từ Chính phủ, nhiều ngành kinh tế sẽ tìm được cơ hội mới cho việc tăng tốc trong nửa cuối 2009. Các ngành tiềm năng được xác định là xây dựng, giao thông, các ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, thép, vật liệu điện...
Dự kiến 20.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ chuẩn bị phát hành được phân bổ như sau: Bộ GTVT: 1.650 tỷ; Bộ NN-PTNT: 300 tỷ; Bộ Quốc phòng: 500 tỷ. Các dự án y tế: 2.000 tỷ; giao thông do địa phương quản lý: 6.150 tỷ; thuỷ lợi do địa phương quản lý: 3.900 tỷ. Các dự án ký túc xá: 4.000 tỷ cho các dự án ở Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Các dự án kiên cố hoá trường học: 1.500 tỷ.
Minh Giác
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|