Mạnh tay cứu đất lúa
Trước thực trạng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước đang thu hẹp với tốc độ phi mã, bởi những khu đô thị, khu công nghiệp... đang giành giật đất lúa đua nhau mọc lên hoành tráng, bản dự thảo nghị định về quản lý đất lúa nước vừa được Bộ NNPTNT công bố, trong đó giá đền bù đất lúa phải cao gấp đôi đất thổ cư được xem như là một biện pháp mạnh tay để cứu đất lúa.
Có mạnh tay thật?
Điều khoản quy định việc đền bù đất trồng lúa nêu rõ: Đối với vùng đất trồng lúa thích hợp, có hạ tầng thuận lợi, tiền bồi thường khi thu hồi phải cao gấp đôi giá đất thổ cư ở cùng thời điểm. Còn ở vùng đất trồng lúa hạ tầng kém thì tiền thu hồi đất phải cao gấp 3 - 4 lần giá đền bù của đất nông nghiệp khác.
Ngoài ra, khi thu hồi đất lúa, nhà đầu tư còn phải bồi thường toàn bộ tiền đầu tư hạ tầng trên đất đó như công trình thuỷ lợi, điện lưới... Lý giải cho điều này, Cục trưởng Cục Trồng trọt - ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết: "Đất nông nghiệp đang bị sử dụng chuyển đổi mục đích một cách tuỳ tiện, thiếu quy hoạch và kiểm soát tổng thể. Nghị định này ra đời nhằm mục đích hướng các nhà đầu tư đến những vùng đất khác đất lúa, để chúng ta có thể giữ một quỹ đất trồng lúa ổn định, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu".
Theo tính toán của Cục Trồng trọt, mặc dù quỹ đất nông nghiệp vẫn còn đủ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, song với tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số như hiện nay thì vào năm 2020 chắc chắn không có lúa gạo để xuất khẩu. Hiện tổng diện tích đất lúa toàn quốc là 4,1 triệu hécta. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, diện tích đất lúa bị suy giảm nghiêm trọng.
Có nhiều thắc mắc được đặt ra xung quanh dự thảo này, trong đó đau đầu nhất là vấn đề quy hoạch cụ thể vùng đất lúa tại mỗi địa phương, khi mà thực tế là đất sử dụng với mục đích công nghiệp rõ ràng hấp dẫn địa phương hơn là đất lúa.
Ông Ngọc lý giải: "Ngành nông nghiệp sẽ phải tính toán kỹ về quy hoạch những vùng "đất vàng" lúa nước cho mỗi địa phương. Theo đó, địa phương nào chuyên canh lúa nước sẽ được tăng đầu tư ngân sách T.Ư để đảm bảo nguồn chi cho phát triển kinh tế xã hội. Mức hỗ trợ ngân sách ổn định tương ứng với diện tích đất chuyên lúa được quy hoạch".
Một vấn đề nữa được đặt ra, đâu là cơ sở để lấy mốc đền bù giá đất lúa cao gấp đôi đất thổ cư, và trong trường hợp nếu nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền để đền bù theo giá đó, liệu ngành nông nghiệp có giữ được đất lúa? Về điều này, ông Ngọc chỉ cho biết một cách chung chung rằng, điều khoản quy định này không cố tình "chơi khó" nhà đầu tư, mà để hạn chế sự "nhòm ngó" của họ vào các khu đất trồng lúa, hướng sang các loại đất khác có tỉ trọng đầu tư thấp hơn.
"Chắc chắn sẽ có không ít nhà đầu tư nản lòng khi phải trả giá đền bù cao gấp nhiều lần so với giá trước đây, họ sẽ phải tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn khi lựa chọn vùng đất cần đầu tư" - ông Ngọc khẳng định.
Nhà đầu tư bất động sản kêu... trời!
Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị và xây dựng công nghiệp, khi được hỏi ý kiến về việc giá đền bù đất trồng lúa nước cao gấp đôi giá đất thổ cư, đều có phản ứng rất gay gắt; bởi việc thực hiện điều khoản này sẽ làm cho giá bất động sản đội lên tới mức kinh hoàng.
Cụ thể, theo Quyết định số 62-2008/QĐ-UBND - ngày 31.12.2008 của UBND TP.Hà Nội quy định về giá đất năm 2009 tại Hà Nội cùng với Quyết định số 18-2008/QĐ-UBND - ngày 29.9.2008 của UBND TP.Hà Nội ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn TP.Hà Nội, giá đất lúa ở địa bàn xã Tiến Xuân - giáp ranh tỉnh Hoà Bình - khi thu hồi có mức giá đền bù là 105.000đ/m2. Còn đất thổ cư tại vùng này được quy định đền bù với mức 1.500.000đ/m2. Nếu áp dụng quy định đền bù đất lúa theo quy định của Bộ NNPTNT, giá đất đền bù đất lúa sẽ tăng lên đến 25,57 lần.
Mặt khác, theo quy định của Luật Xây dựng, tỉ lệ đất ở trong khu đô thị mới chỉ được phép sử dụng 30% diện tích của cả dự án, phần còn lại sẽ được sử dụng làm hạ tầng: Đường sá, trường học, vườn cây, hồ nước...; điều này sẽ làm cho giá thành đất ở tăng thêm hơn 3 lần. Với giá đền bù tăng, đất ở của khu đô thị chỉ được sử dụng theo quy định, giá bất động sản sẽ tăng lên tới mức kinh khủng.
Và tất cả những điều đó sẽ là gánh nặng... trút tất cả lên người có nhu cầu nhà ở và các doanh nghiệp thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Điều này sẽ làm cho giá các khu đô thị, sản phẩm sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng đột biến - sẽ trở thành điều bất lợi cho các ngành sản xuất công nghiệp nội địa cũng như gia công hàng xuất khẩu, do bị giảm lợi thế cạnh tranh bởi giá thuê mặt bằng nhà xưởng sản xuất tăng cao.
Hơn nữa, nếu vấn đề này trở thành hiện thực, đây sẽ là ngòi nổ kích thích làn sóng bất động sản tăng giá ồ ạt, điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp đầu tư các khu đô thị mới càng trở nên khó khăn do nhu cầu giảm vì giá thành tăng vọt.
Từ năm 2000 - 2005, diện tích đất lúa giảm hơn 302 nghìn hécta, riêng trong 2 năm (2005 - 2007) giảm 59,2 nghìn hécta. Một thực tế đau lòng là vùng lúa "bờ xôi ruộng mật" ĐBSCL lại là nơi bị suy giảm diện tích đất lúa lớn nhất cả nước, với hơn 205 nghìn hécta - chiếm 57% đất lúa bị giảm của cả nước từ năm 2000 - 2007. Vùng đồng bằng Sông Hồng giảm 52 nghìn hécta, chiếm 14,4%.
Dương Hà - Công Thắng
Lao Động
|