Tự vệ
Bị hàng Trung Quốc lấn lướt, các doanh nghiệp sản xuất kính nội đang đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng kính nổi.
Trong khi Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Hoa Kỳ lại áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam, thì gần đây, 3 doanh nghiệp sản xuất kính trong nước là Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG), Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG) và Công ty TNHH Công nghiệp Kính Việt Nam (VGI) cũng đã gửi đơn lên Bộ Công Thương, yêu cầu tiến hành biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi.
Theo 3 doanh nghiệp này, từ năm 2007 đến năm 2008, thị phần kính nổi nhập khẩu tăng vọt, từ 2,55% lên 19,26% và giá bán rẻ hơn hàng sản xuất trong nước từ 12 - 34%, khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, phải cắt giảm lao động.
Đối thủ chính là các sản phẩm kính xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc. Kính Trung Quốc nhập khẩu mặc dù phải chịu thuế 40% nhưng giá vẫn thấp hơn so với các loại kính trong nước và kính Thái Lan, Indonesia... (có mức thuế suất 5%).
Trong báo cáo “kêu cứu” Thủ tướng, Hiệp hội kính và thủy tinh Việt Nam cho biết, hiện sức cạnh tranh của toàn ngành giảm mạnh. Trong số 8 nhà máy sản xuất kính của hiệp hội thì có 2 nhà máy ngừng sản xuất hoàn toàn; Công ty TNHH Công nghiệp kính Việt Nam của Tập đoàn Nippon Sheet Glass (Nhật Bản) đang tạm dừng sản xuất. Riêng Nhà máy kính Đáp Cầu (thuộc Viglacera) và Nhà máy kính Kiến An (Hải Phòng) mỗi nơi đang tạm dừng một dây chuyền sản xuất. Toàn ngành hiện tồn kho khoảng 30 triệu m2 kính. Tình thế này buộc các doanh nghiệp sản xuất kính phải tính tới phương án gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.
Theo ông Trần Quốc Thái - Chủ tịch Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam kiêm Phó tổng giám đốc Viglacera, phải mất gần 2 tháng các doanh nghiệp đứng đơn mới tập hợp xong số liệu của hồ sơ nộp Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cho các nhà sản xuất kính trong nước.
Căn cứ vào đơn kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký văn bản số 3329/QĐ-BCT, quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành biện pháp tự vệ với hàng hóa nhập khẩu dù pháp lệnh về cạnh tranh, tự vệ, chống bán phá giá đã có từ năm 2002.
Phía nguyên đơn kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,6 USD/m2 đối với kính nhập khẩu (không phân biệt xuất xứ) trong thời gian 4 năm ở mức “áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu”. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ quan thẩm quyền có kết luận cuối cùng, nguyên đơn đề nghị áp dụng ngay biện pháp tạm thời: thuế nhập khẩu chung đối với kính nổi là 40% (không phân biệt nước xuất khẩu) trong thời gian 200 ngày. Điều này có nghĩa ngoài mức thuế suất thông thường đang áp dụng trong khu vực ASEAN là 5%, ngoài khu vực ASEAN là 40%, kính nổi nhập khẩu phải cộng thêm 40% thuế suất cho mỗi lô hàng khai báo nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, về mặt nguyên tắc, trong vòng 6 tháng kể từ khi ra quyết định tiến hành điều tra, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ hay không. Biện pháp tự vệ được áp dụng khi lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến khiến doanh nghiệp sản xuất “không đỡ được”. Trong thời hạn tiến hành điều tra, nếu xét thấy lượng hàng nhập khẩu tiếp tục tràn vào gây thiệt hại, Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi ban hành quyết định chính thức. Biện pháp tự vệ tạm thời không được kéo dài quá 200 ngày.
Diễn đàn Doanh nghiệp
|