Thứ Sáu, 17/07/2009 15:28

Chưa hết bất bình về giá, lại đến bức xúc về chất lượng!

Trong số gần 300 mẫu kiểm tra sữa trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 20% không đạt chỉ tiêu về hàm lượng đạm, lipit theo công bố, thậm chí có mẫu sữa có hàm lượng đạm cực thấp, chỉ đạt dưới 2%. 

 Trong khi “câu chuyện” giá sữa ở nước ta luôn ở mức “đỉnh” của thế giới và khu vực khiến sự bất bình của người tiêu dùng còn chưa hết “nóng”, các cơ quan chức năng mới giậm dịch vào cuộc để làm rõ nguyên nhân và tìm biện pháp giải quyết, thì thông tin về kết quả thanh, kiểm tra chất lượng mặt hàng sữa của Bộ Y tế vừa công bố lại một lần nữa gây bức xúc cho người dùng...

Theo kết quả báo cáo của các đơn vị y tế thuộc 14 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2009, đã kiểm tra hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa. Trong đó, hơn 70% cơ sở vi phạm, chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, về chất lượng, trong số gần 300 mẫu kiểm tra có khoảng 20% không đạt chỉ tiêu về hàm lượng đạm, lipit theo công bố, thậm chí có mẫu sữa có hàm lượng đạm cực thấp, dưới 2%... Những vi phạm này tập trung chủ yếu vào các cơ sở kinh doanh theo quy mô nhỏ thuộc quyền quản lý của tuyến huyện, với hành vi vi phạm phổ biến do cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua kiểm nghiệm các mẫu sữa về chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh, tập trung chủ yếu ở loại sữa bột; kết quả cho thấy, đối với hàm lượng lipit, số mẫu không đạt chiếm tới 26%. Đối với hàm lượng protid, không đạt chiếm 20%... Theo những con số trong kết quả nêu trên, có thể thấy quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiệm trọng bởi hành vi công bố một đằng, chất lượng một nẻo, gian dối người tiêu dùng.

Cũng theo kết quả thanh tra cho thấy, sản phẩm không đạt chất lượng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm sản xuất trong nước, do một số doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nước ngoài về và sang bao đóng gói tại Việt Nam. Trong quá trình sản xuất không tuân thủ đúng tiêu chuẩn đã công bố và đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, kết quả thanh tra cũng phát hiện một số sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo thấp hơn công bố của các công ty lớn như Vinamilk và Dutch lady Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của hai công ty này cho biết, phiếu kiểm nghiệm của họ cho kết quả khác(!?)… Theo ông Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm- thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục thanh tra tập trung truy rõ nguồn gốc và các yếu tố liên quan đến các sản phẩm không đạt chất lượng. Đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sữa thông qua tiếp nhận hồ sơ quảng cáo. Bởi lẽ, theo một khảo sát thì chỉ có số ít người tiêu dùng trong nước khi mua sữa dựa trên tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, thực tế có đến 80% người tiêu dùng mua sữa dựa trên những thông tin quảng cáo. Trong khi đó, các DN khi quảng cáo sản phẩm thường rất khéo léo chỉ nhấn mạnh vào những thông tin ít tính định lượng, nhưng lại đánh trúng tâm lý người tiêu dùng như sữa giúp “tăng chiều cao”, “giúp bé thông minh” hay “tăng cường thể lực”, “nhanh chóng phục hồi”…

Trở lại câu chuyện giá sữa, một trong những nguyên nhân khiến giá sữa nhập ngoại đặc biệt là những sản phẩm có thương hiệu bị đẩy giá lên cao được cho là do tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thông qua kết quả kiểm tra vừa công bố thì có thể thấy không ít sản phẩm sữa sản xuất trong nước đúng là “có vấn đề”, quy trình sản xuất, chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ, và việc vì sao người tiêu dùng có tâm lý “sính ngoại” phần nào đã được giải thích!?.

Sữa là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng rất lớn và ổn định, khi nào mặt hàng này còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về chất lượng và giá cả thì người tiêu dùng còn chịu thiệt thòi! Hành vi “ăn bớt” chất lượng trên các sản phẩm sữa của một số đơn vị sản xuất như kết quả kiểm tra là cố tình “móc túi” khách hàng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, một lần nữa người tiêu dùng lại “mong ngóng” sự vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để của cơ quan chức năng.

Quang Dương

CÔNG THƯƠNG

Các tin tức khác

>   Hàng không tìm đường “bay” qua khủng hoảng (17/07/2009)

>   Cần cơ chế rõ ràng cho xuất khẩu cà phê (17/07/2009)

>   Dự kiến tăng thuế nhập khẩu sữa (17/07/2009)

>   Chỉ số giá: Cách tính mới sẽ "chính xác hơn" (17/07/2009)

>   Thực phẩm nhập khẩu hết hạn: Vẫn tuồn ra thị trường (17/07/2009)

>   Doanh nghiệp thủy sản ”đói” công nhân! (17/07/2009)

>   Giá cả cuối năm sẽ nóng lên (17/07/2009)

>   Doanh nghiệp nên làm quen với sốc (17/07/2009)

>   Giá trà nguyên liệu tăng 30% (17/07/2009)

>   Satra phát triển chưa xứng với vốn được giao (17/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật