Giá cả cuối năm sẽ nóng lên
Gần 400 ngàn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất là nguyên nhân khiến lạm phát có thể trở lại trong năm 2010.
Dự báo tốc độ tăng giá sẽ dừng ở một con số, tức là dưới 10% đã được đưa ra tại hội thảo Phân tích diễn biến thị trường, giá cả sáu tháng đầu năm nay và dự báo sáu tháng cuối năm do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính tổ chức sáng qua (16-7). Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, dù diễn biến giá cả hằng tháng có phục hồi nhưng những con số chỉ mức độ tăng giá nửa đầu năm 2009 thấp hơn cho chúng ta một căn cứ quan trọng để tin chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2009 sẽ đứng ở một con số.
Tốc độ tăng giá dưới một con số
Ông Ánh phân tích: Thực tế sáu tháng đầu năm 2009 cho thấy CPI chỉ tăng 2,68% so với tháng 12-2008. Các bộ phận cơ bản cấu thành nên CPI như chỉ số giá lương thực thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, giá vật liệu xây dựng... cũng tăng nhẹ.
Quan sát diễn biến tốc độ tăng giá hằng tháng những năm gần đây, ông Ánh nhận định diễn biến thị trường giá cả năm 2008 vượt ra khỏi quy luật thông thường và kết quả là lạm phát cả năm tăng đột biến. Sang năm 2009, tính quy luật của diễn biến giá cả hằng tháng lại phục hồi. Theo đó, giá cả có xu hướng tăng cao trong hai tháng đầu năm do ảnh hưởng của tiêu dùng dịp Tết, sau đó giảm trong tháng 3 rồi tăng đều đặn đến tháng 7 trước khi tăng nhẹ hơn từ tháng 8 đến tháng 10 và lại tăng cao trong hai tháng cuối năm dưới áp lực cả chi tiêu dùng và đầu tư. Nếu tính quy luật được củng cố trong những tháng còn lại của năm 2009 CPI sẽ là khoảng 7%, đạt mục tiêu lạm phát cả năm vừa được Quốc hội điều chỉnh.
Lạm phát có thể trở lại trong năm 2010
Đưa ra dự báo giá cả sáu tháng cuối năm sẽ tăng cao, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ phó Vụ Thương mại-Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), cho rằng dấu hiệu kinh tế thế giới hồi phục sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới. Kim ngạch nhập khẩu bắt đầu cũng tăng, đặc biệt là nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy trong những tháng cuối năm 2009, giá cả sẽ nóng lên.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Đại học Kinh tế quốc dân, cảnh báo gần 400 ngàn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất là nguyên nhân chính khiến lạm phát có thể quay trở lại trong năm 2010. Lượng cung tiền trên thị trường quá lớn là nguyên nhân chính gây giá cả tăng, đẩy lạm phát tăng theo.
Tuy nhiên, ông Thường cũng cho rằng lạm phát có thể xảy ra, song khả năng này bị khống chế bởi những tác động tích cực từ trong nền kinh tế, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu giữ khá ổn định. Quan trọng nhất là giá cả lương thực và thực phẩm trong nước sẽ bình ổn do vụ lúa đông xuân và vụ lúa hè thu được mùa lớn. Việc gia tăng sản lượng lương thực nhờ được mùa cũng là điều kiện tốt để mở rộng thị trường các loại máy móc nông nghiệp, góp phần tiếp nhận một lượng lớn lao động bị mất việc làm trong các khu công nghiệp. Do đó, cần coi trọng kích cầu trong nông nghiệp và nông thôn để giảm bớt các áp lực về việc làm và thu nhập, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu cầu trong nông nghiệp tăng lên 1% thì GDP sẽ tăng lên khoảng 1,2%. Kích cầu trong nông nghiệp là một điều kiện để ổn định kinh tế và góp phần khống chế tình trạng tăng giá.
Bên cạnh đó, đồng USD lên giá và đồng Việt Nam giảm giá tương đối cũng là yếu tố kích thích xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: "CPI tháng 7 cũng sẽ tiếp tục tăng"
Thực tế giá cả các mặt hàng từ đầu năm đến nay không giảm và vẫn đang đứng ở mức cao. Điều này thể hiện ở CPI. Dù CPI sáu tháng đầu năm đứng ở mức thấp nhưng từ quý II năm nay, tốc độ tăng giá của tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Dự báo là tháng 7 này, CPI cũng sẽ tiếp tục đà lên dốc do giá một số mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất tăng cao.
Tôi rất băn khoăn đến hiệu quả của gói kích cầu tác động đến hoạt động thương mại thời gian qua. Mặc dù đã triển khai một số giải pháp kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa nhưng nửa đầu năm 2009, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (tính theo giá thực tế) và tăng 8,8% nếu loại trừ yếu tố giá. Mức tăng này tương đương 2004-2005 nhưng thấp hơn nhiều so với 2007 và 2008 tính theo giá hiện hành.
Lê Thanh
Pháp luật
|