Thứ Sáu, 17/07/2009 06:18

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu: "Tôi cũng muốn giá xăng dầu giảm"

- "Tôi cũng hiểu là mấy tuần nay, giá thế giới giảm, dân tình đều mong muốn giá trong nước giảm. Nếu xét về cá nhân thì tôi cũng là người tiêu dùng, tôi cũng muốn giá  xăng dầu giảm"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nói như vậy khi trao đổi với VietNamNet.

- Thưa ông, tại cuộc họp báo hôm qua (15/7), Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông, cho phép trích Quỹ như vậy có là hợp lý trong bối cảnh này?

Thực ra, việc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là mục tiêu đặt ra trong nguyên tắc điều hành giá hiện nay. Nếu tình hình giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm trong những tháng tới, liên Bộ Tài chính - Công Thương mới bàn chuyện trích quỹ này.

Nghĩa là ở thời điểm này, sẽ chưa trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngay. Chúng ta sẽ chỉ trích trả nợ số tiền Ngân sách Nhà nước đã tạm ứng cho doanh nghiệp để bù lỗ trước đây thôi, với mức 1.000 đồng/lít xăng.

Sau này, nếu Quỹ có thành lập thì sẽ do Nhà nước giữ, không phải do doanh nghiệp giữ.

Quy định hiện hành nêu rõ chỉ trích quỹ khi giá xăng đâu thấp, vậy mức giá hiện nay khoảng 60-62USD/thùng, theo ông đã là thấp để tính toán chuyện trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Theo dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), 6 tháng cuối năm, giá dầu thô bình quân là 65USD.

Việt Nam cũng là nước xuất khẩu dầu thô và ngân sách trông chờ nguồn thu này rất nhiều. Vì thế, tôi cho là, mức 65 - 70 USD/thùng là trung bình, là mặt bằng giá có thể chấp nhận được.

Trước đây, giá có lúc lên tận 147 USD/thùng, lại có lúc rớt xuống 33 - 35 USD/thùng thì mức giá trên là hợp lý. Nếu giá sắp tới mà lên ngưỡng 100 USD/thùng thì đó là mức căng thẳng.

- Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp đều muốn xăng dầu phải giảm giá, như thế sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, đời sống bớt khó khăn. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cũng hiểu là mấy tuần nay, giá thế giới giảm, dân tình đều mong muốn giá trong nước giảm. Nếu xét về cá nhân thì tôi cũng là người tiêu dùng, tôi cũng muốn giá giảm.

Nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta vẫn phải giữ giá như hiện nay để ưu tiên việc trích trả nợ ngân sách đã.

Năm nay, do suy giảm kinh tế, Ngân sách Nhà nước vốn đã rất eo hẹp rồi, nếu không tranh thủ lúc này, cho doanh nghiệp trích trả nợ thì ngân sách càng eo hẹp hơn. Chính phủ cần có nguồn lực để phục vụ cho kế hoạch chi tiêu, phát triển kinh tế xã hội.

Xu hướng tương lai, nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt, giá dầu thế giới sẽ có thể tăng lên. Biết bao giờ giá thế giới mới xuống sâu hơn nữa, mà Ngân sách Nhà nước thì đang thâm thủng.

- Mức thuế, phí xăng dầu hiện nay là gánh nặng cho người tiêu dùng khi chiếm tới 37% trong kết cấu giá thành xăng dầu, trước đây có lúc lên tới hơn 50%. Ông có thấy thuế, phí như thế là quá cao?

Đối với xăng dầu, theo tôi biết thì tất cả các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế, phí rất cao. Họ cũng có cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản phụ phí xăng dầu.

Đây là một hình thức để khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu và tiết kiệm chung cho nền kinh tế.

Còn để nói, thuế phí ấy có cao hay không thì nhìn vào yêu cầu chung của đất nước, vào xu hướng thế giới để có so sánh hợp lý.

Theo tôi thấy, ở nhiều nước, chính phủ thu thuế rất cao, thậm chí còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 100%. Ở Mỹ, giá bán xăng cũng khoảng 1,5 USD/lít, châu Âu khoảng 1,7 USD/lít. Trong khi ở ta, giá xăng chưa tới 1 USD/lít.

Giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới thì như nhau. Như vậy, giá bán của họ cao hơn của ta thì chứng tỏ là thuế, phí đối với xăng dầu của họ còn cao hơn ta nhiều.

- Tuy nhiên, dù mức giá xăng hiện nay của ta thấp hơn của các nước vài nghìn đồng nhưng thu nhập trung bình của người dân các nước cao hơn Việt Nam tới vài chục lần?

Cái này thì ta phải chấp nhận. Xuất phát điểm của chúng ta là thu nhập thấp. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, không thể ngày một ngày hai mà chúng ta mong một mức sống như ở Mỹ được.

Trong khi, chúng ta vẫn phải chịu giá cả thế giới bình đẳng như các nước. Do đó, người dân cần phải cùng Chính phủ vượt qua khó khăn.

- Ông đánh giá thế nào về việc  thị trường xăng dầu vẫn chưa có tính cạnh tranh, không có động lực giảm giá bán lẻ do Petrolimex chiếm thị phần lớn tới 60%?

Hiện nay, Petrolimex đang làm đề án cổ phần hoá. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo từ ngày 1/7/2010, tất cả các doanh nghiệp Nhà nước sẽ chuyển sang công ty cổ phần hoặc công ty TNHH 1 thành viên.

Vì thế, tương lai gần, Petrolimex sẽ không còn tính độc quyền nữa. Khi đó, thị trường xăng dầu sẽ cạnh tranh hơn.

- Vậy, theo ông, động lực nào để các doanh nghiệp trong nước phải giảm giá xăng dầu?

Với ngành này, đến lúc thị trường hoá rồi thì động lực giảm giá không có vấn đề gì phải bàn. Nhưng hiện nay, Chính phủ vẫn đang phải can thiệp vào giá cả của doanh nghiệp.

Do đó, nếu tình hình giá thế giới giảm, giá trong khu vực thấp hơn mình thì giá trong nước sẽ buộc phải giảm đi.

Tuỳ vào tình hình cụ thể, Chính phủ cũng sẽ điều hành các công cụ tài chính để tạo động lực giảm giá, chẳng hạn như giảm thuế. Nếu doanh nghiệp vẫn không giảm giá thì đã có sức ép của công luận lên tiếng.

“Tôi ủng hộ việc cho trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu trở lại. Bởi lẽ, so với mặt bằng giá xăng dầu bán lẻ của thế giới, giá bán xăng dầu của ta hiện vẫn thấp hơn. Quan sát nhiều năm nay, kể cả khi tỷ giá VND/USD thấp, thì giá 1 lít xăng thường chỉ xoay quanh trên dưới 1USD.

Ông Lý Hồng Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam

“Việc giảm giá trên thị trường thế giới trong 14 ngày qua có lẽ chỉ là giảm nhất thời thôi, khó mà giảm về đáy. Sắp tới, nền kinh tế thế giới phục hồi, tôi lo là giá dầu thế giới sẽ tăng trở lại.

Hơn nữa, mức giá 14.200 đồng/lít xăng A92 hiện nay là trung bình. Nó có thể cao so với thu nhập của người dân Việt Nam, song đầu vào kinh doanh xăng dầu của chúng ta cũng giống như nhiều nước trên thế giới, nên giá bán lẻ của ta cũng tương ứng với họ.

Cho nên, chúng ta cần tranh thủ trích Quỹ để phòng sau này, giá xăng dầu thế giới tăng trở lại, còn có tiền trong Quỹ để đem ra bình ổn thị trường. Theo “công thức chung” mặt hàng nào kinh doanh có hiệu quả thì sẽ trích Quỹ. Tôi cho là nên trích Quỹ đối với mặt hàng xăng trước”.

Ông Lê Mân, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TM Dầu khí Đồng Tháp

Phạm Huyền

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Những nhà máy thép “sinh” khó (17/07/2009)

>   Thu hồi 22 dự án tại khu cửa khẩu Mộc Bài (17/07/2009)

>   Lỗ hổng trong khuyến mãi di động (17/07/2009)

>   Cảnh báo giá thép tăng “ảo” (17/07/2009)

>   “Người mua không quyền, người bán không chợ” (17/07/2009)

>   Tivi LCD, giảm thuế khó giảm giá (17/07/2009)

>   Nghịch lý trái cây VN: Đoàn kết doanh nghiệp - chuyện xa xỉ (17/07/2009)

>   Chi 10.000 tỉ đồng xây sân bay quốc tế Cam Ranh (16/07/2009)

>   XK và phát triển thị trường VN: Nhìn từ khủng hoảng (16/07/2009)

>   Thận trọng tránh lạm phát cao quay trở lại (16/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật