Trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày
“Người mua không quyền, người bán không chợ”
Ngày 16-7 Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đã có buổi làm việc với Trung tâm nguyên phụ liệu (NPL) Liên Anh, Hiệp hội Dệt may, Da giày, Vinatex và các doanh nghiệp (DN) dệt may lớn ở phía Nam tại Bình Dương.
Tại buổi làm việc, các đơn vị đã nêu ra nguyên nhân dẫn đến việc “người mua không có quyền, người bán không có chợ”.
Đây là một thực tế khó khăn đối với các DN đã đầu tư xây dựng trung tâm NPL cho ngành dệt may (DM), da giày (DG) tại VN hiện nay. Đó là, hầu hết hàng DM, DG của VN là hàng gia công, khi sản xuất hàng FOB thì khách hàng lại chỉ định NPL. Do vậy, DN không có nhiều quyền quyết định mua NPL sản xuất.
Trong khi đó, để thu hút người bán vào chợ cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, kho ngoại quan… Cụ thể là 2 trung tâm đi đầu tại phía Nam là Sanding Tam của Công ty May Sài Gòn 2 (TPHCM) và trung tâm NPL với quy mô 1.430 gian hàng, trên diện tích 20.520m², vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng của Công ty TNHH Liên Anh (xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Việc có trung tâm giao dịch NPL là mơ ước của ngành DM, DG để chủ động nguồn NPL tại chỗ, có thể nâng tỷ lệ sản xuất hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), gia tăng giá trị xuất khẩu. Thế nhưng khi đã hình thành được mặt bằng để họp “chợ” thì người bán và người mua vẫn biệt tăm. Nghịch lý này đang đẩy các DN xây dựng chợ NPL vào chỗ khó. Không còn cách nào khác, DN muốn chuyển đổi công năng vì không thể đầu tư tiền tỷ “để nhìn”.
M. Hạnh
Sài gòn giải phóng
|