Thứ Năm, 16/07/2009 18:56

Ngành sợi tìm đường xuất khẩu

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sợi tăng 150%, mức tăng được xem là khả quan trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Qua ý kiến chuyên gia trong ngành, cho thấy ngành sợi đặt trọng tâm vào xuất khẩu tuy rằng các doanh nghiệp dệt may trong nước thì phải đi tìm nguyên liệu ở bên ngoài.

Xuất vì trong nước không có nhu cầu

Theo Hiệp hội Sợi Việt Nam, thực tế trước đây khi ngành sợi ra đời, tiêu chí đặt ra là phục vụ cho chuỗi liên kết: sợi-dệt-nhuộm-may. Thế nhưng, trong chuỗi liên kết này, hai mảng may và sợi có bước phát triển nhanh hơn trong khi dệt và nhuộm hầu như phát triển không cùng nhịp, khiến sợi dây nối kết bị phá vỡ, tạo ra sự ứ đọng hàng hóa nơi công đoạn sợi. Cũng vì thế, thay vì là nguồn cung cấp để dệt vải trong nước thì sợi trở nên dư thừa và phải tìm đường xuất khẩu.

Mặt khác, ông Lê Trung Hải, Phó tổng giám đốc tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho rằng tuy ngành sợi có bước phát triển nhưng sản phẩm sợi do trong nước sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng cũng như tính đa dạng về chủng loại sợi còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp dệt may khi mà doanh nghiệp đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu sợi khác nhau; có công ty dùng sợi cotton, có công ty dùng sợi len, sợi PE, sợi pha...

Cũng theo ông Hải, nếu tập trung trang bị máy móc để sản xuất nhiều sản phẩm sợi nhằm đáp ứng nhu cầu như trên thì lại gặp phải một nghịch lý: giá sản phẩm sẽ cao vì giá nhập máy móc là không rẻ, như vậy sẽ rất khó cạnh tranh với nguồn nguyên liệu nhập.

Ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Sợi Việt Nam, cho biết hiện trên thị trường nội địa, sợi Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của sợi Trung Quốc nhập với giá rẻ hơn.

Song, bên cạnh đó còn có một nguyên nhân nữa dẫn đến doanh nghiệp dệt may ít tiêu thụ sợi trong nước. Đó là đa phần các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu, việc chọn nguyên liệu theo sự chỉ định của khách hàng, doanh nghiệp không thể chủ động đặt nguồn nguyên liệu vải trong nước, gây ra những khó khăn cho ngành dệt, nhuộm, và kéo theo tác động đến các doanh nghiệp sản xuất sợi.

Sẽ vẫn chú trọng xuất khẩu

Ngay cả trong nước mà việc tiêu thụ sợi cũng còn gặp khó khăn vậy thì làm sao có thể xuất khẩu được? Điều này, theo ông Trần Đăng Tường, Chủ tịch Hiệp hội Sợi Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển sợi Thiên Nam, là do ở các nước hiện vẫn có những phân khúc thị trường dành cho sợi cấp thấp và trung bình. Các sợi cấp trung bình mà Việt Nam có thể sản xuất được có giá bán không quá cao nên đã có thể vào được các phân khúc thị trường này.

Bên cạnh đó, cũng do tại thị trường nhiều nước, mặt hàng sợi của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá nên là cơ hội cho Việt Nam, ông Tường cho biết.

Một điều được lý giải thêm là ở thị trường nội địa, việc tiêu thụ sợi chỉ khó khăn nhưng không phải hoàn toàn không tiêu thụ được vì vẫn có những phân khúc thị trường phù hợp. Mặt khác, như phân tích bên trên, do dệt và nhuộm chưa phát triển mạnh nên sợi không có nhiều cơ hội được sử dụng; đồng thời đa phần doanh nghiệp may gia công xuất khẩu và chọn nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng khiến nguyên liệu sợi chỉ được tiêu thụ một phần ở nội địa, còn lại doanh nghiệp ngành này phải tìm kiếm thêm thị trường bên ngoài với những nhu cầu lựa chọn nguyên liệu sợi trung bình.

Theo ông Lê Trung Hải, ngành sợi đã tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua. Cụ thể là trong vòng 10 năm, số lượng cọc sợi đã tăng lên gấp 4 lần, từ 1 triệu lên 4 triệu cọc vào năm nay. Trong khi kinh tế còn khó khăn thì ngành sợi vẫn có những con số xuất khẩu khá cao: 6 tháng đầu năm tăng hơn 150% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Hồng Giang cho biết hiện Việt Nam có 60 doanh nghiệp sợi gồm 47 doanh nghiệp trong nước và 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sản lượng năm 2008 vào khoảng trên 500.000 tấn, trong số này xuất khẩu chiếm khoảng 40%.

Và ông Giang cũng cho rằng trong thời gian sắp tới, định hướng của ngành sợi là sẽ gia tăng xuất khẩu vì chỉ qua con đường này thì lợi nhuận của doanh nghiệp sợi mới có thể tăng trưởng được. Cụ thể hơn, tỷ lệ xuất khẩu năm 2009 sẽ chiếm 60% sản lượng sợi.

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), các công ty sản xuất nguyên liệu dệt đã đầu tư máy móc để phát triển ngành công nghiệp sợi, phục vụ cho xuất khẩu. Cụ thể, Vinatex đã đầu tư xây dựng hai nhà máy sợi ở Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi nhà máy khoảng 50.000 cọc sợi, để bắt đầu sản xuất từ cuối năm sau. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành sợi Việt Nam hiện nay là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Philipines. Nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy vậy, hiện đang có xu hướng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành sợi tại Việt Nam và nhiều luồng đầu tư khác vào các ngành dệt, nhuộm, sản xuất nguyên, phụ liệu. Điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngành này và đó cũng là động lực để các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất để có được các sản phẩm chất lượng tốt với giá thành thấp, ông Nguyễn Hồng Giang nhận định.

Thanh Thương

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Chuyên gia đồ gỗ Nhật Bản tư vấn doanh nghiệp Việt Nam (16/07/2009)

>   Kirin Acecook khánh thành nhà máy nước giải khát (16/07/2009)

>   Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội (16/07/2009)

>   Ngành công nghiệp BR-VT: Suy giảm mạnh 6 tháng đầu năm (16/07/2009)

>   Ra mắt cổng thông tin thương mại Việt-Nga (16/07/2009)

>   FDI cần được xem xét nhiều góc độ (16/07/2009)

>   Miền Trung: Cảng nhiều, hàng vẫn “đói” (16/07/2009)

>   Đã đến thời của nội lực (16/07/2009)

>   Mở rộng ứng dụng hải quan điện tử (16/07/2009)

>   20% sữa kiểm nghiệm không đạt yêu cầu (16/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật