Miền Trung: Cảng nhiều, hàng vẫn “đói”
Dọc duyên hải miền Trung có tới 17 cảng biển đang hoạt động, các tỉnh miền Trung thi nhau xây dựng cảng. Tuy nhiên, điều nghịch lý vẫn đang tiếp diễn khi rất nhiều năm nay là phần lớn DN XK ở miền Trung buộc phải mang hàng của mình vào TP HCM hoặc ra Hải Phòng để “xuất ngoại”.
Theo nhiều chuyên gia, xảy ra tình trạng này vì: Tỉnh nào cũng nói mình có lợi thế cảng biển để rồi hàng loạt dự án xây dựng cảng biển ra đời nhưng vẫn nhỏ lẻ, "mạnh ai nấy làm".
Hiệu quả khai thác chưa cao
Ông Nguyễn Thu - TGĐ Cảng Đà Nẵng cho biết: Các DN miền Trung không thể sử dụng cảng biển ở địa phương mình để xuất nhập hàng hóa vì một lý do rất ngược đời là thời gian vận chuyển kéo dài, phí vận chuyển cao. DN xuất khẩu một container 20 feet đến Osaka (Nhật) thông qua cảng Đà Nẵng, thời gian vận chuyển chậm hơn từ 7 đến 10 ngày, chi phí cao hơn từ 35 đến 45 USD (chưa tính chi phí vận chuyển bằng đường bộ) nếu so với việc xuất container đó từ cảng Sài Gòn.
Theo ông Ngô Lực Tải - Phó Chủ tịch Hội khoa học biển TP HCM, cảng biển miền Trung luôn gặp khó khăn ở chỗ là sự phân bố giữa các vùng và khu vực lại không đồng đều. Các cảng phía Bắc chiếm 25-30% khối lượng vận tải nên công suất vẫn còn thừa. Các cảng miền Trung chiếm 13% khối lượng, đang ở tình trạng thiếu hàng hóa, chỉ sử dụng một phần công suất. Còn các cảng phía Nam chiếm 57% khối lượng vận chuyển, riêng về container đến 90% khối lượng, hiện đang ở tình trạng quá tải". Phân bố cảng như trên dẫn đến tình hình: nói “đủ” cũng được, nói “thiếu” cũng dễ nghe, nói “thừa” cũng không sai.
Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ thực trạng năng lực sản xuất cũng như thị trường miền Trung quá nhỏ lẻ, dẫn đến hệ quả là các thương cảng luôn luôn đói hàng. Một nguyên nhân khác của việc chưa khai thác tối đa năng lực cảng biển miền Trung là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền các tỉnh miền Trung để tìm một giải pháp tốt nhất.
Cần liên kết xây dựng cụm cảng
Nhiều nhà chuyên môn đều nhận định, việc quy hoạch những cảng biển miền Trung có lẽ ít nhất phải đáp ứng được hai yêu cầu. Thứ nhất, đó phải là cảng biển nước sâu. Các cảng biển miền Trung đủ độ sâu đáy nước để tiếp nhận tàu biển quốc tế vận tải cỡ lớn, năng lực tiếp nhận các tàu trọng tải từ 8 đến 12 nghìn DWT hoặc tàu chở container từ 5 đến 7 nghìn TEUs... Việc xây dựng các cảng biển nước sâu như Chân Mây, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong... đều có thể phù hợp, nhưng khai thác như thế nào cho hiệu quả vẫn còn là một câu hỏi lớn với những phác thảo mờ mịt.
Ông Trương Bá Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng miền Trung quá nhiều cảng và xây dựng manh mún nên giải tán một số cảng nhỏ để đầu tư xây dựng các thương cảng lớn. Ngược lại, ông Trương Đình Hiển - Chuyên viên cao cấp Viện Vật lý Hải dương cho rằng, không nên giải tán các cảng nhỏ mà phải xây dựng thêm cảng chuyên dùng. Liên kết các cảng chuyên dùng làm công cụm cảng để phát triển một thương cảng, như xây dựng thêm cảng Liên Chiểu, sau đó liên kết cảng Chân Mây, cảng Liên Chiểu với cảng Đà Nẵng thành cụm cảng để xây dựng thương cảng Đà Nẵng thật lớn ngang tầm cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, để thực hiện xây dựng cụm cảng chính quyền các địa phương cần ngồi lại đàm phát xây dựng một đề án mang tầm chiến lược lâu dài cho toàn vùng.
Tâm Vũ
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|