Thắt chặt đạo đức
Hiệu quả thực tiễn của các quy định này sẽ khó phát huy nếu chúng là riêng biệt.
Lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu liên quan đến ODA Nhật Bản. Theo đó, tất cả cá nhân tham gia vào quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu sử dụng ODA Nhật Bản hoặc thực hiện chức năng giám sát, quản lý quá trình đó buộc phải ký cam kết tuân thủ quy tắc này trước khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hàng rào về đạo đức được đưa ra rất rõ ràng. Đó là liêm chính (không lợi dụng vị trí, quyền hạn để đạt lợi ích riêng), công bằng (không áp dụng ưu đãi trong đấu thầu trái quy định), hiệu quả chi tiêu; trách nhiệm cá nhân; chuyên nghiệp và tuân thủ quy địnhpháp luật của Việt Nam và của nhà tài trợ cũng như các hợp đồng đã ký...
Thậm chí, yêu cầu này còn khắt khe đến mức buộc cá nhân khi có xung đột lợi ích với nhiệm vụ được giao, như liên quan đến quyền sở hữu tài sản, các mối quan hệ gia đình (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng, anh chị em ruột...) sẽ phải tự công khai và tự nguyện rút lui khỏi công việc và phải chịu trách nhiệm với hành động không đúng với yêu cầu của quy tắc ứng xử này.
Quy tắc này cũng buộc các cá nhân liên quan ký cam kết không nhận, không đưa những thứ có giá trị hoặc những hình thức đãi ngộ của cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng...
Cũng mới đây, Văn phòng Chính phủ công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính. Quy định về đạo đức cũng được thiết kế khá chặt chẽ đối với cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát thủ tục hành chính. Đó là cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính sẽ không được tự ý yêu cầu thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; không được đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không được lợi dụng các quy định, vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi; không được nhận tiền hoặc quà biếu dưới bất cứ hình thức nào khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...
Có thể hình dung, áp lực đang và sẽ đè nặng lên một nhóm công chức, cá nhân bị các quy định này điều chỉnh. Thiết chế về đạo đức, tuy không phải là lần đầu tiên được quy định, song lần đầu đạt mức chi tiết và có định hướng đối tượng thực hiện một cách rất cụ thể, rõ ràng. Khó có khoảng trống nào cho những gian lận nếu như quy định về hàng rào đạo đức này được thực hiện và giám sát nghiêm túc.
Trở lại những điểm đen trong hoạt động đấu thầu cũng như trong thủ tục hành chính. Tiền lệ về “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu như khuất tất liên quan đến một số cá nhân trong thực hiện các gói thầu không phải quá hiếm. Điển hình có thể kể tới vụ án 312.000 công tơ điện tử tại TP. HCM với sự xuất hiện của “sân sau” trong mối xung đột lợi ích của gói thầu và cá nhân liên quan. Đặc biệt là vụ án hối lộ của đối tác PCI trong thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây (TP. HCM) đình đám đã khiến Chính phủ Nhật Bản buộc phải dừng lại các cam kết hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian… Chính vụ việc này là lý do khiến Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản đưa ra những biện pháp phòng chống tham nhũng, trong đó có việc công bố Quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu đối với các dự án ODA của Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, các vấn đề liên quan đến đạo đức, đến yếu tố con người thường khó giải quyết và khó kiểm soát nhất. Trong quy định về trách nhiệm công chức hiện hành, hàng loạt rào cản đã được dựng lên. Quy định về đưa và nhận hối lộ cũng đang được áp dụng với những mức khống chế cụ thể rất rõ ràng. Song, dường như việc thực thi lại không đơn giản. Đối tượng bị điều chỉnh cũng như hệ thống giám sát có vẻ như không bị thuyết phục bởi những quy định pháp luật. Tính hiệu lực của những quy định trên thực tế không cao.
Điều này cũng là lo ngại về tính khả thi của quy định đạo đức mới sẽ được đưa ra trong thời gian tới. Điểm thuận là sự giới hạn của nhóm người bị điều chỉnh sẽ khiến khả năng kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, áp lực từ các vụ án cũ và mối quan tâm giữa hai Chính phủ trong thực hiện trong sạch hoá dự án ODA buộc các cá nhân tham gia khó có điều kiện lẩn tránh.
Cũng tương tự như vậy, với quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, trách nhiệm, sự quyết tâm và cam kết của Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính trong thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính với giới đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tạo áp lực lên toàn bộ hệ thống thực hiện.
Song, cũng phải thẳng thắn, hiệu quả thực tiễn của các quy định này sẽ khó phát huy nếu chúng là riêng biệt. Trong môi trường kinh doanh chung của Việt Nam, vốn vẫn khá nặng điều tiếng về tính minh bạch, công khai, phần chi phí ngoài luồng cũng như thói quen kinh doanh bằng quan hệ của các doanh nghiệp, sẽ khó là cơ sở đầy đủ để các cá nhân bị điều chỉnh bởi những quy định trên thực hiện đúng cam kết của mình.
Bảo Duy
Đầu tư chứng khoán
|