Hàng không tìm đường “bay” qua khủng hoảng
Không nằm ngoài tâm bão của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các hãng hàng không trong nước cũng đang phải chật vật với bài toán cắt lỗ, duy trì hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vietnam Airlines đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, Indochina Airlines gặp khó trong tài chính phải cắt giảm máy bay thuê, Jetstar Pacific thì vất vả để đạt mục tiêu bay không lỗ còn Vietjet vẫn chưa có chuyến cất cánh đầu tiên sau gần 2 năm ra mắt…
Khách nội cứu lỗ cho hàng không
Theo Hiệp hội hàng không quốc thế (IATA) kể từ khi giá nhiêu liệu tăng đột biến năm 2008 và khủng hoảng lan rộng trên toàn cầu tới nay, ít nhất 30 hãng hàng không đã phá sản. Tại Việt Nam, các hãng hàng không nội địa cũng đang vất vả vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chiếm thị phần cao nhất trong thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam, Vietnam Airlines (VNA) đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ các hãng trong khu vực và trên thế giới. Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không nước ngoài đang liên tục giảm giá nhằm thu hút khách tạo ra cạnh tranh gay gắt. Thị phần của VNA trên nhiều đường bay quốc tế giảm hẳn so với những năm trước, thậm chí trên cả các đường bay vàng tới Nhật, Pháp… Hãng này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc ký các hợp đồng thuê máy bay của nước ngoài, một phần do cơ chế giá mặt khác do giới hạn về thời hạn hợp đồng.
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy: 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 20% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đến bằng đường hàng không giảm 11,6%. Các thị trường hàng không suy giảm mạnh là Trung Quốc giảm 39%, Hàn Quốc giảm gần 20%, Nhật Bản giảm 9,7%, Đài Loan giảm 17,3%. Trong khi đó, cạnh tranh trên các đường bay quốc tế vẫn tiếp tục gia tăng. Hết quý 2/2009, VNA đã vận chuyển khách quốc tế đạt 1.561.050 người, bằng 42% kế hoạch, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2008.
Cả ba hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam hiện trông chờ chủ yếu vào lượng khách trong nước bởi thị trường này đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ngoài VNA có nhiều lợi thế và Jetstar Pacific vẫn duy trì được đà tăng trưởng với thị trường nội địa thì Indochina Airlines vẫn đang phải chật vật với những khoản nợ chưa thể thanh toán lên tới 50 tỷ đồng gồm tiền xăng dầu, tiền dịch vụ không lưu, dịch vụ cảng… còn Vietjet Air chưa đủ “dũng cảm” để bắt đầu những chuyến bay đầu tiên sau hơn một năm được cấp giấy phép kinh doanh.
Giải pháp hỗ trợ lâu dài
Trước những khó khăn của thị trường hàng không, thời gian qua, Chính phủ đã có một số giải pháp nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp này. Về dài hạn, Chính phủ tiếp tục giữ nhịp đầu tư cơ sở hạ tầng cho hàng không phát triển với việc phê duyệt đề án đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 cảng hàng không đến 2020 đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phương án tài chính cho phép hãng hàng không quốc gia mua thêm 32 máy bay Airbus các loại, 16 máy bay Boeing các loại và 11 máy bay ATR 72 và đảm bảo nguồn ngoại tệ cần thiết cho phép hãng thuê máy bay, nâng đội bay lên trên 100 chiếc vào năm 2014 cũng đã được Chính phủ thông qua.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho biết: một loạt cơ chế chính sách đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho ngành hàng không trong các Luật thuế và phí khác nhau. Theo đó, đối với thuế xuất nhập khẩu, phương tiện bay và các bộ phận có thuế nhập khẩu 0%. Thuế nhập khẩu đối với các máy móc thiết bị phục vụ cho ngành hàng không có thuế nhập khẩu ưu đãi hơn so với các ngành khác; thuế nhập khẩu nhiên liệu bay cũng liên tục được điều theo cùng biến động giá cả thị trường dầu thế giới.
Hiện các cơ quan thu phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đang đánh giá lại việc thu phí lệ phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay nhằm tiến tới bãi bỏ các quy định bất hợp lý về việc thu phí nhượng quyền khai thác đối với các hoạt động hàng không. Đây cũng là một trong những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hàng không vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.
Thùy Linh
CÔNG THƯƠNG
|