Thứ Bảy, 18/07/2009 10:19

Để kích cầu tạo sự phục hồi vững chắc cho kinh tế:

Cần làm tốt dự báo lạm phát

Đây là quan điểm của ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây xung quanh gói kích thích kinh tế vừa qua của Chính phủ. Ông Nghĩa khẳng định không tán thành quan điểm của một số người cho rằng việc kích thích kinh tế là không cần thiết, vì theo ông, họ không hiểu sâu sắc thực tiễn của nền kinh tế.

Ông Nghĩa cho biết, để gói kích cầu tạo sự phục hồi vững chắc cho nền kinh tế thì ngay từ bây giờ cần làm tốt công tác dự báo lạm phát. Chính phủ đã giao việc nghiên cứu chống lạm phát này cho một số ngành mà Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia là một kênh. Chúng tôi đang tập hợp các nguồn thông tin và xây dựng các mô hình phân tích để dự báo kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng. Chúng ta không hoàn toàn tránh được lạm phát, nhưng cần kiểm soát ở mức tốt nhất. Mức tốt nhất là dưới 10%.

- Cho đến thời điểm này, để gói kích thích tiếp tục đạt hiệu qủa cao nhất thì chúng ta phải tập trung vào vấn đề chính nào ?

Tôi nghĩ rằng nguy cơ đáng kể nhất của kinh tế vĩ mô là vấn đề lạm phát, rất có thể thời gian tới đây chúng ta cùng một lúc gặp lạm phát cầu kéo do nới lỏng tiền tệ, vừa lạm phát chi phí đẩy do kinh tế thế giới phục hồi làm giá dầu và giá nguyên vật liệu khác tăng. Tuy nhiên, lạm phát do chi phí đẩy còn yếu vì kinh tế thế giới cũng mất nhiều thời gian để phục hồi. Với lạm phát cầu kéo lại càng rõ nhưng dễ khống chế vì cầu kéo là làm giá tăng lên, có nghĩa sản lượng cũng tăng theo. Sản lượng tăng thì lại làm giá cả dịu đi một chút. Cầu cũng do cung tiền mà ra nên NHNN chỉ cần thắt chặt tiền tệ là hạn chế được. Còn chi phí đẩy thì giá tăng mà ngược lại, sản lượng giảm thì giá lại tăng mà việc tăng này lại từ bên ngoài.

- Nhưng thưa ông, nhiều chuyên gia nhận định rằng gói kích thích kinh tế vừa qua khá dàn trải, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Thực ra, thật khó tránh được sự dàn trải. Các nước phương Tây đang dàn trải hơn ta nhiều. Ví dụ, một số nước hạ toàn bộ lãi suất. Có nghĩa, bất động sản, tiêu dùng, vay buôn chứng khoán, vay nhập khẩu tiêu dùng đều được hưởng lãi suất thấp. Trong khi chúng ta bù lãi suất chỉ dành cho một số lĩnh vực. Như vậy VN đã khá tập trung cho việc kích thích kinh tế.

Theo tôi, một chính sách bao giờ cũng có phản ứng phụ, nếu là một chính sách mạnh thì phản ứng phụ cũng không không nhỏ. Ví dụ, DN đổ xô vào vay VND, không vay ngoại tệ, rồi dùng VND mua ngoại tệ, làm ngoại tệ căng thẳng. Với các ngân hàng thương mại thì túi ngoại tệ để gửi thì thừa mà túi để bán thì không có. Việc này NHNN phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để can thiệp. Phản ứng phụ nữa là cầu VND tăng thì lãi suất VND cũng tăng, nhất là đối với các ngân hàng nhỏ. Hay hiệu ứng làm cho hệ thống lãi suất méo mó nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì điều này không quan trọng.

Gói hỗ trợ lãi suất của VN hiện chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay mà không hạ lãi suất tiền gửi nhằm tránh bẫy thanh khoản. Nếu như Mỹ hoặc Nhật Bản hạ lãi suất tiền gửi xuống 0% thì dân chúng vẫn gửi tiền vào ngân hàng, không có gì thay đổi vì tài khoản dân chúng ở trong ngân hàng là tài khoản thanh toán hàng ngày. Còn tại VN nếu hạ lãi suất cho vay xuống 5% thì lãi suất tiền gửi phải ở 3%, như vậy chẳng còn ai gửi tiền mà người ta dùng tiền đi mua vàng, mua ngoại tệ, mua chứng khoán. Khi đó toàn bộ các ngân hàng sẽ sụp đổ rất nhanh chóng.

Vấn đề nữa là tâm lý, một DN được vay hỗ trợ lãi suất mà DN khác không được vay cũng cảm thấy bị thua thiệt nên DN này cũng muốn vay ngân hàng. Mà vay ngân hàng rồi thì đương nhiên phải nghĩ cách làm ăn. Do đó, duy trì được sản xuất cho DN, cho nền kinh tế. Đồng thời các ngân hàng thương mại cũng phải nghĩ rằng chỉ cho DN vay thì họ mới được hưởng hỗ trợ, nếu DN phục hồi thì con nợ của họ còn sống và họ còn đòi được nợ. Như vậy có hai động lực từ phía cho vay và phía được vay. Vậy là tín dụng đã được đẩy ra, mục đích của kích thích kinh tế là phải đẩy được tín dụng ra. VN đã bị đóng băng tín dụng 3 tháng liền của năm 2008 và khi có chính sách kích cầu thì tín dụng mới được đẩy ra.

Hãy nhìn sang Mỹ, khi chính phủ rót tiền vào ngân hàng với hi vọng ngân hàng mở rộng cho vay nhưng các ngân hàng lại mang tiền vào gửi ở Ngân hàng trung ương vì họ sợ cho vay sẽ mất tiền. Do đó, tín dụng vẫn đóng băng. Nhìn lại gói kích thích của VN thấy có vẻ không giống ai nhưng thực tế hiệu ứng lại rất mạnh. Chúng ta đã tránh được bẫy thanh khoản, người dân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng, qua đó chúng ta có tiền để thực hiện kích thích kinh tế.

- Theo ông, chính sách kích thích kinh tế tới đây sẽ được điều chỉnh như thế nào xét về trung hạn và dài hạn ?

Chính phủ sẽ chưa điều chỉnh gì về chính sách kích cầu. Hơn nữa, Chính phủ cũng đề phòng khuynh hướng có những cú sốc nhỏ. Giống như động đất sẽ có dư chấn. Ví dụ, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, một số nguồn lực tài chính còn bất ổn, tình trạng đầu cơ cũng có thể gây ra những cú sốc nhất định. Ngay trong quá trình phục hồi cũng có thể có sốc, VN có thể gặp những cú sốc  nhỏ vào đầu năm 2010. Đó là: tăng trưởng có thể bị chùng xuống vì cầu nội địa đang được kích lên đến một lúc nào đó nó yếu đi, hoặc thị trường bất động sản đang nóng lên một chút nhưng nếu nóng lên vào lúc này thì cũng dễ bị nguội đi; thị trường chứng khoán cũng tương tự... Những điều này sẽ làm tâm lý xã hội đang hồ hởi bị giảm khiến người ta tiêu dùng, đầu tư ít. Đó là những cú sốc nhỏ.

- Xin cảm ơn ông !

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thua trắng trên sân nhà (18/07/2009)

>   Tự vệ (18/07/2009)

>   “Kế” thứ... 37 ! (18/07/2009)

>   TPHCM: Triển khai đấu thầu thêm 6 “khu đất vàng” (18/07/2009)

>   Đóng mới tàu chở ximăng 15.000 tấn tại Hải Phòng (17/07/2009)

>   Giải pháp cho xuất khẩu (17/07/2009)

>   Chưa hết bất bình về giá, lại đến bức xúc về chất lượng! (17/07/2009)

>   Hàng không tìm đường “bay” qua khủng hoảng (17/07/2009)

>   Cần cơ chế rõ ràng cho xuất khẩu cà phê (17/07/2009)

>   Dự kiến tăng thuế nhập khẩu sữa (17/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật