Thứ Bảy, 18/07/2009 10:09

Thua trắng trên sân nhà

Yếu kém cả về năng lực chuyên môn và khả năng tài chính đang làm cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mất đi nhiều cơ hội kinh doanh lớn ngay tại sân nhà.

Khi mua lại nhà máy bột và giấy ở Gaspesia (Quebec-Canada), Công ty cổ phần Giấy Tân Mai (Tân Mai Group) đã phải ký một hợp đồng trị giá tới 99,5 triệu USD với Công ty E.C.EURO Consult để thực hiện việc tháo dỡ thiết bị, vận chuyển về Việt Nam, ráp lại rồi vận hành ra đến sản phẩm có chất lượng như trước khi tháo dỡ thiết bị.

Tân Mai thắng thầu mua lại nhà máy này với giá 49 triệu USD vào tháng 10 - 2007. Nhà máy bao gồm một dây chuyền giấy tráng phấn cao cấp công suất 200.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất giấy in báo, giấy in (150.000 tấn/năm), dây chuyền bột BCTMP (130.000 tấn/năm), dây chuyền bột mài (200.000 tấn/năm).

Như vậy, giá trị của hợp đồng tháo lắp, vận chuyển nói trên cao hơn gấp đôi giá mua toàn bộ nhà máy. Tuy nhiên, mức giá này được chủ đầu tư xem là hợp lý bởi đã qua 2 lần đấu thầu để chọn nhà tháo lắp, vận chuyển với sự tham gia của không dưới 6 nhà thầu mỗi lần.

Không chinh phục được khách hàng đã đành mà ngay cả khi làm cho chính mình thì các doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng không tạo ra được cú đột phá đáng kể nào.

Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT của Tân Mai Group khi được hỏi “sao không chọn các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam để thực hiện công việc này” đã rất chân tình cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết bao lâu nữa mới đảm trách nổi công việc này. Các công ty Việt Nam chỉ có thể đủ sức đảm nhiệm một vài khâu nào đó thôi chứ về tổng thể thì chưa thể. Chưa kể việc muốn dự thầu thì phải chứng minh năng lực, công trình mà mình đã thực hiện trước đó. Mà điều này dường như vượt quá sức của các doanh nghiệp trong nước”, ông Thịnh nói.

Với việc thuê đối tác nước ngoài có các chuyên gia từng tham gia lắp đặt và vận hành nhà máy giấy Bãi Bằng do Thụy Điển tài trợ trước đây, Tân Mai đang kỳ vọng sau 18 tháng lắp đặt và 6 tháng vận hành thử dây chuyền này sẽ bổ sung đáng kể công suất sản xuất giấy và bột giấy các loại cho công ty. Dĩ nhiên, việc Tân Mai Group có thể triển khai công việc nhanh như vậy là còn bởi đây là một doanh nghiệp cổ phần, trong đó các doanh  nghiệp nhà nước tuy chiếm cổ phần chi phối nhưng quyền điều hành doanh nghiệp lại do cổ đông tư nhân đảm trách.

Tuy nhiên, việc không tin tưởng vào các doanh nghiệp cơ khí trong nước trong việc thực hiện dự án này của Tân Mai cũng có lý do của nó. Vào khoảng năm 2004, ngành giấy đã từng có dự án nhà máy giấy Thanh Hóa được yêu cầu đặt cược cho cơ khí trong nước chế tạo với mong muốn tạo điều kiện để ngành cơ khí nước nhà cất cánh. Đơn vị xung phong nhận nhiệm vụ chế tạo một số thiết bị chính của dây chuyền sản xuất giấy và bột là Tổng công ty Máy và phụ tùng công nghiệp (MIE). Dù được sự ủng hộ của các cơ quan hữu trách và đã từng chế tạo một số thiết bị cho các nhà máy đường trong phong trào “xây dựng nhà máy đường, xi măng lò đứng” trước đó, nhưng MIE đã không được chủ đầu tư là TCT Giấy tin tưởng về cả kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và khả năng tài chính nên đã không được chọn. Cuối cùng CTCP Giấy Thanh Hóa, chủ đầu tư của Nhà máy giấy và bột giấy Thanh Hóa, đã quyết định đặt mua thiết bị ở nước ngoài.

Không chinh phục được khách hàng đã đành mà ngay cả khi làm cho chính mình thì các doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng không tạo ra được cú đột phá đáng kể nào trong khâu tháo dỡ và lắp đặt thiết bị đang hoạt động tại nước ngoài về để vận hành tại Việt Nam. Dự án ô tô Thanh Hóa – VEAM của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là một ví dụ. Tuy là một doanh nghiệp cơ khí lớn nhưng ngay cả việc tháo dỡ và lắp ráp lại thiết bị của nhà máy Samsung Hàn Quốc, VEAM cũng không tự làm được mà phải đi thuê trọn gói bên ngoài.

Bên cạnh đó, những hào hứng của năm 2002 - 2004 khi trúng thầu mua được nhà máy ô tô tải của hãng Samsung (Hàn Quốc) đã phá sản đang trở thành gánh nặng cho VEAM hiện nay. Bên cạnh những sai sót được cơ quan thanh tra kết luận như xác định dự toán ban đầu không chính xác khiến vốn đầu tư tăng vọt từ 320 tỷ đồng lên đến 600 tỷ đồng, thì việc thuê nhà thầu, mua bán, tháo dỡ, vận chuyển thiết bị, dây chuyền nhà máy ô tô về Việt Nam cũng không được đánh giá đúng khối lượng, làm phát sinh chi phí vận chuyển. Đó là chưa kể việc mua nhà máy nhưng không thực hiện chuyển giao công nghệ cũng khiến chi phí bị đội lên cao.

Và dù VEAM có là doanh nghiệp cơ khí lớn của đất nước với nhiều thành viên có thâm niên hoạt động lâu năm hay là đối tác tại Việt Nam của không ít thương hiệu ô tô lớn như Honda, Toyota, Ford, nhưng ngày vận hành nhà máy xe tải của tổng công ty này tại Thanh Hóa cứ vẫn phải trở tới, trở lui trong suốt hơn 3 năm qua. Đó là chưa kể nếu nhà máy cho ra đời sản phẩm vào thời điểm này thì các thiết bị của nhà máy được chế tạo vào những năm 1995 - 1998 đã bắt đầu bị lạc hậu về mặt công nghệ. Cũng may mà các liên doanh ô tô hiện đang hoạt động tại Việt Nam của doanh nghiệp nhà nước này đang có kết quả kinh doanh tốt nên phần được chia của VEAM trong liên doanh cũng đủ để bù đắp cho sự thiếu hiệu quả của dự án ô tô tải tại Thanh Hóa.

Nhà máy điện Uông Bí mở rộng 300 MW lại là một ví dụ khác về sự yếu kém của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Là tổng thầu EPC nhưng doanh nghiệp lắp máy hàng đầu của Việt Nam là TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) vẫn chưa giúp cho ngày về đích của Nhà máy điện sớm hơn, dù đã lỗi hẹn không dưới 1 năm. Thiếu kinh nghiệm và trình độ quản lý nên ngoài những công đoạn chế tạo các thiết bị cồng kềnh và lắp máy, Lilama và các nhà thầu Việt Nam cũng không giành thêm được các công việc liên quan đến thiết bị nhà máy điện trong dự án này. Không chỉ có vậy, ngay cả với các dự án đầu tư mới như nhà máy điện Cà Mau, nhà máy điện Nhơn Trạch được giao cho các doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu EPC thì phần thiết bị, công nghệ chính vẫn phải do nhà thầu phụ nước ngoài thiết kế, chế tạo và bảo hành.

Ngay cả dự án cơ khí trọng điểm về chế tạo thiết bị cho nhà máy điện có công suất tới 300 MW, dù được Chính phủ ủng hộ nhiệt tình, nhưng theo một chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực này, tới giờ các doanh nghiệp trong nước muốn tham gia vẫn chưa xác định được quy mô dự án và những công việc mà mình cần đảm trách dù đã ngồi với nhau vài vòng. Chờ đợi được giao việc, giao dự án đã trở thành một thuộc tính của nhiều doanh nghiệp cơ khí. Chính sự thụ động này đã làm họ mất đi sự tín nhiệm của bạn hàng và cả cơ hội để trưởng thành.

Quang Thái

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tự vệ (18/07/2009)

>   “Kế” thứ... 37 ! (18/07/2009)

>   TPHCM: Triển khai đấu thầu thêm 6 “khu đất vàng” (18/07/2009)

>   Đóng mới tàu chở ximăng 15.000 tấn tại Hải Phòng (17/07/2009)

>   Giải pháp cho xuất khẩu (17/07/2009)

>   Chưa hết bất bình về giá, lại đến bức xúc về chất lượng! (17/07/2009)

>   Hàng không tìm đường “bay” qua khủng hoảng (17/07/2009)

>   Cần cơ chế rõ ràng cho xuất khẩu cà phê (17/07/2009)

>   Dự kiến tăng thuế nhập khẩu sữa (17/07/2009)

>   Chỉ số giá: Cách tính mới sẽ "chính xác hơn" (17/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật