Lướt sóng với cổ phiếu quỹ
Nếu như trước đây giao dịch cổ phiếu quỹ thường nghiêng về một thái cực, hoặc tập trung mua vào hoặc đua nhau bán ra thì hiện nay, chợ cổ phiếu quỹ đang náo nhiệt kẻ mua, người bán.
Mua ít, bán nhiều
Công ty cổ phần Traphaco (TRA) vừa hoàn tất việc mua vào 32.400 cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng cho nhân viên. Nguồn vốn mua được lấy từ quỹ khen thưởng phúc lợi. Theo kế hoạch ban đầu, TRA đăng ký mua 42.000 cổ phiếu quỹ nhưng sau đó, do công ty đã hoàn thành đủ tổng giá trị mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ được đại hội cổ đông thông qua, nên công ty không tiếp tục mua lượng cổ phiếu còn lại trong tổng số 42.000 cổ phiếu như đã đăng ký trước khi thực hiện giao dịch. Tương tự TRA, Công ty cổ phần vật tư - xăng dầu (COM) cũng không mua hết số lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký trước đó mà chỉ mua một lượng nhỏ so với lượng đã đăng ký. Cụ thể, COM đã mua xong 12.262 cổ phiếu trong tổng số 125.390 cổ phiếu đăng ký mua làm cổ phiếu quỹ vào ngày 22.6.2009, nâng số cổ phiếu quỹ nắm giữ từ 324.763 lên 337.025 cổ phiếu. Lý do về việc tạm ngừng mua cổ phiếu quỹ của COM là để thực hiện chương trình chào bán cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên chủ chốt năm 2008...
Nếu như các công ty đăng ký mua thường không mua hết lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký hoặc chỉ mua vào một lượng nhỏ thì ngược lại, các công ty đăng ký bán ra lại “xả hàng” với số lượng lớn. Như trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) đăng ký bán ra toàn bộ trên 18 triệu cổ phiếu quỹ của mình khiến nhà đầu tư xôn xao vì lo sợ hiệu ứng tâm lý sẽ khiến cổ phiếu này rớt giá. Để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ kinh doanh, từ ngày 22.6 đến 22.7, Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn Savico (SVC) đăng ký bán toàn bộ 221.060 cổ phiếu quỹ... Như vậy có thể thấy, lực bán ra mạnh hơn rất nhiều so với lực mua vào trên chợ cổ phiếu quỹ hiện nay.
Thu lợi nhờ mạo hiểm
Trong giai đoạn thị trường lình xình và sụt giảm, việc mua vào cổ phiếu quỹ của nhiều công ty bị đánh giá là động thái làm giá cổ phiếu. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi hầu hết các công ty đều không thực hiện nghiêm túc việc mua vào lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những công ty đã thực hiện nghiêm túc việc mua vào cổ phiếu quỹ lại ăn nên làm ra do giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. Và việc bán cổ phiếu quỹ đã mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các công ty này. Đơn cử trường hợp của STB. Cuối năm 2008, việc STB đăng ký mua một lượng cổ phiếu quỹ khổng lồ lên tới 25 triệu cổ phiếu đã gây xôn xao dư luận. Giá cổ phiếu STB thời điểm cuối năm 2008 khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, STB đã đạt được nguồn lợi nhuận khổng lồ khi thực hiện bán ra số lượng cổ phiếu quỹ này. Cũng như STB, khi SVC mua vào cổ phiếu quỹ cuối năm 2008, giá cổ phiếu này đang rất thấp. Nhưng đến lúc đăng ký bán ra, giá cổ phiếu này đã tăng gấp 2 - 3 lần, mang lại cho SVC một nguồn lợi nhuận không nhỏ...
Đến thời điểm này, khi hàng loạt công ty bán ra cổ phiếu quỹ thu lợi nhuận lớn, không ít công ty lại tiếc đứng, tiếc ngồi vì trước đây đã "non gan" khi không tự tin mua hết lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký. Nói như giám đốc một công ty trong ngành xây dựng không mua hết lượng cổ phiếu đã đăng ký hồi tháng 10.2008 thì mặc dù biết mức giá cổ phiếu công ty mình khi ấy là quá rẻ nhưng "ngày nào thấy mất điểm cũng run". Và nghiệp vụ "dừng mua" vì lý do thị trường không thuận lợi đã được đưa ra áp dụng. Đến lúc này, giá cổ phiếu công ty đã tăng gần gấp 3 lần so với nửa năm trước đây thì ông lại thấy "tiếc hùi hụi".
Dù bên bán vẫn áp đảo do tình trạng mua vào cổ phiếu quỹ thời điểm thị trường lình xình trước đó khá phổ biến thì hiện tại chợ cổ phiếu quỹ vẫn đang hết sức nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Thị trường chứng khoán đã từng nhận diện khối ngoại, các nhà đầu tư cá nhân lướt sóng. Nhưng thời điểm này, việc các nhà đầu tư tổ chức tham gia lướt sóng rõ ràng đã làm phong phú thêm cho thị trường chứng khoán nói chung.
Nguyên Hằng
Thanh niên
|